Bầu cử tại Việt Nam không thành công như tuyên truyền
HÀ NỘI (NV) - Một tuần sau ngày bầu cử toàn quốc (Chủ Nhật, 22 tháng 5), thông tin rải rác trên nhiều tờ báo tại Việt Nam cho thấy kết quả rõ ràng là không như nhà cầm quyền mong muốn.
Một điểm bầu cử tại Hà Nội trong ngày bầu cử toàn quốc. (Hình: Getty Images)
Hôm 23 tháng 5, 2016, qua hệ thống truyền thông Việt Nam, chính quyền 63 tỉnh và thành phố tại Việt Nam khẳng định, tỉ lệ cử tri tại địa phương của họ đi bầu đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội Đồng Nhân Dân các cấp trong ngày bầu cử toàn quốc đã đạt 100% hoặc xấp xỉ 100%, thế nhưng sau đó, cũng theo hệ thống truyền thông Việt Nam thì cuộc bầu cử vừa kể không suôn sẻ cả về diễn biến lẫn kết quả.
Chẳng hạn theo tờ Tuổi Trẻ, tuy chính quyền tỉnh Quảng Nam loan báo tại tỉnh này có 99.97% cử tri đi bầu nhưng trên thực tế, ít nhất cũng đã có trường hợp thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành: Chỉ thu về được 700 phiếu bầu trong khi danh sách cử tri của thôn này có tới 1,000 người. Cũng theo tờ Tuổi Trẻ thì có tới 300/700 phiếu bầu ở thôn Thuận An bị cử tri gạch bỏ toàn bộ ứng cử viên hoặc chỉ chừa lại một người.
Sự kiện vừa kể khiến người ta phải tự hỏi, con số 99.97% cử tri ở Quảng Nam đi bầu có đáng tin và có thật là dân chúng Việt Nam “hồ hởi, phấn khởi, nô nức thực hiện quyền công dân” như tuyên truyền?
Đến cuối tuần này, báo chí Việt Nam cho biết thêm, Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia vừa cho phép thành phố Cần Thơ tổ chức bầu thêm hai người đại diện cho dân chúng thành phố này tại Quốc Hội Việt Nam vì kết quả của đợt bầu cử vừa qua chỉ cho phép chọn được năm trong số bảy đại biểu Quốc Hội.
Dường như những lời kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử toàn quốc, gạch bỏ tất cả những nhân vật bất xứng đã có tác dụng cho dù để đối phó với những lời kêu gọi này, thậm chí để phòng ngừa việc xảy ra biểu tình trong ngày bầu cử toàn quốc, chính quyền Việt Nam đã từng phải tổ chức chặn Internet, chặn mạng điện thoại di động, không cho người sử dụng gởi những tin nhắn mà nội dung có từ “bau”!
Cả Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia, Ủy Ban Bầu Cử thành phố Cần Thơ lẫn báo chí Việt Nam đều không cho biết lý do tại sao thành phố Cần Thơ lại thiếu hai đại biểu Quốc Hội. Những ứng cử viên nào được “cơ cấu” để đại diện cho thành phố Cần Thơ tại Quốc Hội Việt Nam nhưng không được dân chúng thành phố Cần Thơ chọn.
Cần lưu ý là trước đó theo thông báo, tỉ lệ cử tri thành phố Cần Thơ đi bầu cũng xấp xỉ... 100% như tất cả các tỉnh, thành phố khác!
Tình trạng cử tri “hồ hởi, phấn khởi, nô nức thực hiện quyền công dân,” tỉ lệ cử tri đi bầu đạt 100% hoặc xấp xỉ 100% nhưng kết quả bầu cử không cung cấp cho các tỉnh, thành phố đủ số đại biểu tại Quốc Hội Việt Nam, không chỉ xảy ra riêng tại thành phố Cần Thơ. Ông Trần Văn Túy, ủy viên Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia kiêm Trưởng Ban Công Tác đại biểu, vừa thú nhận với báo chí, điều đó còn xảy ra ở một số tỉnh khác như: Sơn La, Đồng Nai, Sóc Trăng,... nhưng vì những tỉnh này chỉ thiếu một đại biểu so với dự kiến thành ra Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia không cho “bầu bổ sung.”
Ông Túy nói thêm, bởi diễn biến như vừa kể nên số đại biểu Quốc Hội của khóa 14 sẽ không đạt mức 500 như dự kiến và vì phải chờ kết quả “bầu bổ sung” hai đại biểu cho thành phố Cần Thơ tại Quốc Hội Việt Nam nên Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia chưa thể công bố danh sách đại biểu Quốc Hội Khóa 14 như dự kiến.
Đề cập đến kết quả bầu cử Đại Biểu Quốc Hội qua cuộc bầu cử toàn quốc hồi cuối tuần trước, tờ Tuổi Trẻ tiết lộ: “Khoảng 15 hay 16 cá nhân được trung ương giới thiệu về các địa phương làm ứng cử viên đại biểu Quốc Hội không trúng cử,” và nhận định: “Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến công tác tổ chức bộ máy nhà nước, đặc biệt là khi những ứng cử viên được quy hoạch làm đại biểu Quốc Hội chuyên trách không trúng cử thì có thể nảy sinh tình huống thiếu hụt nhân sự trong các cơ quan của Quốc Hội.”
