Trăn trở trong những ngày tháng tư
Vào cuối tháng ba, năm 2014, thấy lác đác trên mạng hình ảnh về cuộc di tản năm 1975 ở Tây Nguyên, Quảng Trị, Huế..., đọc vài bài viết về chuyện buồn vì sự kiện ''Ba mươi tháng tư'', tôi cũng xem lại mấy trang hồi ký của mình có phần như sau:
''Tìm cách vượt biên từ Đá Bạc. Ngày 12/4, vào Ninh Chữ, Phan Rang trên ghe máy F5 chở được mười lăm người. (Lúc đó, Phan Rang chưa mất vì lính Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến thiết lập phòng tuyến mới ở Du Long để chặn đường tiến của Bắc quân.) Chị bốn Tuần, người quen của gia đình, tiếp đãi nồng hậu và nhiệt tình kiếm ghe lớn để chúng tôi vào Sài Gòn. Tàu nhổ neo vào khoảng 19 giờ; sáng hôm sau thì gặp bão, phải tấp vào hải đăng Hàm Tân để trú tạm. Ghe khác tập trung về đây càng lúc càng nhiều nên mình cũng vui, được thấy hải đăng ở khoảng cách gần, nhưng lại lo lắng khi nghe tin mất Phan Rang! Vì thế, có chủ ghe phải ''phiêu lưu'' ra khơi khi còn bão hoặc ''thả khách'' tại chỗ để quay về đưa gia đình di tản! Nhưng, cuối cùng, chỉ còn lại ghe chúng tôi dám liều mình ra khơi! Nguy hiểm vô cùng vì sóng lớn nhồi ghe khiến người quen đi biển cũng không chịu nổi, ói mửa liên tục! Người em đi cùng sợ quá, phải trùm kín đầu mỗi khi sóng ập lên ghe!
Sáng sớm hôm sau, thấy bãi sau Vũng Tàu từ xa, thích thú quá, tôi hỏi tài công: ''Còn bao lâu thì tới?'' Quá thất vọng, anh ta trả lời: ''Cũng không chắc tới được vì còn bão. Chờ xem!” Cuối cùng, tạ Ơn Trời Đất, ghe cập vào Bãi Sau, ai nấy đều mừng vui vì thoát chết, được đến bờ tự do dầu vẫn lo và tự hỏi còn được sống tự do đến lúc nào! Không nấn ná ở thêm tại Vũng Tàu, chúng tôi tìm phương tiện vào ngay Sài Gòn, ghé nhà quen ở đường Đề Thám, gửi đồ đạc, rồi ra phố ăn. Trong tiệm sang, thân mình thì ngồi yên, nhưng cái đầu cứ lắc lư, chao đảo do hậu quả của trận say sóng nên ăn mất ngon!''
…...
''Trong những ngày hấp hối của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, khi cuộc tiến công như chẻ tre của Bắc quân đến gần cửa ngõ Sai Gon, Tổng Thống Thiệu đã rời Việt Nam, chính phủ Trần Văn Hương lúng túng trong việc giải tỏa áp lực quân sự, nhiều nước ''có liên quan'' tìm giải pháp hòa bình cho cục diện, việc đưa tướng Minh thay tân Tổng Thống Trần Văn Hương có thể dẫn đến cuộc thương lượng với Bắc Việt nhắm tránh đổ máu được xem là khả thi nên, tại Hội Trường DIÊN HỒNG, Quốc Hội Lưỡng Viện họp khoáng đại để biểu quyết việc chuyển giao quyền lực.
Tôi được người quen dẫn vào đó quan sát – như là phóng viên ở chuồng bồ câu dành cho báo chí. Hình ảnh đập vào mắt là dân biểu Phan Xuân Huy, Đà Nẵng (trong nhóm chống đối việc trao quyền), ra hành lang trong giờ giải lao, gạt gãy cổ chai rượu Gin, uống ừng ực, chửi rủa, phân bua, nhắc lại quan điểm của mình và lên án phe đối lập.
