‘Các con hãy nhớ các con là người Việt Nam’

29 Tháng Tư 20142:00 CH(Xem: 2375)

Đức Giáo Hoàng John Paul II trong tâm tình người dân gốc Việt 


 

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Cứ ngỡ Đức Giáo Hoàng đâu đó xa xôi lắm, vời vợi và khó với tới lắm. Thế mà trong tâm tình, ký ức của những người dân gốc Việt từng có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện, dùng bữa, thậm chí có người lại còn được hưởng một ân sủng mà “có nằm mơ cũng không thể nào nghĩ tới là được Đức Thánh Cha làm phép cưới cho,” thì Đức Giáo Hoàng John Paul II lại là người vô cùng gần gũi, nhân từ, thánh thiện, đặc biệt là vô cùng quan tâm yêu thương giới trẻ, trong đó có giới trẻ Việt Nam.

Nhiều năm đã trôi qua nhưng kỷ niệm về Đức Giáo Hoàng John Paul II dường như vẫn còn nguyên vẹn trong lòng những người con Chúa gốc Việt.

Linh Mục Mai Khải Hoàn: “Khi nhìn thấy Ngài, tôi đã có suy nghĩ sau này Ngài sẽ là Thánh”


blank
Linh Mục Mai Khải Hoàn trong một lần diện kiến Đức Giáo Hoàng John Paul II. (Hình: Linh Mục Mai Khải Hoàn cung cấp)



Linh Mục Mai Khải Hoàn của nhà thờ St. Nicholas Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được “nhìn thấy” Đức Giáo Hoàng John Paul II rất nhiều lần trong thời gian đi “tu nghiệp” bốn tháng ở Roma vào năm 1997.

Tuy nhiên, ngày 29 Tháng Chín, 1997 là ngày linh mục niên trưởng này “nhớ cả đời.” Bởi lẽ, “Hôm đó tôi cùng một số linh mục Việt Nam khác được gặp riêng Đức Thánh Cha. Và được Ngài chúc phúc lành cho tôi nhân dịp kỷ niệm 25 năm tôi được thụ phong linh mục.”

Linh mục nhớ lại: “Tôi cảm thấy Ngài rất thân tình khi chúc lành cho tôi. Tôi nhớ Ngài nói ‘Chúc lành cho Cha để tiếp tục trong đời sống phục vụ cho Giáo Hội.’”

Linh mục niên trưởng của nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhận xét, “Tôi thấy Ngài rất nhân từ và thánh thiện, điều này thể hiện qua nét mặt của Ngài. Khi nghe lời chúc phúc từ Ngài, tôi cảm thấy như có một sức mạnh đặc biệt được truyền đến mình. Tôi thấy sao mà Ngài quá đặc biệt”

“Tôi nhớ ngày đó cả hơn 50 ngàn người từ khắp nơi trên thế giới kéo về để được gặp Đức Thánh Cha. Họ có một lòng mến mộ Ngài rất đặc biệt vì tiếng nói của Ngài có sức đánh động vào lòng mọi người, nhất là khi Ngài nói với giáo dân bằng ngôn ngữ của quốc gia họ thì họ cảm thấy rất an ủi và hãnh diện.”

“Lúc đó, khi nhìn thấy Ngài, tôi đã có suy nghĩ sau này Ngài sẽ là Thánh...” Linh Mục Mai Khải Hoàn nói thêm trong niềm hãnh diện.

 

Soeur Kim Lê, nhà thờ St. Barbara: “Gặp được Ngài giúp cho mình lý tưởng sống mạnh hơn”

blank

Soeur Kim Lê được diện kiến Đức Giáo Hoàng John Paul II vào Tháng Sáu, 1988, nhân dịp đi cùng phái đoàn Việt Nam sang Vatican dự lễ phong thánh 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam. (Hình: Soeur Kim Lê cung cấp)



Soeur Kim Lê có hân hạnh được gặp Đức Giáo Hoàng John Paul II nhân dịp soeur đi cùng phái đoàn Việt Nam sang Vatican dự lễ phong thánh 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam vào Tháng Sáu năm 1988.

Vừa nhìn vào bức hình soeur hôn lên bàn tay Đức Giáo Hoàng, soeur vừa nói: “Nhân dịp lễ xong thì Đức Ông Thụ dàn xếp để một số soeur được gặp Đức Thánh Cha nên soeur mới có được tấm hình quý này.”

