Theo báo cáo này, trẻ em bị tận dụng sức lao động, thường xuyên không được trả đủ tiền lương và không được liên lạc với gia đình. Trong khi lao động trẻ em là một khái niệm được chấp nhận tại nhiều cộng đồng nông thôn Việt Nam, nhiều gia đình trở thành nạn nhân của trò tuyển dụng lừa đảo.
Những người môi giới việc làm tiếp cận với các gia đình rơi vào tình trạng túng quẫn và giới thiệu việc làm cho con cái của họ.Thông thường, những người này thường quen biết với gia đình nạn nhân, thậm chí là người được tin cậy.
Giáo sư Susan Kneebone, Đại học Monash, cho hay những trẻ em này bị bắt làm việc nhiều giờ mà không được nghỉ giải lao, không được ăn uống đầy đủ và không được phép liên lạc với gia đình. Các em bị cô lập và không được phép nói chuyện với ai.
Gia đình các em thường là những người đơn giản sống ở nông thôn, không có điều kiện bước ra khỏi làng xã của họ, do đó thành phố với họ là một nơi rất xa lạ.
“Từ miền Nam ra miền Trung Việt Nam là cả một chặng đường dài, họ không biết phải nhờ cậy ai và do đó họ tìm đến các tổ chức như Rồng Xanh (Blue Dragon),” bà Kneebone nói.
Ngoài ra, các gia đình cũng không muốn thưa kiện những người tuyển dụng vì sợ bị trả thù.
Cũng theo Giáo sư Kneebone, ngoài vấn đề tài chính, ba mẹ các em thường học vấn không cao nên không nhận biết được điều gì xảy ra ở thế giới bên ngoài.
Trong hầu hết các trường hợp không có hợp đồng viết tay mà chỉ là những lời hứa miệng. Ví dụ như theo thỏa thuận miệng ban đầu, trẻ được trả lương hàng tuần nhưng trên thực tế, người chủ tính toán phí di di chuyển từ TP.HCM và sau đó yêu cầu trẻ làm việc một thời gian để trừ nợ trước khi được trả lương.
Trẻ em thường sống và làm việc tại nhà chủ hay các doanh nghiệp nhỏ. Gia đình các em sẽ cảm thấy xấu hổ nếu trẻ đi làm lại trở về trong tình trạng thương tật hay không có tiền. Ngoài việc cha mẹ cảm thấy xấu hổ vì đã để con mình rơi vào tình trạng đó, ngay cả bản thân các em cũng cảm thấy có lỗi vì không giúp được gì cho gia đình.
Bà Kneebone cho biết không giống như Úc, nơi lao động trẻ em được bảo vệ chặt chẽ, ở Việt Nam và nhiều nước khác dường như thiếu nguồn lực để bảo vệ phúc lợi trẻ em.
Giáo sư Kneebone đã có dịp nói chuyện với khoảng 10 trẻ em và bà cho biết bọn trẻ thường cảm thấy hoang mang, mất tự tin và khó hòa nhập trở lại cộng đồng sau khi bị khai thác sức lao động quá mức.
Để cải thiện tình trạng này, báo cáo đồng thời đưa ra một số đề nghị như thực hiện các chiến dịch thông tin, thành lập các nhóm, tổ chức để theo dõi và hỗ trợ lao động trẻ em.
Cuộc nghiên cứu về tình trạng lao động trẻ em được Đại học Monash phối hợp thực hiện cùng tổ chức trẻ em Blue Dragon (Rồng Xanh) với sự hỗ trợ của Hội đồng Nghiên cứu Úc (Australian Research Council).
Nguon Radioaustralia.net.au