GNsP (09.05.2016) – Sáng ngày 08.05.2016, hàng ngàn người dân ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối nhà cầm quyền cộng sản đã tiếp tay gây ra thảm họa “biển chết” tại các tỉnh Miền Trung trong suốt hơn 1 tháng qua, bắt nguồn từ khu vực khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh, tuy nhiên lực lượng công an và an ninh đã ra tay trấn áp đoàn biểu tình, đặc biệt là ở Tp.HCM người dân bị nhà chức trách đánh đập dã man.
Tại Sài Gòn:
Cô Nga, một người dân sống ở Sài Gòn tham gia đoàn biểu tình cho biết: “Cuộc biểu tình diễn ra gay go, đã có sự chuẩn bị trước của lực lượng an ninh, họ canh gác và bố ráp. Tại công viên 30.04, mọi người chỉ hô được một tí bởi vì loa phóng thanh của họ yêu cầu “giữ gìn trật tự” rất to. Sau đó có một người dẫn đoàn đi đến nhà thờ Đức Bà, tại đây an ninh thường phục đã chia đoàn biểu tình ra thành những nhóm nhỏ. Đoàn biểu tình đi tới trường Hòa Bình thì đã bị chia thành nhiều nhóm nhỏ, an ninh vây xung quanh mọi người, nó đánh, bắt, xịt hơi cay… đưa lên xe buýt, lúc này có 5 chiếc xe buýt đậu sẵn, và đưa về sân vận động Hoa Lư. Lực lượng an ninh đàn áp người dân nhưng người dân vẫn hiên ngang, quyết chí đi biểu tình.”
“Sau cuộc biểu tình này, tôi đã vượt qua được nỗi sợ hãi. Tôi mong muốn người dân đừng thờ ơ trước vấn đề môi trường của Việt Nam.” Cô Nga nói.
Người dân biểu tình một cách ôn hòa vào sáng ngày 09.05.2016
Lực lượng công an, an ninh bố ráp, trấn áp người biểu tình.
Các quán cà phê ở khu vực Hồ Con Rùa buộc phải đóng cửa. Nhiều công an mặc sắc phục và an ninh chìm đóng chốt theo dõi, dò xét người đi đường.
Cô Huỳnh Phương Ngọc nhấn mạnh đoàn biểu tình bị lực lượng áo xanh xen lấn và chia đoàn biểu tình ra từng nhóm nhỏ để dễ đàn áp hơn. Cô Ngọc còn chứng kiến cảnh lực lượng công an đánh đập người dân, cô uất ức khóc:
“Đoàn biểu tình đi rất ôn hòa, ngay đường thẳng lối, không lấn chiếm lề đường, người dân tọa kháng, giơ biểu ngữ rất bình tĩnh, mọi người hô trả môi trường trong sạch cho dân chúng. Tôi bị xé ra khỏi đoàn biểu tình khi đi từ công viên 30.04 ra đến nhà thờ Đức Bà. Tôi thấy lực lượng công an, an ninh tấn công người dân dã man, đàn áp dữ dội, họ đánh người kinh khủng quá. Nhóm người mặc áo xanh, đội nón bảo hiểm, đi giầy cao su và có dùi cui. Hai người mặc áo xanh và những người mặc thường phục khiêng người dân lên xe buýt, những người này còn đánh người dân rồi bắt lên xe buýt. Khi nhìn thấy cảnh đó thì tôi không làm gì được hết, tôi chỉ có khóc thôi, bởi vì tất cả mọi người đều biểu tình ôn hòa vì môi trường trong sạch mà lại bị đánh đập dã man như thế.”
Một bạn trẻ tham gia biểu tình bảo vệ môi trường bị lực lượng áo xanh túm cổ áo, lôi đi và tống lên xe buýt vào sáng ngày 08.05.2016.
Một bạn trẻ tên là Nguyễn Phương bị an ninh và công an đánh chảy cả máu mắt vào sáng ngày 08.05.2016.
Đặc biệt, lực lượng an ninh luôn tìm cách hành hung phụ nữ và trẻ em. Hai mẹ con cô Hoàng Mỹ Uyên bị lực lượng áo xanh đánh đập, đạp lên đầu… cô Uyên bật khóc nói: “Những người mặc áo xanh quá khốn nạn, nhào vào đánh tôi, đạp đầu tôi, xông vào tắt con tôi và tôi ra, nhưng không được. Sau khi bị họ đạp vào đầu xong, tôi đã ngồi dậy ôm con tôi vào lòng. An ninh đều đeo dây ruy băng màu xanh đi ở giữa để xô đẩy tụi tôi ra và gây xung đột với lực lượng áo xanh.”
