Theo NLD - Một chuyên gia pháp y thuộc Bộ Nội vụ Anh cho rằng, căn cứ vào dấu vân tay để xác định tội phạm có thể dẫn tới sai lầm vì đó không phải là đặc trưng đơn nhất của cá nhân như lâu nay người ta vẫn nghĩ.
Chuyên gia Mike Silverman vốn là người giới thiệu hệ thống phát hiện dấu vân tay tự động cho Sở Cảnh sát London cảnh báo rằng, căn cứ vào dấu vân tay có thể dẫn tới sai lầm vì nó không phải là bằng chứng xác thực, hiển nhiên và đáng tin cậy. Ông này là chuyên gia thuộc cơ quan kiểm tra pháp y hàng đầu thuộc Bộ Nội vụ Anh.
Ông Silveman giải thích: “Không có mẫu dấu vân tay nào hoàn toàn giống nhau trong mọi chi tiết, ngay cả hai lần lấy dấu vân tay kế liền nhau trên một ngón tay cũng không đồng nhất với nhau. Vả lại, dấu vân tay thường không hoàn hảo, đặc biệt là tại hiện trường tội phạm. Nó có thể bị nhòe, bị phủ bụi... Có rất nhiều thứ làm giảm đi độ chính xác”.
Một điều quan trọng khác, theo chuyên gia Silveman là không phải mọi người đều được ghi nhận và so sánh dấu vân tay và khó có thể chứng minh rằng không có hai cá nhân có dấu vân tay giống nhau. Một số yếu tố khác có thể làm giảm “sự đơn nhất” của dấu vân tay như bệnh ngoài da khiến đầu ngón tay mềm đi; như ngón tay của người lớn tuổi thay đổi do mất đi độ đàn hồi hoặc các thành viên trong gia đình có thể có dấu vân tay tương tự nhau.
Ông Silverman cho rằng, quan chức tòa án nên lưu ý lời cảnh báo này, cần cân nhắc nhiều thông tin hơn chứ không nên chỉ dựa vào bằng chứng điều tra hiện trường mà theo chuyên gia này là những bằng chứng ngầm không tồn tại. Ông cho rằng logic như ông cảnh báo về dấu vấn tay cũng nên áp dụng với giả định cho rằng DNA là đơn nhất.
Khoa học chứng minh khỉ có thể làm toán
Theo Vnreview - Các nhà khoa học từ lâu đã ngờ rằng, khỉ có khả năng tư duy toán học và một nghiên cứu mới thực hiện đã giúp họ chứng minh được điều đó. Một nhóm nghiên cứu do nhà sinh lý học thần kinh Margaret Livingstone dẫn đầu đã huấn luyện được cho ba chú khỉ nâu có thể xác định được những biểu tượng đại diện cho những con số từ 0 đến 25. Sau đó, họ dạy cho chúng cách thực hiện phép tính cộng. Để loại trừ khả năng các chú khỉ này học vẹt, nhóm nghiên cứu đã cho khỉ học một bộ biểu tượng mới hoàn toàn. Ngạc nhiên thay, ba chú khỉ này vẫn có thể áp dụng lại những kiến thức trước đó với bộ biểu tượng mới và tiếp tục giải các phép tính cơ bản. Ba chú khỉ trong nghiên cứu nhận biết được các biểu tượng này khá tốt - với tỉ lệ chính xác khoảng 70-90%, tùy thuộc vào thời gian chúng được huấn luyện bao lâu. Làm thế nào các nhà nghiên cứu khẳng định được điều này? Họ đưa cho khỉ một màn hình cảm ứng và dạy khỉ lựa chọn giữa hai biểu tượng. Bất kể lựa chọn chạm vào biểu tượng nào, chú khỉ cũng được nhận một phần thưởng với số lượng tương ứng. Một thời gian sau, khỉ đã học được việc chọn giá trị cao hơn khi được hỏi lựa chọn giữa hai con số. Hình ảnh ở trên cho thấy chú khỉ dùng tay lựa chọn phép tính 4+5 trên màn hình cảm ứng thay vì số 8. Đó là bởi nó biết tổng của 4+5 cao hơn 8. Đây là cách các nhà nghiên cứu thử nghiệm khả năng làm phép tính cộng của khỉ. Vì rõ ràng, nếu chú khỉ ở trên chỉ lựa chọn con số lớn nhất mà chú nhìn thấy thì chú hẳn đã chọn số 8. Còn nếu như khỉ không biết làm phép tính cộng thì chúng sẽ chỉ có thể trả lời đúng câu hỏi khoảng 10%-30% theo kiểu ăn may. Nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra. Những con khỉ này thực sự đã lựa chọn tổng chính xác với tỷ lệ 50% - một tỷ lệ tuy thấp so với người giỏi phép cộng nhưng đủ để bác bỏ khả năng những chú khỉ này chỉ học vẹt. Các nhà khoa học cũng cho biết, không chỉ có khỉ và con người có khả năng nhận biết các con số, một nghiên cứu trước đó cũng cho thấy cá cũng có thể đếm từ 1 đến 4. Điều này thách thức quan điểm cho rằng, bộ não động vật không có khả năng tư duy logic và có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về cách mà con người tư duy với những con số và phép tính. |
Theo Vnreview |