Chúng ta đều biết hậu quả của phiên họp khoáng đại ở Hội Trường DIÊN HỒNG không như Hội nghị Diên Hồng năm 1284: vua Trần Thánh Tông triệu tập các phụ lão trong cả nước để trưng cầu dân ý về chủ trương HÒA hay CHIẾN VỚI quân Nguyên Mông xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
Cho nên, dù bao nhiêu năm trôi qua, dân biểu Phan Xuân Huy vẫn làm tôi nghĩ đến sự kiện Lịch Sử oai hùng vào tháng 10, năm 1282 như sau:
Các vua Trần mở hội nghị Bình Than để bàn kế chống quân Nguyên. Vua thấy Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho họ tham dự vào việc bàn bạc. Nghe lòng hổ thẹn, bực tức, Trần Quốc Toản bóp nát quả cam lúc nào mà chẳng biết, bèn ra về, huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ: "Phá cường địch, báo hoàng ân!" (Phá giặc mạnh, báo ơn vua!) Khi xáp trận với giặc, Trần Quốc Toản xông pha trước quân sĩ để làm gương! Thấy khí phách của Trần Quốc Toản, lũ giặc Nguyên sợ, không dám đối đầu!
Khi Trần Quốc Toản mất, vua rất thương tiếc ông, bèn làm văn tế và phong cho ông tước vương!
Là giáo sư môn khoa học nhân văn, khi tháng tư đến, tôi buồn, nhớ về quá khứ, đôi bờ Bến Hải ngăn cách địa lý, lịch sử, chính trị giữa Nam và Bắc hơn hai mươi năm, lại còn chia cách lòng người Việt suốt bốn mươi năm dù Nước Nhà được thống nhất như nỗi lòng của nhà báo Phạm Tường Vân ở Sài Gòn gửi đến Đài BBC Vietnamese vào tháng tư năm ngoái: ''Còn vĩ tuyến 17 trong tâm thức''
Gia đình tôi là thành phần ''trung nông'', nhưng bị quy thành ''địa chủ'' ở liên khu 5 thời Việt Minh. Chưa đến lượt đấu tố cha tôi thì đình chiến. Gia đình tôi không ưa gì cộng sản. Khi còn học trường quận, tôi thấy được điều này: Sau mỗi trận đánh đồn, xác Việt cọng không được đồng bọn mang đi, thì Quân Đội Quốc Gia đem về, bỏ ở Sân Vận Động cho dân chúng nhìn tận mắt thây người còn rất trẻ, mà ốm o. Tôi vẫn thấy thương họ thật lòng vì, cũng như người dân quê tôi, họ có khuôn mặt ngây thơ, không lộ nét căm thù mặc dầu, trước khi vượt Trường Sơn để ''vào B'', họ đều phải thề: ''Sinh Bắc, tử Nam!''
Khi lên học trường tỉnh, xa nhà chừng ba chục cây số, đi và về hàng tuần vào những năm 1965-68, thỉnh thoảng, tôi thấy nhiều người dân chết vì bị bắn tỉa lúc họ đeo bám phía sau xe đò! Những khi chiều muộn, những ''xác người không nguyên hình'' được kéo vào vệ đường. Họ là thường dân, hành khách của xe đò BỊ CÁN PHẢI mìn do du kích gài đêm hôm trước!
Tôi càng không ưa gì nhà cầm quyền Bắc Việt VÌ họ đã phá hoại ''miền Nam yên bình'' thời ''Ngô Tổng Thống'' và càng ra sức vi phạm Hiệp Định Genève bằng cách xua quân vượt sông Bến Hải để chiếm Chính Phủ hợp hiến của nền Đệ Nhị Cộng Hòa vốn được Quốc Tế công nhận!
