
KHÁNH HÒA (NV) – Do không mua bảo hiểm sức khỏe, nên khi du lịch qua Việt Nam bị bệnh, nhiều du khách Trung Quốc vào bệnh viện chữa trị rồi tìm cách “quỵt” viện phí.
Nói với truyền thông Việt Nam, chiều 21 tháng 7, ông Nguyễn Văn Xáng, giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết, thời gian gần đây có tình trạng nhiều du khách Trung Quốc vào chữa trị, sau đó tìm mọi cách để trì hoãn, tránh né, thậm chí trốn trả viện phí.
Dù chưa có thống kê con số cụ thể, nhưng ước tính trung bình một tuần có 1-2 trường hợp trốn hoặc chây ì trả viện phí. “Chúng tôi biết là ảnh hưởng đến nguồn thu, nhưng trách nhiệm mình là cấp cứu, họ bỏ đi cũng đành chịu vì không biết làm gì hơn,” ông Xáng nói.
Than với phóng viên báo Thanh Niên, bà Lương Thị Bích Ngọc, trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng trung tâm dịch vụ y tế, bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết thêm: Những bệnh nhân là khách Châu Âu, Bắc Mỹ, Nga đến khám chữa bệnh đều có bảo hiểm du lịch, do đó việc thu hồi viện phí không có gì phiền toái. Nhưng đối với khách Trung Quốc, chẳng ai có bảo hiểm du lịch mà chỉ mang theo một số tiền để xài.
Cụ thể như trường hợp bệnh nhân Zhou Yuanfeng (44 tuổi), vào chữa bệnh viêm tế bào mô nhưng chỉ đóng 3 triệu đồng. Do điều trị đặc biệt, thuốc men tốn kém nên bệnh viện yêu cầu đóng thêm. Thế nhưng ông này hết lần này đến lần khác nói với cán bộ y tế là “cứ chờ vợ tôi lên.” Đến khi ông Zhou Yuanfeng nói sắp bay về nước, bệnh viện phải làm giấy tờ cho y xuất viện.
Còn trường hợp bệnh nhân Li Yuemin (55 tuổi), nhập viện cấp cứu vì bị tai nạn giao thông gãy mâm chày chân trái, gãy mỏm vẹt phải, xương trụ phải, gãy nền xương bàn tay phải 1 và 5. Bác sĩ xác định trường hợp này rất nặng cần phải phẫu thuật ngay nhưng ông Li Yuemin cứ đòi hồi hương và không chịu đóng thêm tiền. (Tr.N)
Theo Nguoi-viet.com
Vụ Formosa: Chỉ nói thiệt hại, không nói trách nhiệm

VIỆT NAM – Chính phủ Việt Nam vừa báo cáo với Quốc Hội Việt Nam về thiệt hại mà Formosa gây ra khi xả chất thải vào biển. Đây là lần đầu tiên thiệt hại được đánh giá tương đối toàn diện.
Theo đó chất thải mà Formosa xả vào biển hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4, không chỉ khiến cá chết trắng biển, hủy diệt môi sinh của vùng biển phía Bắc miền Trung mà còn đẩy khoảng 100,000 người đến chỗ mất sinh kế và khoảng 180,000 người phụ thuộc lâm vào cảnh khốn cùng vì gia đình không có thu nhập. Không chỉ có ngư nghiệp tê liệt mà thương mại, du lịch, xuất cảng cũng lao đao vì thảm họa này.
Báo cáo vừa kể xác nhận, thiệt hại về sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng khoảng 1,600 tấn/tháng. Khoảng 5.7 héc ta hồ nuôi tôm bị nhiễm độc, 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp thu hoạch chết sạch. Trên 350 héc ta hồ nuôi tôm có tôm bị chất một phần. Hơn 3,000 héc ta nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống do bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nên tôm chậm lớn, bị bệnh. Khoảng 1,613 lồng nuôi cá mất trắng. Khoảng 10 héc ta nuôi cua, 7 héc ta nuôi ngao bị ảnh hưởng, người nuôi trắng ta. Giá bán các loại hải sản được nuôi ven bờ giảm từ 10% – 20%.
Việc tiêu thụ hải sản ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế cùng sút giảm nghiêm trọng. Hải sản khai thác trong phạm vi 20 hải lý tính từ bờ không tiêu thụ được. Giá bán hải sản khai thác bên ngoài phạm vi 20 hải lý tính từ bờ giảm từ 30% đến 50%.
Riêng tại Hà Tĩnh, hơn 3,000 tấn hải sản đang tồn kho, tương đương 85% khả năng tích trữ của các kho đông lạnh ở Hà Tĩnh. Tại Quảng Bình hiện có trên 2,000 tấn hải sản tồn kho, tương đương 70% khả năng tích trữ của các kho đông lạnh ở Quảng Bình. Báo cáo không đề cập đến tình trạng tồn kho ở Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế dù báo giới từng ước lượng là không nhỏ.
Bởi ô nhiễm do Formosa gây ra tác động đến tâm lý của người tiêu dùng trên toàn Việt Nam nên cả ngư dân lẫn các cơ sở kinh doanh hải sản trên toàn quốc đều gặp khó khăn trong việc bán hải sản. Đó là lý do ngư dân nhiều nơi, đặc biệt là bốn tỉnh phía Bắc miền Trung, khu vực bị tác động trực tiếp đã ngưng ra khơi.
Tuy báo cáo của chính phủ Việt Nam cho rằng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định các tác động đến môi trường khi cấp phép đầu tư và gia tăng việc giám sát, kiểm tra, thanh tra môi trường, phát giác ô nhiễm nhưng lại không đề cập đến trách nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm của bất kỳ viên chức nào liên quan đến tiến trình tiếp nhận – cấp giấy phép đầu tư – giấy phép xả nước thải, chất thải cho nhà máy thép của Formosa tại Khu Công Nghiệp Vũng Áng, vốn có hàng loạt dấu hiệu hết sức không bình thường. (G.Đ)
Theo Nguoi-viet.com