Sau thời gian nghiên cứu, giới chuyên gia phát hiện động vật có nhiều cách để kéo dài sự sống trong môi trường khốc liệt của tự nhiên.
Báo cáo trên chuyên san Proceedings of the Royal Society B - thực hiện ở chim chóc và động vật hữu nhũ - cho thấy động vật kích thước lớn thường sống lâu hơn vì 2 lý do. Nhà động vật học Kevin Healy thuộc Đại học Trinity ở Dublin (Ireland) diễn giải rằng, trước hết thân thể to lớn cần có thời gian và nguồn lực để tăng trưởng. Và khi đạt kích thước trưởng thành, chúng thường tránh được những mối đe dọa từ bên ngoài, chẳng hạn bị dã thú ăn thịt (trừ phi gặp kẻ mạnh hơn) hoặc thiếu nguồn thực phẩm (do cơ thể to có thể dự trữ mỡ tốt). Trong khi đó, những động vật cần nhiều thời gian để đạt đến độ trưởng thành sinh lý có khuynh hướng sống lâu. Chẳng hạn, cá voi đầu cong trưởng thành một cách chậm rãi và có thể sống đến 221 tuổi. Cá voi đầu bò lùn kích thước nhỏ hơn và trưởng thành nhanh có tuổi thọ ngắn hơn loài đầu cong.
Loài hồng hạc thuộc dạng sống lâu trong thế giới chim chóc - (Ảnh: unh.edu)
Những loài sống trong hang dưới lòng đất cũng có khuynh hướng sống lâu hơn những loài khác. Chuyên gia Healy giải thích rằng, hang hốc là biện pháp cực kỳ hiệu quả để tránh kẻ thù, đồng thời là nơi phòng tránh tốt trong thời tiết xấu, như tránh đông, tránh lạnh, và có thể trữ thực phẩm an toàn để tránh thiếu lương thực trong ngắn hạn. Cũng tương tự, hoạt động lưu trú và kiếm ăn trên cây giúp các loài tránh được sự tấn công của thú dữ. Thực phẩm như trái cây lại rất dễ kiếm, trong khi những loài kiếm ăn trên mặt đất cần tốn nhiều công sức hơn để săn tìm. Dù không thể bắt chước động vật sống trên cây, con người có thể phần nào học theo cách hòa hợp với thiên nhiên của những loài khác. Dù di truyền, môi trường sống, khí hậu và những yếu tố khác nằm ngoài tầm kiểm soát của các cá nhân, nhưng theo chuyên gia Healy, mỗi loài đều có mức kiểm soát nhất định đối với tuổi thọ của mình. Chẳng hạn, dành ít thời gian với cây cối có thể giúp giải tỏa áp lực, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tật.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, loài chuyên kiếm ăn ban ngày hoặc ban đêm dường như tăng cơ hội kéo dài cuộc sống, ví dụ như loài dơi yêu thích cuộc sống về đêm, và có thể sống đến 40 tuổi, trong khi hầu hết loài thú có vú kích thước nhỏ khác thường chết sớm. Còn những động vật hoạt động vào lúc hừng đông và hoàng hôn thường có tuổi thọ ngắn hơn. Điều này có thể là do quãng thời gian kiếm ăn ngắn ngủi, ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của chúng. Ngoài ra, khả năng bay hoặc lượn của loài có cánh là yếu tố quan trọng số 1 đối với khả năng trường thọ của chim chóc. Bay lượn trên bầu trời mở rộng cơ hội tìm kiếm thức ăn, tránh thoát kẻ săn mồi và giúp chúng có nhiều sự lựa chọn hơn về mặt định cư. Đại diện sống lâu trong nhóm này là thiên nga, hồng hạc và các loài chim biển lớn. Một con hồng hạc ở vườn thú Adelaide ở Úc có thể sống ít nhất 83 tuổi.
Về phần con người, chúng ta cũng có kích thước tương đối lớn và có thể bay nhờ các cỗ máy. Người sống thọ nhất thế giới phải trên dưới 120 tuổi. Tuy nhiên, nếu so với toàn bộ thế giới động vật, nhân loại vẫn còn thua xa các loài không xương sống, chẳng hạn như một số loài bọt biển và sò thừa sức vượt ngưỡng 250 năm.
Tại sao nhện cái ăn thịt bạn tình trước khi giao phối?
Ở một số loài nhện, các con cái khét tiếng vì thói quen ăn thịt bạn tình sau khi ân ái. Tuy nhiên, trong thực thế vẫn có những con nhện cái thậm chí "xơi tái" bạn tình tiềm năng trước cả khi quá trình giao phối diễn ra. Các nhà khoa học đã đưa ra hàng loạt phỏng đoán về lí do tại sao có quá nhiều loài nhện phát triển thói quen "xơi tái" bạn tình đến như vậy. Đối với các cá thể cái, ăn thịt bạn tình có thể mang tới lợi thế về dinh dưỡng hoặc giúp loại bỏ số lượng những "ông bố" không mong muốn. Đối với các cá thể đực, sự hy sinh có thể nhằm bảo đảm các gene của chúng sẽ được truyền lại cho thế hệ sau. Chẳng hạn như, ở một số loài nhện, con đực để lại xúc túc đóng vai trò như dương vật có thể tách rời của chúng bên trong cơ thể con cái sau cuộc "yêu"nhằm xua đuổi tinh trùng của các tình địch.
Tuy nhiên, các lợi ích của hiện tượng ăn thịt bạn tình mập mờ hơn khi các "nàng" nhện trinh ngốn ngấu bạn tình thuộc mọi kích cỡ một cách bừa bãi, thậm chí không quân tâm tới"chuyện ấy" với chúng. Các nhà nghiên cứu đến từ Trạm thử nghiệm các vùng đất khô cằn (EEZA) của Tây Ban Nha đã tiến hành kiểm tra xem liệu các đặc điểm tính cách nhất định, chẳng hạn như sự hung dữ, hiếu chiến, có ảnh hưởng tới cách đối xử của nhện cái với những nhện đực tiến lại gần hay không. Nhóm nghiên cứu đã bắt nhốt 99 con đực và 88 con cái thuộc loài nhện Iberian tarantula Lycosa hispanica. Họ sau đó phân loại các nhện cái thành nhóm "hung dữ" hoặc "hiền lành" nhờ quan sát cách chúng phản ứng trước các con mồi và khẩu vị ăn của chúng. Nhóm nhện cái, tất cả đều là "trinh nữ", sau đó được thả chung với các con đực. Kết quả cho thấy, các con cái hiền lành nhiều khả năng sẽ giao phối trước khi tấn công con đực. Chúng cũng có xu hướng ăn thịt con đực yếu kém hơn và thích ân ái với những con đực vượt trội hơn. Trong khi đó, các con cái hung dữ giết chết con đực bất kể khỏe hay yếu, thậm chí trước cả khi giao phối. Điều này ám chỉ, bản tính hiếu chiến đã khiến những con nhện cái này mất khả năng phân biệt bạn tình tiềm năng là nguồn cung cấp tinh trùng hay nguồn thức ăn và "xơi tái" nhện đực một cách bừa bãi. Các nhà nghiên cứu kết luận, chính "tính cách" đã quyết định thái độ của nhện cái trước con mồi và cả bạn tình tiềm năng. Sự hung dữ sẽ khiến nhện cái trở nên phàm ăn và "xơi tái" nhện đực bất chấp đã giao phối hay chưa. |
Theo Vietnamnet, Livescience |