Hồi ấy, ngoài những vụ tử thương, chẳng có ngày nào mà các bệnh viện miền Nam không tiếp nhận các ca thương tích do Việt cộng đặt mìn, pháo kích vào các khu dân cư, đặt chất nổ TNT để giết thường dân trong các buổi chiếu bóng, các đêm văn nghệ phục vụ đồng bào!
Trong biến cố Mậu Thân 1968, Việt cộng chôn sống quân, dân, cán, chính của Thừa Thiên Huế, giết cả những trí thức người Đức tình nguyện qua giúp thành lập và điều hành thời gian đầu trường Đại học Y khoa Huế. Không là dân Huế, nhưng tôi đã khóc sướt mướt khi xem trên TV phóng sự do Tiểu Đoàn 105 Chiến Tranh Chính Trị thực hiện: Vụ khai quật những mồ chôn tập thể! Cuối phim bao giờ cũng có nhạc phẩm: Thương về Cố Đô!
Miền Nam lọt vào tay cộng sản! Người dân không thể làm gì khác hơn ngoài việc chờ mong nhà nước mới nhanh chóng giải quyết êm đẹp mọi chuyện khi họ tiếp thu chính quyền trong năm đầu để rồi, sau đó, cùng với dân, bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước trong hòa bình, bù đắp những mất mát, hư hại do chiến tranh kéo dài ngõ hầu đồng bào sớm nhận ra nhau là cùng cội nguồn! Nhưng, than ôi, chỉ vài năm sau là thấy ngay rằng những mong ước đó là ấu trĩ, là hão huyền VÌ chế độ mới trả thù người của chế độ cũ, VÌ, khi vào miền Nam, người cộng sản mang mặc cảm rằng mình thua sút dân ngụy! Xin đọc ngay dòng 16 trong lời nói đầu ở cuốn ''Bên thắng cuộc'' để thấy họ bị đảng và ''chính quyền'' lừa bịp, đành phản ứng bằng thái độ tâm lý bù trừ, phải hành hạ ''bọn ngụy quân, ngụy quyền'' trong các trại cải tạo tập trung và vô hình trung là tạo ra hố sâu ngăn cách ngay sau vài năm đầu! Như thế, làm sao có hòa hợp, hòa giải dân tộc?
Đối đầu với đói nghèo về kinh tế, với chính sách hộ khẩu, với sổ mua lương thực, với tem phiếu, với tình trạng thiếu thuốc men, phương tiện y tế…, một vài năm, năm mười năm, vài mươi năm, những tên cộng sản nằm vùng, những ''cơ sở cách mạng'', những gia đình có công, những tên ''cách mạng ba mươi'' dần dà thấy mình bị lừa trong khi bộ máy trấn áp của chính quyền, công an, cảnh sát ngày càng mạnh, cả quân đội cũng hưởng được nhiều ưu tiên nên sẵn sàng bảo vệ chế độ đến cùng, bọn họ sẵn sàng đục khoét để ngoi lên, dễ nhất là nhận hối lộ, bắt đầu từ đảng viên, cán bộ cao cấp, rồi đến cả guồng máy! Lúc đầu là nhờ những gia đình còn của cải dành dụm hay có thân nhân từ Mỹ gửi về, sau là của toàn xã hội!
Chính chế độ thối nát, vô nhân, phản Dân Tộc là nguyên nhân của làn sóng người đi tìm tự do bất chấp sóng gió, hải tặc, tù đày khi bị bắt.
