Tổng Thống Obama đang trên đường công du qua 4 nước Á Châu: Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia, Philippines. Phân tích gia chính trị James Chin thuộc trường đại học Monash ở Malaysia, cho rằng: “Tổng Thống Obama có hai mục tiêu chính trong chuyến đi này: tái xác định chiến lược chuyển trục về châu Á và giải quyết những trở ngại cuối cùng trong hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP”.
|
Hòa giải hai nước đồng minh: Nhân dịp các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị an ninh nguyên tử quốc tế ở Hòa Lan hồi cuối tháng 3, Tổng Thống Obama đã tổ chức cuộc gặp gỡ tay ba Mỹ – Nhật – Hàn nhằm cố gắng hàn gắn những dị biệt còn tồn tại giữa hai nước đồng minh. Trong hình, sau buổi họp bào chung tại tư dinh đại sứ Hoa Kỳ ở The Hague, Tổng Thống Park Geun-hye và Thủ Tướng Shinzo Abe đứng dậy đi về ghế ngồi đối diện ở đầu bàn. (Hình: AP/Pablo Martinez Monsivais) |
Sau khi chấm dứt chiến tranh Iraq và giảm dần nỗ lực quân sự ở Afghanistan, năm 2011 chính quyền Obama chính thức tuyên bố xoay hướng chính sách đối ngoại về châu Á. Nhưng tiếp theo đó, Hoa Kỳ phải đối phó với các vấn đề ở nhiều khu vực khác trên thế giới, từ Israel-Palestine đến Syria và hiện nay là Ukraine. Tình hình ấy khiến cho có những dư luận cho rằng sự quan tâm đến châu Á nay đã suy giảm hay không còn là chủ trương có vị trí ưu tiên nữa.
Tháng 10 năm ngoái, do những tranh chấp về ngân sách dẫn đến việc chính quyền liên bang đóng cửa mấy tuần lễ, Tổng Thống Obama đã buộc phải hủy bỏ việc tham dự hai hội nghị quan trọng: hội nghị ASEAN tại Brunei và hội nghị an ninh khu vực châu Á tại Indonesia. Mối hoài nghi do đó càng gia tăng về quyết tâm trở lại Á Châu của Hoa Kỳ. Chuyến thăm Á Châu hiện nay của Tổng Thống Obama phần nào có ý nghĩa xác định lại mục tiêu lâu dài của Hoa Kỳ ở châu Á và để cho người châu Á vững tin rằng Hoa Kỳ không một lần nữa rời bỏ nơi đây như thời kỳ cuối thế kỷ 20.
Hành động cụ thể nhất để chứng tỏ đường lối chuyển trục là sự gia tăng hiện diện quân sự. Trong thực tế thì Hoa Kỳ vẩn là cường quốc số 1 ở vùng Thái Bình Dương. Lực lượng quân sự Trung Quốc dẫu có nhiều tiến triển về hải quân, không quân, cũng còn phải một thời gian rất dài mới có thể là một thách thức chứ chưa thể là một đe dọa cho Hoa Kỳ. Như vậy sự tái phối trí lực lượng của Hoa Kỳ ở khu vực Á Châu có giá trị tâm lý hơn là nhu cầu cụ thể. Nhưng đó lại là điều các quốc gia Á Châu mong muốn và chờ đợi, xem như đối trọng trước mọi ý đồ bành trướng của Bắc Kinh.
Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch chuyển chủ lực hải quân và không quân đến khu vực Á Châu – Thái Bình Dương. Tuy nhiên do sự cắt giảm ngân sách quốc phòng, cùng với những vụ khủng hoảng ở nơi khác trên thế giới, các dự án này chưa được thi hành đầy đủ và nhanh chóng như sự trông đợi của các quốc gia Á Châu, tạo ra nhiều dư luận hoài nghi. Chuyến thăm 4 nước Á Châu của Tổng Thống Obama có giá trị ở sự tái xác nhận quyết tâm chú trọng đến Châu Á và chỉ có giá trị tới mức đó, chưa thể là sự bảo đảm về sự can thiệp của Hoa Kỳ nếu xảy ra tranh chấp xung đột giữa các quốc gia trong khu vực với Trung Quốc.
