
Ngành Mai
Bà Năm Sa Đéc phục vụ nghệ thuật qua mấy thế hệ khán giả, từ hát bội đến cải lương, kịch và luôn cả điện ảnh, hầu như môn nào cũng có mặt của bà. Do vậy hình ảnh của bà Năm Sa Đéc đã quá quen thuộc với khán giả.
Có lúc người ta gọi bà là “Bà Năm Thép Súng,” đó là thời gian bà cộng tác với chương trình “Thép Súng” của đài truyền hình.
Nếu chỉ kể về các nữ nghệ sĩ kỳ cựu mang những mỹ danh của một số tỉnh miền Tây như các cô Năm Cần Thơ, cô Ba Trà Vinh, cô Ba Bến Tre… thì chỉ riêng có cô Năm Sa Đéc (khi về già khán giả gọi “Bà Năm Sa Đéc”) có thời gian đã trở lại sàn gỗ của đoàn Ánh Chiêu Dương với một phong độ tuy không được coi là dồi dào như thuở nào, song vẫn còn được hầu hết khách mộ điệu dành cho một cảm tình đặc biệt, nhờ ở một tài nghệ điêu luyện, vững vàng.
Đó là một điều hiển nhiên mà không ai chối cãi được, vì rằng bà Năm Sa Đéc đã trải qua, đã học hỏi rất nhiều trong suốt thời kỳ cải lương từ khi hãy còn phôi thai cho đến lúc cực thịnh.
Có thể người ta khó quên được những hình ảnh bà mẹ chồng luôn luôn làm khổ nàng dâu bằng mọi cách, và khi đã nhớ đến đó là người ta đã kịp “thấy” trong trí hình ảnh bà Năm Sa Đéc với bộ đồ bà ba đơn sơ, một chiếc khăn đỏ vắt vai, tay xỉ tới, xỉ lui, miệng nói tía lia, diễn một cách tự nhiên trên một số lớn sân khấu đại ban qua những vai tương tợ là… mẹ chồng với nàng dâu, người chủ nợ, hoặc chuyên đi đánh ghen mướn cho người hàng xóm…
Người nữ nghệ sĩ “xưa” về… ăn mặc, nhưng rất “nay” về diễn trước hơn nghệ sĩ trẻ. Chắc chắn không một ai phủ nhận điều này, căn bản của ca kịch là diễn, kế đó phần ca được coi là phụ thuộc. Người nghệ sĩ có được trường tồn với sàn gỗ, nghệ thuật ca kịch có tiến bộ chăng nữa luôn luôn người ta vẫn đặt nặng phần diễn xuất lên hàng đầu.
Cho nên đến mấy lúc sau này, bà Năm Sa Đéc cũng như một số anh chị nghệ sĩ tiền phong, dù đã trở lại sàn gỗ, trở lại với khách mộ điệu với một tuổi đời chồng chất, vẫn không có chi là lạ. Chẳng những không lạ về sự hiện diện của họ, mà xét ra nghệ thuật ca diễn ngày nay vẫn rất cần đến độ cao của những nghệ sĩ già dặn nữa là khác.
Đó là chúng ta chưa kể đến một nhận xét của một số người đã tự cho rằng nghệ thuật ca kịch ngày nay căn bản phải là nghệ sĩ trẻ, ca hay, đẹp, sáng sân khấu mới là quan trọng.
Người ta không vội cho đó là một quan niệm bảo thủ, không tiến bộ, bởi số người đó vô tình phủ nhận một “quy luật” là dù dưới hình thức nào, ca kịch một ngày kia phải đi đến thoại kịch và khi đi đến đó mới đủ nói lên tính chất trung thực, phản ảnh đầy đủ một sinh hoạt đang nhịp nhàng tiến bộ với trào lưu.
Có thể nói ra một điều phũ phàng nhất là nếu một ông, bà bầu nào đó có cần “chuộc” một nghệ sĩ chắc chắn phải nhắm vào nghệ sĩ trẻ với khối bạc giao kèo. Nhưng trên thực tế và xét đoán căn bản của nghệ thuật ca diễn vẫn phải công nhận ở tài nghệ diễn xuất của những nghệ sĩ đã điêu luyện trên sàn gỗ. Song nghệ sĩ này – có chút ít tuổi nghề và tuổi đời – nếu được mời ký giao kèo thì lại chẳng được bao nhiêu tiền.
Đó là thực trạng của người nghệ sĩ khi về già, mà bà Năm Sa Đéc là một điển hình vậy.