“Đức Ông Thụ” mà Soeur Kim nhắc đến chính là Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, người Việt Nam đầu tiên được cử làm Thư Ký của Đức Giáo Hoàng John Paul II từ Tháng Giêng, 1988.

“Khi đi sang đó thì không nghĩ là mình có hân hạnh này. Thế nên khi được diện kiến Đức Thánh Cha, phải nói cảm xúc đó rất là trân trọng, ngưỡng mộ, như thấy mình gặp một Đức Thánh vậy.” Soeur Kim kể.

“Nhìn vào Ngài, nhìn vào ánh mắt Ngài, mình thấy rõ Ngài là một Chúa Kitô sống động ở trần gian này. 

Giây phút Ngài đến, được bắt tay Ngài, rồi được Ngài cho xâu chuỗi Mân Côi kỷ niệm thì thật sự lúc đó mình không biết như thế nào. Chỉ biết nhìn vào Ngài và nói với tất cả tiếng nói trong tâm hồn, là ‘Con cám ơn Đức Cha! Con cám ơn Đức Cha và Đức Cha cầu nguyện cho con.'” Hơn 25 năm sau lần gặp gỡ ấy, đến nay nỗi xúc động dường như vẫn còn nguyên vẹn trong lòng Soeur Kim.

Soeur Kim tâm sự: “Được gặp các vĩ nhân là một hân hạnh. Nhưng có những vĩ nhân, như Đức Thánh Cha, gặp không phải chỉ là một hân hạnh để được chào, được chụp hình chung, mà còn được giúp cho một lý tưởng sống mạnh hơn, vì nơi Ngài là chân dung của một Chúa Kitô sống động. Nhìn vào Ngài, mình cảm thấy kính Chúa nhiều hơn, vì đó chính là mẫu người nên Thánh.”

 


Cô Lê Thị Kim Loan: “Trưởng thành từ đất nước cộng sản nên Ngài hiểu tâm tình, sự nhọc nhằn, khốn khổ của giới trẻ Việt Nam”

blank

Phái đoàn bạn trẻ thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day) tại Denver, Colorado hồi Tháng Tám, 1993. (Hình: Lê Thị Kim Loan cung cấp)



Cô Lê Thị Kim Loan, cư dân thành phố Rancho Santa Margarita thuộc Quận Cam từng có mặt trong Ban Điều Hành dẫn đoàn gồm 99 bạn trẻ thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day) tại Denver, Colorado hồi Tháng Tám, 1993.

Cô Kim Loan bày tỏ: “Ngài là một Đức Giáo Hoàng rất gần gũi với giới trẻ. Ngài đến với giới trẻ rất ân tình và giới trẻ yêu mến Ngài một cách đặc biệt. Ngài chính là người khởi xướng cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day) để cho sự kiện này được tiếp nối đến hôm nay.”

Sự kiện này để lại dấu ấn quan trọng trong đời sống tinh thần của giáo dân này, bởi, như cô nói, “Giới trẻ, khi lớn lên, khao khát được sống trong niềm hy vọng của ước mơ tuổi trẻ, nên khi có một lãnh đạo tinh thần quan tâm tổ chức một sự kiện cho giới trẻ gặp nhau như vậy để cùng chia sẻ đức tin, sống trong niềm hy vọng, niềm vui của giới trẻ thì đó là niềm vui rất đặc biệt, và đó là kỷ niệm không bao giờ quên được trong đời.”

“Hơn 20 năm đã trôi qua, niềm vui ngày đó vẫn còn trọn vẹn như ngày nào, nó như thôi thúc mình có thêm nghị lực để đứng lên những lúc muốn quị ngã trong cuộc đời.” Cô Kim Loan nói thêm.

Kể về kỷ niệm Đức Giáo Hoàng John Paul II có cuộc gặp gỡ riêng với đoàn giới trẻ Việt Nam, cô Kim Loan cho biết: “Mình là một dân tộc rất nhỏ bé và bình thường như vậy mà Ngài lại dành riêng một buổi cho giới trẻ Việt Nam thì quả là không có gì xúc động hơn. Hôm đó, giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại diễn vở kịch 'Tôi là ai?' (Who am I?) với nội dung nhằm diễn tả sự hoang mang của tuổi trẻ gốc Việt khi đó. Còn nhớ, khi đó Ngài nhắn nhủ rằng, các con hãy nhớ các con là người Việt Nam, hãy gìn giữ đức tin và văn hóa của người Việt Nam ngay trong cuộc sống hiện nay.”