Liệu Hoa Kỳ có đủ quyết tâm và khả năng hỗ trợ hay bảo vệ đồng minh Á Châu trong trường hợp như vậy hay không? Khó có câu trả lời chắc chắn và cũng tùy theo từng tình huống. Hoa Kỳ có hiệp ước an ninh với Nhật Bản và Nam Hàn nên dù muốn dù không, buộc phải can dự nếu xảy ra chiến tranh giữa các nước này với Trung Quốc hay Bắc Hàn. Nhưng không ai nghĩ rằng Hoa Kỳ trực tiếp can thiệp vào các tranh chấp biển đảo. Hoa Kỳ đã xác định đứng bên ngoài tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, quân lực Hoa Kỳ chắc chắn không thể được sử dụng cho trận chiến tại Senkaku nếu có.
Cũng như vậy quân lực Hoa Kỳ sẽ không trực tiếp can thiệp vào những tranh chấp hải đảo ở Biển Đông dù đó là tranh chấp Trung Quốc – Philippines hay Trung Quốc – Malaysia. Chuyến thăm Á Châu của Tổng Thống Obama không tới Việt Nam là điều dễ hiểu vì Việt Nam không phải là quốc gia có hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ và sự thăm viếng trong hoàn cảnh này không đem lại lợi ích gì cho cả hai bên nếu không phải là sẽ trở thành khiêu khích công khai với Trung Quốc.
Mặt khác của chính sách chuyển trục về châu Á là vấn đề ngoại giao và kinh tế. Hoa Kỳ đã gia tăng triển khai lực lượng quân sự tới một chừng mực giới hạn, nhưng về ngoại giao và kinh tế người ta chưa thấy có tiến triển nào đáng kể, Nam Hàn đã có thỏa hiệp mậu dịch tự do với Hoa Kỳ và sự tham gia TPP không có nhiều vấn đề,. Nhưng với Nhật, hãy còn nhiều bất đồng quan điểm về nông sản phẩm và xe hơi. Hôm Thứ Sáu, như dự đoán, khi Tổng Thống rời khỏi Tokyo đến Seoul, vẫn chưa có thêm được tiến tiển gì mới và như thế khi chưa có thỏa thuận với Nhật, quốc gia giữ vị trí quan trọng nhất trong TPP, thì hiệp định này vẫn còn dừng chân tại chỗ.
Các quan sát viên cho rằng các cuộc đàm phán sẽ còn phải tiếp tục chứ chưa thể đạt được sự khai thông mau chóng. Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương là trụ cột trong chính sách Á Châu của chính quyền Obama và là một bộ phận không thể tách rời khỏi chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á.
Một số quan sát viên nhận xét rằng Hoa Kỳ kém quan tâm đến châu Á trong thời gian vừa qua, một phần là vì Ngoại Trưởng John Kerry. Ông Kerry chú trọng đến Trung Đông và Âu Châu, khác với bà Hillary Clinton trước kia coi Á Châu là mục tiêu đứng hàng đầu. Cuộc hòa đàm Israel-Palestine mà Ngoại Trưởng Kery dành rất nhiều nỗ lực và thời gian để thúc đẩy, hiện nay coi như đã đổ vỡ, và hy vọng đạt được một kết quả mà từ nhiều thập niên không thể nào đạt tới, nay có lẽ không còn nữa. Tình thế ấy có thể có nhiều ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại ở khu vực Á Châu – Thái Bình Dương vì thật ra không hẳn Ngoại Trưởng Kerry ít quan tâm, mà chỉ vì ông không có đủ thời gian trước quá nhiều vần đề cấp bách xảy tới cùng một lúc trên toàn thế giới.
Quốc gia cuối cùng mà Tổng Thống Obama sẽ đến trong chuyến đi dài 8 ngày là Philippines. Do sự va chạm với Trung Quốc, Philippines sau một thời gian có phần xa lánh Hoa Kỳ, nay trở lại là một đồng minh cố hữu. Hoa Kỳ cùng Nhật Bản đều đã thỏa thuận tăng cường trợ giúp Philippines và quốc gia này có lẽ sẽ đóng vai trò chính trong sự thể hiện lập trường và chính sách của Hoa Kỳ ỡ vùng Biển Đông.(HC)