Nhiều người Đài Loan, đặc biệt là sinh viên, xuống đường phản đối chuyến thăm của ông Trương Chí Quân
Tự tin và thông thạo tiếng Anh, Nelson Lai, 24 tuổi, sẽ không khó khăn khi kiếm việc ở quê hương Đài Loan.
Nhưng cho “công việc thực sự” đầu tiên, anh chọn sang nước hàng xóm là Trung Quốc.
“Tôi kiếm được khoảng 1.500 USD mỗi tháng và có đồ ăn, chỗ ở miễn phí. Tiền lương cao hơn nhiều so với công việc trước của tôi ở Đài Loan,” anh Lai nói. Anh phụ trách giao dịch quốc tế và marketing cho một công ty sản xuất xe đạp Đài Loan.
Nhưng tiền không chỉ là mối quan tâm duy nhất. “Theo những thay đổi quyết liệt đang diễn ra ở Trung Quốc, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để biết thêm điều gì đó về Trung Quốc,” anh nói.
Mức lương trì trệ và nền kinh tế mờ nhạt của Đài Loan khiến ngày càng có nhiều người coi Trung Quốc là nơi để phát triển sự nghiệp.
Từng là kẻ thù bị xa lánh và bị coi là lạc hậu, giờ quốc gia này ngày càng được coi là miền đất đầy cơ hội.
Số người Đài Loan sang Trung Quốc làm việc cho các công ty đa ngôn ngữ, dạy tiếng Anh hay quản lý khách sạn và nhà máy vẫn đang tăng.
Khả năng dùng tiếng Trung, trung thành với công ty, chất lượng dịch vụ khách hàng và thái độ làm việc của người Đài Loan khiến các chủ lao động quan tâm.
Nhiều thanh niên Đài Loan cho rằng làm việc ở Trung Quốc được trả lương cao hơn
Không rõ số liệu về lượng người Đài Loan trẻ tuổi đã chuyển sang Trung Quốc, nhưng theo một khảo sát của các sinh viên mới tốt nghiệp đi tìm việc trên 1111 Job Bank (Ngân hàng việc làm) của Đài Loan, vào năm 2010, 73% số người trả lời khảo sát nói họ muốn làm việc ở Trung Quốc.
Năm nay khảo sát cho thấy trong số sinh viên tốt nghiệp muốn rời Đài Loan, lượng người muốn làm việc ở Trung Quốc, Hong Kong và Macau là 52% - cao hơn hẳn mọi nơi khác.
Lượng người Đài Loan theo học ở Trung Quốc cũng cao hơn bất kỳ nước nào khác, chỉ trừ Hoa Kỳ và ngày càng có nhiều người muốn làm việc ở quốc gia này.
Mặc dù sinh viên Đài Loan đã chiếm tòa nhà quốc hội trong thời gian ngắn hồi tháng Ba và biểu tình rộng phản đối gói trao đổi thương mại với Trung Quốc, và tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ hơn khi lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, ông Trương Chí Quân tới thăm,
“Lý do chính là rất khó tìm việc ở Đài Loan và lương ở đây không cao,” Ethan Tseng Yi-ren, giáo sư về khoa học chính trị từ Đại học Quốc gia Trung Sơn ở miền Nam Đài Loan nói.
Lương “sinh viên mới ra trường” vẫn bằng với mức lương 15 năm trước. Kinh tế Đài Loan không tốt và tỉ lệ thất nghiệp cao nhất là những người ở độ tuổi 20, 30.”
Sinh viên đã chiếm giữ tòa nhà quốc hội trong vài tuần để phản đối chính sách của Tổng thống với Trung Quốc
Không phải mọi thanh niên Đài Loan đều muốn chuyển sang nước láng giềng.
Rất nhiều người vẫn cảnh giác trước Trung Quốc do sự đối đầu kéo dài giữa hai bên và do Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một tỉnh của nước này, một ngày nào đó sẽ bị thu hồi.
Người Đài Loan, đặc biệt là những người trẻ, cũng tức giận đối với việc hòn đảo này không được công nhận là một quốc gia trong Liên Hiệp Quốc do ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Đài Loan không được phép treo quốc kỳ hay dùng tên chính chính thức – Cộng hòa Trung Hoa – hay tên “Đài Loan” trong các sự kiện thế giới, chẳng hạn như Olympics. Và quốc gia này cũng không thể tham gia nhiều tổ chức quốc tế.