Khoảng 1971 chúng tôi coi phim “Lệ Đá” (phim trúng giải văn học nghệ thuật của tổng thống). Bà Năm Sa Đéc xuất hiện trong phim và khán giả la ó lên: “Tại sao bà Năm Sa Đéc nói tiếng Bắc?”
Thật ra người ta đâu có lạ gì tiếng nói rặt Nam Kỳ của bà Năm. Sở dĩ có như vậy là do kỹ thuật chuyển âm, bà già nào đó thu tiếng Bắc thay thế. Do bởi Thanh Lan nói giọng Bắc thì dĩ nhiên bà mẹ cũng nói tiếng Bắc luôn vậy!
Người ta còn nhớ những năm trước 1975, bà Năm Sa Đéc từng dính líu vào vụ kiện “bánh bao Cả Cần.” Nghe nói bà thắng trong vụ kiện này.
Bà Năm Sa Đéc là bạn đời với nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, tên tuổi nghề nghiệp của bà được cụ Vương đề cập khá nhiều trong cuốn hồi ký “50 Năm Mê Hát” xuất bản năm 1968. Bà qua đời trước ông khoảng sáu, bảy năm gì đó.
Theo Nguoi-viet.com
Mười sáu tuổi Ngọc Giàu chiếm giải Thanh Tâm 1960

Ngành Mai
Là một giọng ca nữ được giới mộ điệu ưa chuộng, Ngọc Giàu thành danh rất sớm, và nghệ thuật cải lương cùng dĩa hát đã đưa người nghệ sĩ đến mức vinh quang trong sự nghiệp cầm ca.
Đi hát lúc tám tuổi, đến 16 tuổi đoạt giải Thanh Tâm 1960 cùng một năm với kiều nữ Bích Sơn, và từ ấy cho đến thập niên sau Ngọc Giàu vẫn còn hát. Còn Bích Sơn thì sau ngày đoạt giải thì gần như không còn đứng trên sân khấu.
Ngọc Giàu tên thật là Công Tôn Nữ Ngọc Giàu, sinh năm 1945, cha mẹ là người Huế vào Nam lập nghiệp ở vùng Thủ Thiêm. Lúc đầu Ngọc Giàu gia nhập đoàn Kim Phụng, sang năm 1957 đi đoàn Thanh Thanh của bầu Văn Khá, năm 1958 cộng tác với Mai Lan Phương, rồi về đoàn Tỷ Phượng.
Lúc đó Ngọc Giàu chỉ xin một chân vũ sinh mà thôi, nhưng rồi khi nghe qua làn hơi ca của Ngọc Giàu thì mọi người không khỏi ngạc nhiên, vì tuy rằng giọng nói khàn khàn, lại có thể phát âm một giọng thổ đặc biệt trong lời ca.
Rồi soạn giả thử thách Ngọc Giàu qua các vai đào non nhí nhảnh, rồi đào thương, đào võ… để rốt cuộc nhận định rằng Ngọc Giàu có nhiều triển vọng trở thành một đào thương quý phái.
Theo như ký giả kịch trường Hoài Ngọc thì Ngọc Giàu thông minh và dễ dạy nên chẳng bao lâu cô đóng được vài vai chánh. Ngọc Giàu đi đoàn Cửu Long và đã được sự trìu mến của khán giả miền Hậu Giang.
Tuy nhiên, tài nghệ của Ngọc Giàu ít được người trong giới biết đến. Bởi vậy khi Cửu Long tan rã, về gia nhập đoàn Minh Hùng, Ngọc Giàu không được giao phó một vai nào xứng đáng cả.
Đến khi bước sang sân khấu Ngọc Kiều thì được bầu Hoàng Kinh biết vận dụng mầm non đúng mức, và biết khai thác tận tình những sở trường của cô đào trẻ. Thỉnh thoảng bầu Hoàng Kinh gặp Hoài Ngọc là vội khoe: “Ngọc Giàu hát có duyên lạ lắm mà hơi ca cũng đang đà tình cảm khó tả.”
Rồi cũng nhờ sân khấu Ngọc Kiều mà Ngọc Giàu được sự chiếu cố của cặp mắt nhà nghề khác: bà bầu Kim Chưởng!