Trong giới văn nghệ sĩ, có lẽ người tiên phong là bà Dương Thu Hương qua tham luận trong Đại Hội VI Hội Nhà Văn Việt Nam là tiếng sét, và qua tác tác phẩm của bà ấy là ''Những thiên đường mù''! Rồi Lê Lựu với ''Chuyện làng Cuội'', Ma Văn Kháng với ''Đám cưới không giá thú'', Phùng Gia Lộc với bài ký ''Cái đêm hôm ấy đêm gì?'', Nguyễn Huy Thiệp với ''Tướng về hưu'', chưa kể các tác phẩm của Bùi Tín và ''Đêm giữa ban ngày'' của Vũ Thư Hiên. Sau này là Nguyễn Khải với ''Đi tìm cái tôi đã mất''… đã vạch trần tất cả mưu mô và tội ác mà cộng sản đã gây ra cho miền Nam, cho đồng bào ở hai miền! Đó là cái mặt trái của ''chế độ xã hội ưu việt!'' Sau các nhà văn, các chính khách cho xuất bản hồi ký, chẳng hạn vài sự kiện đáng chú ý là: Tướng Trần Độ, phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành, giáo sư Đại học Nguyễn Đăng Mạnh, rồi nhạc sĩ Tô Hải… Mỗi người nêu lên mỗi khía cạnh, cung cấp một số thông tin càng làm sáng tỏ mặt trái của cộng sản, bản chất con người và chế độ cộng sản. Những người ĐÃ một lòng theo bác, theo đảng, nhưng càng chán cả hai VÌ không làm được gì khi không còn tại chức, thành ra không còn sợ ai hay bớt sợ và càng mạnh dạn lên tiếng cho thế giới biết rõ về cộng sản Việt Nam.
Càng đói khổ, càng nhận thức rõ về chế độ, người dân càng phản ứng! Nhưng càng phản ứng thì càng bị đàn áp nên mới nổ ra hàng trăm vụ chống đối: Trong thập niên 80 là vụ Thái Bình, sau này là vụ Đoàn Văn Vươn, nông dân Văn Giang… Kẻ chống, căm thù chế độ bây giờ LÀ toàn dân Việt Nam thay vì dân miền Nam như trước! Nhưng vẫn không thấy động thái nào thể hiện thiện chí của chính quyền trong việc hòa hợp, hòa giải dân tộc! Phải chăng cộng sản nghĩ rằng việc xóa đi ''vĩ tuyến 17 trong tâm tưởng dân hai miền'' sẽ là cớ tạo nên lực lượng chống đối đông đảo và hùng hậu hơn?
Nền tảng đạo đức của dân tộc sa sút, kinh tế xã hội đảo điên, tham nhũng từ trên xuống dưới, bọn Tàu cộng gặm nhắm từng tất đất, xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều đường, nhưng xót xa nhất là chúng công khai cướp bóc trên biển Đông! Mà nạn nhân của Tàu là ngư phủ chẳng giàu có gì! Nhưng đảng cộng sản và chính quyền vẫn bàng quan! Người yêu nước biểu tình thì bị bắt bớ, đàn áp, tù đày…
Người tù thế kỷ như nhạc sĩ Nguyễn Hữu Cầu thì còn bị cho là thành phần ''bọn Mỹ Ngụy''! Nhưng Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Phương Uyên, Cù Huy Hà Vũ, Điếu cày Nguyễn Văn Hải, Đinh Nguyên Kha, Đặng Chí Hùng, Lê Văn Quang… và hàng ngàn, hàng vạn người yêu nước bị tù đày thì họ đâu phải là ngụy? Ngụy (fantoche) thật sự chính là đảng và nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bánh vẽ: độc lập, tự do, hạnh phúc!
Khi internet du nhập vào Việt Nam, khi blog, mạng xã hội facebook phát triển ở Việt Nam ngày càng rộng rãi, trở thành diễn đàn để người dân phát biểu THÌ khái niệm ''bức màn sắt” cáo chung mặc dầu báo chí ''lề phải'', truyền hình và các loa truyền thanh phường khóm vẫn ra rả hàng ngày những ''đánh giá cao'', những ''thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới''…những ''thành tựu'' đáng tự hào...! Sao mà mỵ dân đến thế, có khác nào xảo thuật tuyên truyền mà Hitler nhắc đến trong cuốn Mein Kamf!