Thế nên, mặc dù ở ngay gần kề, rất nhiều người Đài Loan chưa từng đặt chân tới Trung Quốc hay muốn sang du lịch.
Khảo sát của báo United Daily cho thấy chỉ có 44% người Đài Loan đã sang thăm Trung Quốc, mặc dù con số này vẫn đang tăng.
Không khó để gặp trẻ em hay thanh niên Đài Loan từng đi du lịch nước ngoài, nhưng không phải là Trung Quốc, vì họ và cha mẹ họ thường coi Trung Quốc là bẩn, không an toàn và không thân thiện.
Bên dưới cảm xúc của người Đài Loan về Trung Quốc là nỗi sợ đã đào sâu chôn chặt rằng một ngày nào đó Đài Loan sẽ có thể bị nuốt bởi vị láng giềng to lớn hơn nhiều.
“Điều tôi sợ nhất là chúng tôi sẽ không có tự do và dân chủ như chúng tôi đang có,” Reggie Wang, một trong những sính viên tham gia biểu tình nói.
“Tôi sợ phải sống dưới một chính phủ cộng sản.”
Nhưng trong những năm gần đây, do sức mạnh kinh tế ngày càng lớn và chính sách của Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu trong việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc, căng thẳng đã dần yên và mối liên hệ giữa hai bên cũng tăng lên.
Hàng trăm chuyến bay thẳng mỗi tuần nối các thành phố Trung Quốc – Đài Loan, khiến du lịch dễ dàng hơn.
Ở Đài Loan có cơ hội gặp nhiều người Trung Quốc hơn – từ hàng ngàn khách du lịch tới đây mỗi ngày cho tới khoảng 3.000 học sinh, sinh viên Trung Quốc được sang học mỗi năm.
Rất nhiều người Đài Loan nay có người thân từ Trung Quốc – không chí là ông, bà, những người từng bỏ trốn thời kết thúc nội chiến cuối thập kỷ 40, mà còn có các phụ nữ Trung Quốc lấy chồng người Đài Loan.
Các chương trình truyền hình Trung Quốc cũng ngày càng được khán giả Đài Loan yêu thích.
Biểu tình phản đối gói thương mại với Trung Quốc ở Đài Loan hồi tháng Ba
Tuy nhiên, sự quan tâm về Trung Quốc ngày càng tăng không thay đổi được thực tế rằng một bộ phận đông đảo người dân vẫn coi Đài Loan là một quốc gia độc lập và họ là người Đài Loan, không phải Trung Quốc.
Một khảo sát hồi tháng Sáu cho thấy chưa đầy 50% người Đài Loan coi họ là người Trung Quốc, giảm đi so với trước. Và phần lớn dân chúng tin rằng Đài Loan là quốc gia riêng rẽ so với Trung Quốc.
Cách nhìn này đặc biệt phổ biến trong giới ở độ tuổi 20 và 30, thậm chí cả ở những người muốn sang Trung Quốc làm việc.
“Đó là quyết định có lợi về kinh tế cho họ,” giáo sư Tseng nói.
“Rất nhiều sinh viên của tôi hoạt động trong các phong trào sinh viên, nhưng cũng sang Trung Quốc làm việc; họ trở về và phàn nàn về tham nhũng ở Trung Quốc.
“Người Đài Loan không từ bỏ ước mơ độc lập chỉ vì kiếm được tiền ở Trung Quốc.”
Nhưng ông và những người khác nói có thể sự giàu có của Trung Quốc và chất lượng sống tăng theo thời gian, và nếu xã hội Trung Quốc trở nên công bằng hơn, ít tham nhũng hơn, thanh niên Đài Loan có thể sẽ chọn ở lại Trung Quốc, không chỉ để làm việc ngắn hạn. Điều này có thể ảnh hưởng tới cách nhìn nhận của họ về Trung Quốc và mối quan hệ với Đài Loan.
Nếu trường hợp này xảy ra, lý lẽ cho rằng thời gian đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề hợp nhất Đài Loan có thể trở thành sự thật.
Nhưng ông Tseng nói: “Quá sớm để biết được liệu quan điểm của thanh niên về Trung Quốc có thay đổi hay không.”
Cindy Sui
BBC News, Đài Bắc