Theo AFP, trích Tân Hoa Xã, 60% mạch nước ngầm của Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng không thể uống trực tiếp được. Đây là đánh giá của Bộ đất đai và Tài nguyên, trong bản báo cáo hàng năm. Giới bảo vệ môi truờng cho đây là hậu quả của mấy thập niên phát triển kinh tế của Trung Quốc bất kể tác hại môi sinh.
Theo bản phúc trình, chất lượng nước được khảo sát năm ngoái tại 203 thành phố, bị đánh giá từ « rất xấu » đến « tương đối xấu ». Hạng « tương đối xấu » chỉ loại nước không uống được nếu không được xử lý, còn loại « rất xấu » thì không thể dùng như một nguồn nước uống.
Dân chúng trong các thành phố Trung Quốc từ lâu đã không còn uống nước máy mà không đun sôi, nhiều người thì tìm mua các loại nước trong chai. Tỷ lệ nước không thể uống trực tiếp tăng hơn 57% kể từ năm 2012.
Giới môi trường cho đây là hậu quả của mấy thập niên phát triển kinhh tế của Trung Quốc bất kể tác hại môi sinh. Giờ đây, chính quyền mới bắt đầu đề cập đến vấn đề, tuyên chiến với ô nhiễm, như tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong tháng Ba vừa qua.
Câu hỏi đặt ra là phải chăng đã quá muộn ? Trung Quốc lâm vào cảnh bị sương mù ô nhiễm bao phủ liên tục, mạch nước ngày càng ô nhiễm như nói trên và đất đai cũng vậy. Bộ Môi trường tuần qua đánh giá 1/5 đất Trung Quốc đã bị ô nhiễm.
Trong tình hình ô nhiễm này thì người dân thành phố Lan Châu (Lanzhou) lại chịu một tai ương khác : nước máy của họ bị nhiễm một chất gây ung thư. Sự cố này đã khiến tập đoàn Veolia Environnement quản lý hệ thống nước cung cấp nước uống cho thành phố phải xin lỗi.
Chất benzen đã được khám phá cách đây gần hai tuần, vào ngày 10/04, trong nước máy cung cấp cho Lan Châu. Người dân đã lập tức bị cắt nước. Veolia phủ nhận trách nhiệm, nhưng sau đó đã ngỏ lời xin lỗi người dân thành phố này.
Một sự cố vừa xẩy ra liên quan đến người đứng đầu ngành Hải quân Trung Quốc đã nêu bật thái độ nghi kỵ của Hải quân Ấn Độ đối với Bắc Kinh. Theo truyền thông Ấn Độ vào hôm nay, 25/04/2014, sĩ quan chỉ huy một chiến hạm Ấn, ghé cảng Thanh Đảo, đã kiên quyết từ chối yêu cầu bất thường của Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, muốn vào quan sát khoang chỉ huy của con tầu nhân một chuyến thăm xã giao.
Theo tường trình nhật báo Ấn Độ The Hindu, hộ tống hạm tàng hình thuộc loại hiện đại INS Shivalik của Ấn Độ đã ghé cảng Thanh Đảo ở miền Đông Trung Quốc từ Chủ nhật 20/04, để chuẩn bị tham gia cuộc tập trận chung đánh dấu 65 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc.
Nhân dịp này, hôm thứ Ba 22/04, Đô đốc Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli), Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, đồng thời là thành viên của Quân ủy Trung ương đầy thế lực, đã có chuyến ghé thăm hữu nghị chiếc tàu Ấn Độ.
Điều bất ngờ là khi tham quan tàu Ấn Độ, Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã yêu cầu được vào xem Trung tâm Thông tin Tác chiến – tức là trung tâm chỉ huy của con tàu. Yêu cầu của lãnh đạo ngành Hải quân Trung Quốc tuy nhiên đã bị sĩ quan chỉ huy hộ tống hạm Shivalik kiên quyết từ chối, viện dẫn quy trình vận hành của tàu, theo đó khoang chỉ huy luôn được tuyệt đối đóng kín khi tàu đậu ở cảng.