Kết quả cuộc bầu cử toàn quốc ở Việt Nam cũng đã làm xáo trộn “công tác tổ chức” của nhiều địa phương. Chẳng hạn ở Bến Tre, ông Nguyễn Hữu Châu, ủy viên Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy, phó chủ tịch thường trực Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Bến Tre, vốn được dự kiến làm chủ tịch kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh đã thất cử. (G.Đ)
Theo Nguoi-viet.com
Ngành du lịch Nha Trang lo sợ bị ‘Trung Quốc hóa’
KHÁNH HÒA (NV) - Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều du khách Trung Quốc, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa bắt đầu lo ngại sẽ bị “Trung Quốc hóa,” ảnh hưởng đến việc đa dạng thị trường du lịch khách quốc tế.
Khách du lịch Trung Quốc tràn ngập Nha Trang. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo Tuổi Trẻ ngày 29 tháng 5, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016, Sở Du lịch Khánh Hòa thống kê cho thấy, lượng du khách Trung Quốc đến Khánh Hòa tăng đột biến với 175,000 lượt, xấp xỉ bằng cả năm 2015 (180,000 lượt) và dự báo còn tiếp tục tăng cao.
Dù thừa nhận lượng khách Trung Quốc tăng “nóng” giúp du lịch Khánh Hòa tăng trưởng khá, nhưng chính quyền tỉnh bày tỏ lo ngại hiện tượng này cũng phát sinh nhiều vướng mắc, khiến các cơ quan quản lý lúng túng trong xử lý.
Bà Phan Thanh Trúc, phó giám đốc Sở Du Lịch Khánh Hòa, cho biết, một số công ty du lịch trong nước phàn nàn rằng, không đặt được chỗ cho những đoàn khách nội địa du lịch Nha Trang vì tất cả khách sạn đều được các công ty lữ hành đưa khách Trung Quốc đến đây đặt kín chỗ, có nơi còn đề nghị phải thương lượng với bên trung gian...
Nói với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sỹ Khánh, phó chủ tịch thành phố Nha Trang, cho hay, điều lo ngại là nhiều du khách Trung Quốc tập trung thành từng nhóm đông ở một số điểm du lịch, rồi kéo băng-rôn bằng chữ Trung Quốc căng ra để chụp hình.
“Chúng tôi thu, đưa đi phiên dịch các băng-rôn này thì phát hiện có những câu biểu ngữ bình thường, nhưng cũng có trường hợp mang nội dung xấu,” ông Khánh nói.
Tương tự, ông Trần Nhân Nghĩa, trưởng phòng An Ninh Kinh Tế Công An tỉnh Khánh Hòa, cũng lên tiếng khuyến cáo nguy cơ du lịch Nha Trang sẽ bị “Trung Quốc hóa.”
“Trước đây khách chưa nhiều thì họ đến thuê khách sạn của mình để ở, nhà hàng để ăn, mua hàng hóa của mình. Nay khách đến quá đông, người Trung Quốc sang đây thuê trọn khách sạn, nhà hàng đẹp và những cơ sở dịch vụ khác rồi họ quản lý, điều hành luôn,” ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho biết thêm, công an đã xác định một số người Trung Quốc đến Khánh Hòa bằng visa du lịch, làm tour leader (trưởng đoàn chăm sóc khách hàng), nhưng thực chất là những người chủ công ty du lịch ở Trung Quốc.
Thông qua các hướng dẫn viên, những tour leader Trung Quốc này đến Nha Trang điều hành toàn bộ, từ sắp xếp khách sạn cho khách đến mua sắm ở đâu, tới điểm đến nào... mà không cần mở doanh nghiệp, xin phép kinh doanh...
“Có các nhà hàng, quán bar, nơi kinh doanh ăn uống, tour du lịch, bán hàng... người nước ngoài rất nhiều mà chính quyền không nắm được. Thêm nữa, hàng hóa mang lậu từ Trung Quốc về rồi đóng mác Việt Nam, bán khép kín cho người Trung Quốc,” ông Nghĩa bày tỏ lo ngại.
Trong khi đó, ông Trần Sơn Hải, phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, cũng thừa nhận, việc quản lý khách ngoại quốc lưu trú tại các khách sạn ở Nha Trang hiện nay là “có vấn đề,” cần phải được tổ chức quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời yêu cầu công an tỉnh Khánh Hòa phải nắm bắt để chống lợi dụng du lịch núp bóng kinh doanh.
Tin cho biết, do lo sợ bất ổn, ông Hải đã chỉ đạo các ngành chức năng ngay trong tháng 5 và tháng 6 năm 2016 tổ chức các đợt kiểm tra liên quan đến những lĩnh vực thuế, giá, sử dụng ngoại tệ, chất lượng hàng hóa... tại các cơ sở lưu trú, cửa hàng dịch vụ chuyên phục vụ du khách ngoại quốc. (Tr.N)
Theo Nguoi-viet