“Những lời nhắn nhủ đó giúp mình cố gắng nhiều hơn, vượt qua nhiều thử thách trong cuộc đời để sống theo những lời Ngài mời gọi. Mình nghĩ Ngài là người lớn lên và trưởng thành trong chế độ cộng sản nên Ngài hiểu thẩm sâu tâm tình, sự nhọc nhằn, khốn khổ của giới trẻ Việt Nam. Đó là điều đặc biệt khiến mình nghĩ rằng Ngài thương giới trẻ Việt Nam là vì vậy.” Cô Kim Loan, từng là tổng thư ký (sau này là Mục Vụ Giới Trẻ) thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles.

 

Bà Vũ Triều Nghi: “Tôi như từ trên trời rớt xuống khi nghe Đức Giáo Hoàng đề nghị chúc lành hôn phối cho vợ chồng tôi”


blank
Vợ chồng bà Vũ Triều Nghi được Đức Giáo Hoàng chúc lành hôn phối tại Nhà Nguyện Sistine, Vatican, ngày 29 Tháng Tám, 1989. (Hình: Bà Vũ Triều Nghi cung cấp)


Có lẽ không mấy ai trong cuộc đời này lại có được những ân sủng như vợ chồng bà Vũ Triều Nghi, hiện đang ở Las Vegas. Vợ chồng bà được chính Đức Giáo Hoàng chúc lành hôn phối ngay tại Nhà Nguyện Sistine ở Vatican ngày 29 Tháng Tám, 1989.

Theo lời bà Triều Nghi, vợ chồng bà sang Roma là để được người bác ruột, cũng chính là Đức Ông Trần Ngọc Thụ, thư ký nội vụ của Đức Giáo Hoàng John Paul II khi đó, làm phép cưới cho.

“Đức Ông Thụ đã chuẩn bị mọi thứ để làm phép cưới cho chúng tôi vào ngày 30 Tháng Tám, 1989 tại thánh đường Santa Ana, ngay bên cạnh nhà thờ St. Peter nổi tiếng. Thế nhưng, may mắn sao khi một ngày trước đó chúng tôi được bác đưa vào chầu Đức Thánh Cha và nói cho Ngài biết ngày mai sẽ là lễ cưới của chúng tôi tại nhà thờ. Bỗng Đức Thánh Cha bảo: ‘Không phải đi đâu hết, ngồi đây đi, tôi làm phép cưới cho!’ Tôi nghe mà cứ ngỡ như mình từ trên trời rớt xuống!” Bà Triều Nghi kể lại sự kiện không dễ mấy người có trong đời.

Điều thú vị là chỉ có Cha Sở mới có triện đóng vào hôn thú, trong khi Đức Giáo Hoàng thì lại không có triện để làm “nhiệm vụ” này. “Đức Giáo Hoàng không có cái triện đó nhưng Ngài lại bảo để Ngài làm phép cho.” Người phụ nữ có được niềm vinh dự đặc biệt mà không ai dám mơ ước nói tiếp.

Không chỉ vậy, cũng theo lời kể của bà Triều Nghi, hôm đó cũng là ngày có hơn 30 giám mục của Brazil về Roma triều kiến Đức Giáo Hoàng theo quy định, còn gọi là “ad limina.” “Cả nhà nguyện Sistine rực rỡ gậy và mũ áo của các Đức Giám Mục cùng làm nhân chứng trong lúc Đức Thánh Cha làm phép cưới cho vợ chồng tôi.”

Niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng này không dừng lại ở đó mà họ lại còn được Đức Giáo Hoàng mời dùng bữa cùng Ngài.

“Điều đó không bao giờ nằm trong dự tính của chúng tôi. Không chỉ vậy Ngài lại còn cho dùng bữa cơm cùng Ngài nữa. Bữa cơm chỉ có Ngài, Đức Ông Thụ và hai vợ chồng tôi thôi. Ngay cả Đức Ông Thụ cũng bảo rằng ông quá ngạc nhiên vì như ông nói ‘trong đời bác chưa bao giờ nghĩ rằng Đức Thánh Cha lại đối với hai cháu một cách đặc biệt như thế. Ngài chỉ mời cơm quốc khách chứ không bao giờ có người đến chầu ngài mà lại được mời ăn như thế.’” Bà Triều Nghi tiếp tục kể với niềm hãnh diện đáng có.