Về với đoàn Kim Chưởng, Ngọc Giàu thay vai cho Út Bạch Lan trong vở “Nước Mắt Kẻ Sang Tần” đến lần hồi được thủ một loạt vai chính trong những vở mới nhất của các soạn giả Phong Anh, Yên Trang, Hoài Linh, Hoài Sơn, bên cạnh Kim Chưởng và Thúy Nga. Chịu khó học tập, trau dồi nghề nghiệp, luôn vui tánh Ngọc Giàu được cảm tình của các tầng lớp khán giả cũng như được anh chị em trong giới khen ngợi.
Trọn năm 1960 trong hàng đào trẻ, Ngọc Giàu là người được các hãng dĩa chú ý nhiều nhất. Bởi vậy nên trên các mặt dĩa: Thành Công, Tứ Hải, Việt Thanh, Hồng Hoa đâu đâu người ta cũng thấy tên Ngọc Giàu.
Mỗi lượt đài phát thanh mở lên phần cổ nhạc thu thanh, chỉ nghe đến hơi ca của Ngọc Giàu là giới sành điệu biết ngay: Một hơi ca truyền cảm lạ, một giọng thổ đặc biệt chỉ riêng có ở một Ngọc Giàu mà thôi.
Và một hãng dĩa mới chọn Ngọc Giàu mở đầu cho loạt dĩa tình cảm, mời vài ký giả kịch trường đến thăm để nghe Ngọc Giàu diễn đạt. Một ký giả đang say sưa theo dõi từng câu ca, thì bỗng nhiên người chuyên viên thu và phát âm của hãng đến vỗ vai nói: Ông có nghe gì qua hơi ca của Ngọc Giàu không? Rồi chính người ấy lại nói tiếp: “Tôi nghe có tí cá rô trong đó.”
À! Thì ra người ta nhớ lại rằng chính ở Ngọc Giàu còn phảng phất chút âm điệu của người Huế, bởi cha mẹ cô người miền Trung thực sự. Sự pha trộn âm điệu của tiếng miền Trung và tiếng miền Nam để tạo cho Ngọc Giàu một hơi ca khác biệt là vậy đó. Ít ai phân tách được tỉ mỉ trường hợp hiếm có này.
Rời đoàn Kim Chưởng, Ngọc Giàu ký hợp đồng với đoàn Thanh Minh Thanh Nga, với số tiền khá lớn nên cha mẹ Ngọc Giàu đã cất được nhà gạch trên nền nhà xập xệ năm xưa.
Có đi sâu vào nghề và có trực tiếp đạo diễn cho Ngọc Giàu, thì người ta mới thấy một nhược điểm khá trầm trọng của cô đào trẻ này: Khi đã phạm phải một lỗi lầm nào trong lời ca hay trên lối diễn rồi, thì Ngọc Giàu khó thể sửa được. Hôm nay diễn sai lớp ấy, ngày mai lại vẫn tái phạm. Ban nãy đã ca chẻ văn hay trật chữ trong một câu ca, thì lát sau lại cũng lầm lạc nữa.
Điều này bắt buộc soạn giả và đạo diễn phải chăm sóc tỉ mỉ Ngọc Giàu từ khi mới ráp tuồng, hay đọc lời văn thì mới giúp đỡ cho cô tránh được nhược điểm nói trên.
Lại cũng còn một nhược điểm khác, mà trời đã dành cho Ngọc Giàu và cô không có can đảm nhờ khoa học biến cải, đó là cái mũi tẹt của cô. Đã có nhiều ông bà bầu muốn đưa Ngọc Giàu đến thẩm mỹ viện sửa mũi cho cao hơn để gương mặt tròn trịa của cô càng thêm sáng đẹp, nhưng Ngọc Giàu đã phải thốt ra những lời sợ hãi: “Không! Không em không chữa mũi đâu. Trời sanh sao để vậy, vì biết đâu chữa mũi rồi thì em lại mất hơi ca!”
Kể ra thì Ngọc Giàu cũng có lý đấy, nên muốn giữ được hơi ca trời cho, Ngọc Giàu đành cam mang cái mũi trời cho không mấy đẹp. Tuy nhiên đã mấy phen Ngọc Giàu được các tay hóa trang nhà nghề về điện ảnh chỉ bảo cho cách tô son điểm phấn để cố tình đánh lạc đi phần nhược điểm của mình.
Cho nên ra sân khấu, Ngọc Giàu vẫn đẹp, cái đẹp trang nhã dịu hiền của cô gái Xuân vừa mười sáu. Và nhờ vậy mà ban tuyển chọn giải Thanh Tâm 1960 đã chấm cho Ngọc Giàu đủ điểm để nhận lãnh huy chương vàng nghệ sĩ triển vọng.
Theo Nguoi-viet.com