Hai mẹ con cô Hoàng Mỹ Uyên bị lực lượng công an Tp.HCM mặc áo xanh đánh, đạp vào đầu vào sáng ngày 08.05.2016.
Nhiều bạn trẻ sinh viên bị lực lượng công an đánh đập, xịt hơi cay vào mắt. Có 5 chiếc xe buýt đậu sẵn để bắt công dân tham gia biểu tình. Có hơn 100 công dân bị bắt, đưa về sân vận động Hoa Lư, quận 1 sau đó bị áp tải về công an địa phương.
Một sinh viên bị bắt và bị câu lưu tại sân vận động Hoa Lưu cho GNsP biết: “Một số bạn biểu tình viên bị đánh ngất xỉu phải nhập viện.” Cùng lúc đó, một số anh em đang trực chiến tại sân vận động Hoa Lư cho hay, xe cấp cứu vừa chạy ra khỏi sân vận động Hoa Lư. Hiện xung quanh sân vận động Hoa Lư, khu vực đài truyền hình bị công an, an ninh rào barie phong toả, bất cứ ai cũng không thể tiếp cận được khu vực này.
Tham gia bảo vệ môi trường cho quê hương VN được trong sạch nhưng lực lượng công an Tp.HCM đàn áp thẳng tay.
Tại Hà Nội
Nhà chức trách cũng chỉ đạo lực lượng công an và an ninh Tp.Hà Nội trấn áp, bắt bớ và câu lưu người tham gia biểu tình.
Theo như dự kiến cuộc biểu tình diễn ra lúc 9 giờ sáng, nhưng trước đó có nhiều bạn trẻ, dân oan và người dân Hà Nội bị nhà cầm quyền giam lỏng tại nhà và bắt đem về đồn công an, trong đó có bạn trẻ Dương Văn Tuấn bị bắt, hai dân oan Hải Phòng là bà Vân và bà Hằng bị bắt khi đang đi từ ga Long Liên xuống Hà Nội để tham gia cuộc tuần hành.
Tại Nhà hát Thành Phố, nơi tập trung cuộc xuống đường, Nghệ sĩ Kim Chi có mặt ở đó cho biết: “Trước nhà hát lớn công an đông nghẹt.” Còn Nguyễn Viết Dũng lại cho biết thêm: “Có xe phá sóng, an ninh dày đặc, có mấy nhóm chưa kịp quy tụ thì đã bị bắt.”
Nghệ sĩ Kim Chi xuống đường tuần hành bị lực lượng công an bắt đưa về quận Hà Đông thuật lại: “Lực lượng an ninh sắc phục và thường phục đông lắm. Chúng tôi đi tuần hành tại Nhà hát lớn một cách ôn hòa. Rồi tôi thấy chúng bắt đầu bắt anh em, hai ba chiếc xe cảnh sát vây lấy, rồi chúng tôi ngồi xuống tọa kháng. Anh em đứng dậy thì nó hốt, nó bắt anh em lôi đi xềnh xệnh, đến khi nó bắt tôi thì tôi nói để yên tôi đi, khi lên xe buýt có mấy chục người ở trên xe rồi. Trên xe, chúng tôi hát bài Trả lại cho dân, Anh là ai… Họ đưa chúng tôi đến công an quận Hà Đông vào trong một hội trường rộng lớn, có nhiều ghế, thoáng và có quạt, có mấy chục người bị nhốt chung với nhau nên mọi người cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh, chẳng có ai sợ gì cả, ngồi nói chuyện và hát suốt.”
Người dân Hà Nội xuống đường một cách ôn hòa yêu cầu nhà chức trách minh bạch nguyên nhân biển bị ô nhiễm trầm trọng, vào sáng ngày 08.05.2016
Người dân Hà Nội tọa kháng trong ngày biểu tình vào sáng ngày 08.05.2016.