Món quà quí giá mà Đức Giáo Hoàng dành tặng cho cặp vợ chồng mới cưới này là bức hình chụp Ngài và đích thân Ngài dùng bút ký tên vào. “Đây là bức hình chụp Đức Thánh Cha rồi rửa ra chứ không phải hình in như người ta bán bên ngoài và chữ ký trực tiếp của Ngài vào bức hình chứ không phải chữ ký được đóng sẵn đâu.” Bà Triều Nghi “khoe” báu vật của mình.

Từ sự kiện đáng nhớ đó, mỗi năm vợ chồng bà Triều Nghi đều đến Roma kỷ niệm ngày cưới của mình và lần nào họ cũng đều được diện kiến Đức Giáo Hoàng.

“Tôi cứ như người từ trên trời rớt xuống, không bao giờ nghĩ đến chuyện được như thế.” Bà Triều Nghi nhắc lại niềm hạnh phúc vô bờ mà bà có được trong đời.

Bà Vũ Triều Nghi cũng chính là em ruột của Linh Mục Mattheu Vũ Khởi Phụng, bề trên Dòng Chúa Cứu Thế, Thái Hà.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
THÀNH THẠO BỐN PHÉP TÍNH CUỘC ĐỜI... ĐỪNG BIẾT MÀ GIỮ CHO RIÊNG MÌNH. 1. Nếu bạn muốn thật giàu có.. phải giỏi phép tính NHÂN đó là (nhân bản, nhân cách, nhân từ). 2. Nếu bạn muốn có nhiều bạn bè, nhiều người mến, nhiều người tin tưởng thì phải giỏi phép tính CHIA đó là (chia sẻ). 3. Nếu bạn muốn làm được những gì mình muốn, hãy khéo léo dùng phép tính CỘNG đó là đó là (hợp tác). 4. Nếu bạn muốn làm cái mới để thay đổi phải bỏ đi những thói quen, cách làm cũ, hãy dùng phép tính TRỪ đó là (buông bỏ). Thành thạo cả 4 điều trên bạn sẽ trở thành 1 người xuất sắc. Đơn giản hoá cuộc sống của chính bạn. Học đi đôi với hành Thực hành phải luôn đi trước lời nói.
Để đạt được một mục đích nào đó trong cuộc sống, dĩ nhiên người ta phải dùng phương tiện. Mục đích dĩ nhiên là cần, là quan trọng nhưng phương tiện như thế nào để đạt được mục đích đó cũng cần phải cân nhắc
1. Tài sản có thể trở về số 0 nhưng kiến thức phải càng ngày càng mở rộng. 2. Thời gian tốt nhất để trồng cây là vào 20 năm trước. Thời gian tốt thứ hai là ngay bây giờ. 3. Điếc, nhưng không phải là không biết gì bởi còn có thể đọc được sách báo. 4. Nếu không học tập, cho dù đi vạn dặm đường xa thì mãi vẫn chỉ là người đưa thư mà thôi. 5. Ai cũng than vãn thiếu tiền nhưng chả ai than thở thiếu trí khôn cả. 6. Trên đời có 3 thứ không thể bị ai cướp mất: Đầu tiên là thức ăn đã vào trong dạ dày, hai là ước mơ đã ở trong lòng, ba là những kiến thức đã học trong đầu. 7. Người lớn dạy trẻ con học nói, còn trẻ con dạy người lớn im lặng. 8. Một người chỉ ra sai sót của bạn chưa chắc đã là kẻ thù của bạn; một người luôn luôn ca ngợi bạn chưa hẳn đã là bạn của bạn.
Cuộc sống không phải là một mẻ lưới của số phận. Cuộc sống chính là một mối giao hoà bất tận giữa mỗi cá thể đang tồn tại, và trong mối giao hoà đó, những gì Bạn thể hiện sẽ nói lên Bạn là ai ? Hãy cùng khám phá cuộc sống/18 Tháng Bảy 2012(Xem: 6252) Hồng Phúc st /
Cười là một thần dược trị được cả bệnh thể xác lẫn bệnh tâm hồn. - Cười làm tăng hồng huyết cầu và lá lách hoạt động tích cực hơn. - Cười làm tăng sinh lực, khiến ta vui vẻ lanh lợi và thêm lòng yêu thương./15 Tháng Sáu 2012(Xem: 4777) Be Ta st/