Ngoài ra, xin ghi lại những sự kiện khiến tôi suy gẫm và buồn lòng:
1. Tại sao đảng kết thúc cuộc nội chiến 1954-75 ở Việt Nam không noi gương người Mỹ sau cuộc nội chiến 1861-65? Yếu tố ''địa lý, chính trị'' hay sự hiện diện thường xuyên của Trung Cộng trong và sau chiến tranh Việt Nam đã dẫn đến kết cục bi đát cho dân tộc như hôm nay?
2. Tại sao phóng viên báo chí Đức, Uwe Siemon-Netto, chỉ sống ở VN hơn năm năm trước 1975, mà đã dành cho dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những người Việt miền Nam, nhiều tình cảm dạt dào đến thế trong tác phẩm: ''Tình yêu của một phóng viên Đức dành cho một dân tộc nhiều đau thương''? (1)Trong phần ''Mở đầu'' của tác phẩm, Tiến Sĩ Uwe Siemon-Netto viết lời TƯỞNG NIỆM như sau: ''Sách này được viết nhắm tưởng nhớ vô số nạn nhân vô tội trong việc cộng sản xâm chiếm Miền Nam Việt Nam. Đặc biệt là tác giả liệt kê bảy đối tượng, chẳng hạn: đối tượng thứ 5 là ''Các thanh niên Nam, Bắc Việt Nam được động viên vào quân ngũ đã bỏ mạng trong cái gọi là 'chiến tranh giải phóng' nhưng chẳng mang lại tự do cho ai.''
3. Trong ''Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, qua hơn 700 trang về nhà tù ở miền Bắc vào những năm 1968-73, không hề thấy nhà văn thể hiện ở bất cứ đâu lòng căm thù những người đã đưa ông vào tù, những người đã đày đọa tù nhân ''bằng ngàn lẽ một'' cách, không căm thù cái hệ thống đã tạo ra nhà tù và những cai tù, mà chỉ kể chuyện, với văn phong đậm đà tình nhân ái. Tôi tự hỏi: ''Tại sao con người không biết thương yêu nhau, mà hành hạ nhau kinh khủng đến thế? Nhà tù dành cho con dân của xã hội ưu việt, lương tâm của thời đại, đỉnh cao của trí tuệ, có đảng vô cùng đạo đức, có bác Hồ là vị cha già CỦA DÂN TỘC, mà lại tàn ác như thế thì nhà tù dành cho người của chế độ cũ hẳn kinh khủng đến mức nào?
4. Bốn năm trước, nhà văn Khuất Đẩu (2) trong cuốn ''Một nước Việt buồn'' đưa ra 10 câu hỏi, rồi tự trả lời, đến nay đã có được bao nhiêu giải đáp? Và, sau một năm, nhà báo Phạm Tường Hân có thể trả lời chưa cho câu hỏi: ''Có còn chăng một vĩ tuyến 17 trong tâm thức''?
Gia đình tôi không có nợ máu với cộng sản, cũng không hưởng ân huệ gì của Quốc Gia ngoài những năm tháng thanh bình, no cơm, ấm áo, được sống trong không khí tự do, dân chủ. Ngược lại, đã bốn mươi năm qua rồi, dân tộc Việt Nam vẫn lầm than và càng điều linh.
Đến bao giờ dân Việt mới rửa được nỗi nhục do cộng sản gây nên? Biết khi nào tôi không còn trăn trở hằng đêm?
Nguyễn Nhật Huy
Ghi chú:
(1) - Quyển sách có đến tám nhận định và lời ca ngợi (in ở trang bìa và hai in ở bên trong) của những nhân vật khá nổi tiếng ở nhiều lãnh vực trên bình diện quốc tế. Tác giả hiện nay là Tiến sĩ Thần Học và giám đốc sáng lập Trung Tâm Thần Học Lutheran và Đời Công. (Theo bản dịch của Lý Văn Quý và Nguyễn Hiền.)
(2) - Khuất Đẩu: Một Nước Việt Buồn: http://www.talawas.org/?p=25780