Bạn trẻ Quang Nam tham gia cuộc tuần hành ở Hà Nội, bị bắt và câu lưu tại phường Long Biên cho biết thêm: “Rất đông an ninh, công an có mặt tại nơi biểu tình và có nhiều xe chuyên dụng, xe buýt có thể đưa mọi người đi. Mọi người đi được một đoạn ra đến bờ hồ thì bị công an hốt lên xe buýt, mình bị công an đấm và đưa lên xe. Trên xe đó có 24 người, có 5 phụ nữ và một trẻ em 8 tuổi, em bé này bị bắt lên xe thì chân tay bị trầy xước và bầm tím khắp người. Họ đưa mọi người về công an phường Long Biên. Việc làm này của chính quyền là trái pháp luật.”
Người dân Hà Nội tham gia biểu tình bị lực lượng công an bắt, câu lưu tại đồng công an Long Biên, Hà Đông, Trần Hưng Đạo…
Được biết rất nhiều người dân Hà Nội tham gia cuộc tuần hành bị bắt và câu lưu, đặc biệt Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản, DCCT Thái Hà-Hà Nội, bị bắt và câu lưu nhiều giờ tại đồn công an Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.
Từ Hà Nội, Nhà văn Thùy Linh tham gia cuộc biểu tình chia sẻ: “Ra bờ Hồ đúng lúc mọi người bị dồn lên xe bus. Đám an ninh bóp cổ các nam thanh niên và kéo xềnh xệch nữ thanh niên tống lên bus… Một chị trung niên đứng khóc nức nở, động viên thì chị nói: sao họ ác thế? Người ta biểu tình ôn hoà chứ có làm gì đâu? Mình cười buồn: chị ngạc nhiên lắm à? Chị bảo: ngày trước tôi không quan tâm, nhưng vụ Vũng áng làm tôi đau quá nên tham gia biểu tình. Giờ đến muối, nước mắm cũng sợ… Rồi lại mếu máo… An ninh đang tập dượt giải quyết nhanh, tiêu diệt gọn các đám biểu tình, bất kể là ôn hoà. Ừ thì không để xảy ra biểu tình… Cái này chính quyền làm ngon. Nhưng vô tình họ đã đặt nhiều đường ống phẫn nộ và căm thù của dân dài và to hơn đường ống ở Vũng áng đổ thẳng vào chính quyền…”
Chứng kiến cảnh bắt bớ và đánh đập, Nghệ sĩ Kim Chi chua xót: “Tôi xót xa cho đất nước này, những người dân đi làm việc tốt lại bị bắt bớ, đánh đập thì đau đớn quá. Đó là nỗi buồn của tôi. Những người thi hành công vụ này chả có oán gì với mình, họ chỉ làm theo lệnh của cấp trên, cho nên tôi không hận thù gì với những người này hết, tôi chỉ hận những kẻ đã ra lệnh này, chính họ đã bán nước mà họ đánh tráo khái niệm các cuộc biểu tình này do các thế lực thù địch kích động, xúi giục thế thì thế lực thù địch ấy lại còn tử tế hơn những người lãnh đạo à?”.
Tại Đà Nẵng:
Gia đình anh Lâm cũng xuống đường đồng với người dân cả nước.
Tại Vũng Tàu:
Nhiều người dân Vũng Tàu cũng xuống đường phản đối nhà cầm quyền thờ ơ trước vấn đề ô nhiễm biển.
Tại Nghệ An:
Nhiều bạn trẻ ở Nghệ An cũng hưởng ứng lời mời gọi biểu tình.
Từ cuối tháng 4.2016, người dân ở khắp nơi trên mọi đất nước – tùy theo hoàn cảnh và theo cách thức riêng – họ xuống đường yêu cầu nhà chức trách can thiệp tìm ra nguyên nhân cá biển chết hàng loạt, biển bị ô nhiễm trầm trọng nhưng cho đến thời điểm này, đã hơn một tháng, nhà chức trách vẫn rêu rao đang đi tìm nguyên nhân và cho rằng khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải đúng quy trình.
Kết thúc hai cuộc biểu tình lớn xảy ra tại Hà Nội và Sài Gòn là sự bắt bớ, đánh đập, câu lưu giữa “đầy tớ nhân dân” – lực lượng công an, an ninh, dân phòng… còn đảng còn mình – với “người làm chủ đất nước” – là nhân dân, người đã nai lưng, chắt chiu từng đồng từng cắc để đóng thuế nuôi cả một bộ máy “đầy tớ nhân dân”.
Huyền Trang, GNsP
Ảnh: Facbook