Từ trước tới nay đã có không biết những câu nói hay, tốn không biết bao giấy bút bàn luận về vấn đề tình bạn. Những câu nói dưới đây càng ghi dấu thêm tình bạn quý giá đến chừng nào. Tình bạn thân thiết 1. Ai cũng lắng nghe điều bạn phải nói. Bạn bè lắng nghe điều bạn nói. Bạn thân lắng nghe điều bạn không nói. 2. Một người bạn trung thành là tuyến phòng thủ mạnh mẽ và người tìm thấy anh ta đã tìm thấy một báu vật. 3. Một người bạn tốt sẽ nhìn thấy giọt nước mắt đầu tiên, lau đi giọt nước mắt thứ hai và ngăn lại giọt nước mắt thứ ba. 4. Đã có những lúc chúng ta không thể diễn tả được nỗi đau của mình, ngôn ngữ của một người bạn còn có ý nghĩa hơn những gì được nói r
1. Nửa đời về sau, hãy học được cách trầm tĩnh. Có đôi khi bị người khác hiểu lầm, đừng tranh luận. Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện đúng sai khó có thể nói rõ ràng, thậm chí căn bản là không có hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. 2.Nửa đời về sau, hãy trở nên bình thản. Con người đến độ tuổi nào đó, tự nhiên không còn thích những gì ồn ào náo nhiệt, tâm thái bình thản, tự do. Mặc kệ là đời sống vật chất dư dả hay bần cùng, chỉ cần nội tâm bình thản, chính là sống một cuộc đời hạnh phúc. 3. Nửa đời về sau, hãy học cách khiêm nhường. Bạn bất đồng ý kiến với với con cái, nói chuyện mâu thuẫn với bạn bè, những điều này cũng không sao cả. Lúc này bạn cũng có thể về lau nhà ... Trong lúc lao động, bạn sẽ nhận ra tâm trạng và suy nghĩ của mình dần lắng xuống.
Tình yêu là câu chuyện muôn thuở. Tình yêu đã tràn ngập khắp vũ trụ trời đất cho con người, và còn bao trùm hơn nữa khi con người xuất hiện, cho đến ngày hôm nay. Tình yêu xưa quá, nhưng cũng vẫn còn mới lạ, vì hình như con người vẫn không hiểu được tình yêu.../16 Tháng Năm 2012 (Xem: 6209) Lm. Raphael Amore Nguyễn /
Đôi lúc, trong cuộc sống tất bật, bạn quên mất hoặc không nhận thức hết ý nghĩa của một cử chỉ biết ơn. Này, bạn có biết mình đang vô tình đánh mất những giá trị vô giá do lòng biết ơn mang lại? Biết ơn là có giáo dưỡng, là tự trọng Từ khi lọt lòng, bạn đã phải nhờ đến bàn tay chăm sóc của cha mẹ…/09 Tháng Bảy 2012(Xem: 4693) /
Dù đến cách đột ngột hay chậm rãi theo thời gian, không một ai thoát khỏi ý thức rõ ràng rằng cha mẹ của mình thực sự đang già đi. Chúng ta có thể trốn tránh, nhưng rồi ngày đó đến, khi mà sức khỏe của họ yếu dần đến mức trở nên không thể phủ nhận được nữa và chúng ta buộc phải đối diện với điều đó. Khi các vai trò bị đảo ngược Các dấu hiệu lão hóa lẻn vào trong cuộc sống hàng ngày: tivi bật hết cỡ, giấc ngủ ngắn trở nên không thể thiếu, những cuộc hẹn liên tục với bác sĩ, những khoảnh khắc lãng trí lặp đi lặp lại, những sở thích giảm dần. Bị ngắt kết nối với một cuộc sống chuyên nghiệp, một yếu tố của hội nhập xã hội, cha mẹ hưu trí nhận thấy nhịp sống của họ chậm lại và hình thành một sự rạn nứt giữa họ với thế giới “hoạt động”.
Bảo Trợ