Theo báo The Hindu, yêu cầu của phía Trung Quốc đã khiến phía Ấn Độ ngỡ ngàng, vì đây là một sự kiện chưa từng xẩy ra. Thông thường, các quan chức Hải quân khi lên thăm tàu của một nước khác, đều tuân thủ một quy trình bất thành văn chặt chẽ, và tránh việc đòi vào xem những khu vực được cho là nhạy cảm. Việc lãnh đạo Hải quân Trung Quốc lại phá lệ trong bối cảnh một chuyến thăm hữu nghị nhằm xây dựng lòng tin đã đẩy phía Ấn Độ vào trong một tình thế tế nhị.
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, khi đưa lại tin này vào hôm nay, thì đây không phải là lần đầu tiên mà Hải quân Ấn công khai tỏ thái độ nghi kỵ đối với Trung Quốc.
Tháng Ba vừa qua, Ấn Độ đã bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc muốn được phép đưa tàu hải quân vào vùng biển Ấn Độ để tìm kiếm các mảnh vụn có thể có của chiếc phi cơ Malaysia bị mất tích. Theo giới quan sát Ấn Độ, công việc gọi là tìm kiếm của Hải quân Trung Quốc chỉ là những nỗ lực trá hình nhằm thu thập thông tin tình báo quân sự.
Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, được hãng tin AFP đưa lại hôm nay 25/04/2014, chính quyền khu tự trị Tân Cương - nơi dân chúng phản đối sự đô hộ của Bắc Kinh - có chính sách thưởng tiền mặt cho những ai tố cáo các hàng xóm để râu quá dài.
Tờ Global Times ra ngày thứ Năm cho biết, chính quyền quận Shaya đã ra thông cáo thưởng tiền từ 50 đến 50.000 nhân dân tệ (8 đến 8.000 đô la) cho những ai cung cấp đủ loại thông tin mà công an cho là hữu ích. Trong đó có cả việc tố cáo những người để râu quai nón và những ai « có các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp ».
Song song đó, chính quyền Tân Cương còn tiến hành một chiến dịch chống lại việc phụ nữ trùm khăn. Dưới cái tên « Dự án sắc đẹp », chiến dịch này khuyến khích phụ nữ để đầu trần khi ra ngoài, từ bỏ việc choàng khăn – một tập tục phổ biến nơi người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo, tộc người chính ở Tân Cương.
Cư dân ở Khách Thập (Kashgar), thành phố lớn thứ hai của Tân Cương, cho hãng tin Pháp AFP biết, tại các công sở phụ nữ bị buộc phải bỏ khăn choàng ra, và đàn ông phải cạo sạch râu trước khi đến đây.
Người Duy Ngô Nhĩ khẳng định họ bị loại ra bên lề các nỗ lực đầu tư của Bắc Kinh vào khu vực, và bị ngăn trở trong các hoạt động tôn giáo và văn hóa. Tân Cương, chiếm 1/6 lãnh thổ Trung Quốc, là vùng đất chiến lược tiếp giáp với Trung Á, có trữ lượng dầu khí quan trọng.
Tân Cương là nơi thường xảy ra những vụ đụng độ giữa chính quyền và người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, mà nam giới thường để râu quai nón theo truyền thống văn hóa và tín ngưỡng. Bắc Kinh cáo buộc các vụ bạo động là do những người ly khai có quan hệ với các nhóm khủng bố nước ngoài, trong khi các tổ chức bảo vệ nhân quyền lên án chính quyền Trung Quốc phóng đại mối đe dọa để biện hộ cho việc đàn áp tôn giáo và tín ngưỡng của người Duy Ngô Nhĩ.
Lực lượng an ninh Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát tại Tân Cương sau khi đã xảy ra một loạt vụ bạo động đẫm máu từ năm ngoái, mà chính quyền cho là do những người Hồi giáo tiến hành. Hôm 28/10/2013, một chiếc xe jeep lao vào quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh làm thiệt mạng hai du khách cùng với ba người đi trên xe. Đầu tháng 3/2014, khoảng 170 người bị tấn công bằng dao tại nhà ga Côn Minh ở Vân Nam, trong đó 30 người tử vong. Cả hai vụ này đều được Bắc Kinh quy cho « phe ly khai » ở Tân Cương.