Theo Tân Hoa Xã, trả lời báo chí, ông Dư Hân Vinh (Yu Xinrong), một thứ trưởng phụ trách nghề cá của bộ Nông Nghiệp Trung Quốc, thông báo việc thực thi lệnh cấm đánh bắt sẽ do lực lượng tuần duyên và cơ quan ngư nghiệp phụ trách. Thứ trưởng Nông Nghiệp Trung Quốc cũng cho biết chính quyền có chủ trương tái định hướng nghề cá, theo hướng giảm sản lượng, giảm số tàu đánh bắt, khuyến khích ngư dân chuyển nghề để bảo vệ nguồn hải sản.
Theo quan chức Trung Quốc nói trên, chính quyền đã tiến hành bốn chiến dịch truy bắt các tàu cá hành nghề bất hợp pháp và các phương tiện khai thác bất hợp pháp, với kết quả là 16.000 tàu không có giấy phép bị cấm hành nghề và 600.000 lưới đánh cá không hợp lệ (với mắt lưới quá nhỏ) bị thu giữ.
Lệnh cấm đánh bắt hải sản do Trung Quốc đơn phương ban hành có hiệu lực từ ngày 16/05 đến ngày 01/08 hàng năm, tại gần như toàn bộ vùng Biển Đông, trải dài tới vĩ tuyến 12, sát với Indonesia, nhưng không bao gồm phần lớn quần đảo Natuna của Indonesia. Theo chính quyền Trung Quốc, việc cấm khai thác vào mùa này là để tạo điều kiện cho nguồn cá phục hồi. Biển Đông, vốn được coi là một trong các khu vực có trữ lượng cá hàng đầu thế giới, được đánh giá bị khai thác quá mức.
Theo một nghiên cứu chính thức được Tân Hoa Xã công bố, hàng năm có khoảng từ 8 đến 9 triệu tấn hải sản đánh bắt được tại khu vực này. Báo chí Việt Nam cũng đưa ra con số 10 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 12% lượng cá toàn cầu. Tuy nhiên, lượng cá khai thác thực có thể cao hơn khá nhiều.
Trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng, can thiệp đơn phương của Trung Quốc nhắm vào các tàu nước ngoài rất có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục bị cáo buộc hủy hoại môi trường Biển Đông, đặc biệt với việc phá hoại san hô khi bồi đắp, mở rộng nhiều đảo nhân tạo tại Trường Sa, và khai thác hải sản bừa bãi tại các vùng có san hô, nơi trú ẩn và sinh trưởng của nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao, nguồn thực phẩm quan trọng của các cư dân ven bờ Biển Đông.
Các quốc gia ven Biển Đông, trước hết là Việt Nam và Philippines, cũng liên tục phải đối mặt với nạn tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế. Tàu cá Trung Quốc còn gây lo ngại cho cả Indonesia và Malaysia. Cá Biển Đông ngày càng cạn kiệt, ngư dân Trung Quốc chuyển sang đánh bắt ồ ạt tại nhiều nơi khác, đặc biệt là ở ngoài khơi miền tây châu Phi. Đầu năm nay, 24 quốc gia châu Phi ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc ngừng khai thác bất hợp pháp tại vùng biển này. Theo một nghiên cứu, hàng năm ước tính Trung Quốc đánh bắt hơn 2 triệu tấn cá tại Tây Phi.
Theo RFI
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc nợ hơn cả Hy Lạp

Theo tin của AFP ngày 05/05/2016, báo cáo tài chính của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc cho biết tập đoàn này đang nợ khoảng 600 tỉ đô la, gần gấp đôi số nợ của Hy Lạp.
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRC) vận hành hệ thống tàu lửa của nước này, bao gồm cả 19.000 km đường sắt tốc độ cao, và khoảng 11.000 km trong kế hoạch. Tuy nhiên trong báo cáo tài chính gần đây, đến cuối tháng Tư, nợ của tập đoàn này lên đến 614 tỉ đô la.
Hy Lạp với khoản nợ 356 tỉ đô la đã làm châu Âu lao đao, thì khoản nợ của riêng tập đoàn nhà nước này của Trung Quốc gần gấp đôi.
Các khoản vay của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc tăng đều hơn 8% mỗi năm, để đáp ứng cơn sốt mở rộng hệ thống tàu lửa cao tốc, một trong những niềm tự hào của Trung Quốc. Nhưng nhu cầu vận tải bằng đường sắt, một nguồn thu quan trọng của CRC, đã giảm liên tục.
Con số nợ đang tiếp tục tăng, và cho thấy mô hình kinh doanh của tập đoàn này không bền vững. Thua lỗ của tập đoàn tăng 35% so với năm trước, riêng quý một năm nay đã lỗ 1,34 tỉ đô la.
Hãng tin Reuteurs hôm nay cũng cho biết tin xấu của CRC sẽ khởi đầu cho các cuộc thanh tra các tập đoàn nhà nước khác. Giới đầu tư tin rằng Bắc Kinh sẽ giải cứu các tập đoàn nhà nước lớn nếu cần, nhưng họ cũng rất lo ngại những rủi ro của các trái phiếu của các tập đoàn nhà nước.
Trung Quốc đang cố gắng chuyển nền kinh tế sang hướng giảm phụ thuộc tăng trưởng vào các dự án xây dựng lớn và xuất khẩu. Nhưng Bắc Kinh khó mà kiềm chế được cơn nghiện tăng trưởng GDP của mình, với thuốc chích là các dự án hạ tầng lớn. Điển hình là ngành đường sắt, được Bắc Kinh cấp nhiều vốn để phát triển hệ thống đường sắt hiện đại nhằm kết nối với các vùng phía Tây.
Theo RFI