Nỗi buồn bã và thất vọng trước cái chết đau thương của Thầy Giêsu, cũng như bao điều khúc mắc xung quanh việc Người có thật sự đã trỗi dậy hay không, có lẽ sẽ không được xua tan nếu hai môn đệ trên đường đi về quê Emmau đã không mời vị lữ khách – Chúa Giê-su Phục Sinh – vào lưu lại trong nhà mình. Thật vậy, biến cố phục sinh của Đức Giêsu vẫn luôn là một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của con người. Chỉ nhờ đức tin, nhờ được Chúa Giêsu hiện diện trong tâm hồn mình qua cuộc sống kết hiệp mật thiết với Ngài mà chúng ta mới có thể cảm nghiệm được điều đó. Có Chúa Phục Sinh hiện diện, mọi lo âu, buồn bã và thất vọng, mọi băn khoăn, khúc mắc và nghi ngờ sẽ được xua tan. Thay vào đó, niềm tin và hy vọng, niềm vui và hạnh phúc sẽ ngập tràn. Mọi sự sẽ đổi mới với Đấng Phục Sinh.
SUY NIỆM LỜI CHÚA
TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH - NĂM A
----------
THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS
Bài đọc (Cv 2,14.22b-33)
14 Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng : “Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây.
22b Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. 23 Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. 24 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. 25 Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng : Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. 26 Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. 27 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. 28 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.
29 “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng : người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. 30 Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, 31 nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói : Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. 32 Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. 33 Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống : đó là điều anh em đang thấy đang nghe.
Tin Mừng (Mt 28,8-15)
8 Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.
9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói : “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà : “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. 12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục ; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, 13 và bảo : “Các anh hãy nói như thế này : Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. 14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” 15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.
Suy niệm 1: TÁC VIÊN TIN MỪNG
“Chị em đừng sợ, về báo cho anh em của Thầy….” (Mt 28,9)
1. Rất có thể từ sau lần đọc đầu tiên, trình thuật Tin Mừng hôm nay để lại trong người đọc cảm xúc ngạc nhiên và ngưỡng mộ nhóm nhân vật chính thứ hai là các người phụ nữ. Thật vậy, bất kể hiểm nguy và bóng tối, họ nhắm ngôi mộ có đặt xác Chúa mà lên đường. Rồi khi đã chứng kiến những gì xảy ra, đã nghe được lời thiên thần nói, họ lại vội vã quay trở về để báo tin cho các môn đệ.
Nếu dừng lại quan sát các phụ nữ mềm yếu này, ta không khó để lý giải lòng can đảm của họ: họ thương Thầy Giêsu, họ gắn bó với Thầy quá sâu đậm. Tình yêu họ dành cho Thầy lớn đủ để vượt mọi lý giải và nghi ngờ, họ tin ngay vào lời các thiên thần, tin luôn giữa lúc lý trí họ chưa thể phân định cảm giác sợ hãi và nỗi mừng vui trong họ. Hớt hải chạy tới rồi lại rộn rã chạy về, chuỗi hành động ấy được thực hiện bởi con tim yêu thương trong họ. Con tim thúc bách, lắng nghe và mách bảo. Con tim đơn giản mà mạnh mẽ, sáng trong mà nồng ấm biết bao.
2. Thấu hiểu tâm trạng của các bà, Chúa Giêsu đã chủ động gặp gỡ để kiện toàn lòng tin và tình yêu trong họ. Bước chân hãi sợ lẫn lộn mừng vui của các bà biến mất, thay vào đó là sự vững vàng mang đậm dấu ấn sứ mạng. Họ đi loan báo cho các môn đệ, không phải vì lời của thiên thần nữa, mà vì mệnh lệnh của chính Đấng Phục Sinh: Về báo cho anh em của Thầy. Các phụ nữ mọn hèn nay trở thành những người đầu tiên loan tin vui Phục Sinh, những nhân chứng đầu tiên của Sự Sống Vĩnh Cửu, những tác viên Tin Mừng.
Cũng thế, cuộc sống đời thường và đời đạo cho ta không ít kinh nghiệm khi được nhận tin vui hoặc trở thành người loan tin vui, nhất là khi những tin vui ấy đem lại cho ta sự sống, sự bình an mà tiền bạc không thể mua và vinh hoa đời này không thể ban tặng.
3. Thành ra, kinh nghiệm của các phụ nữ trong ánh bình minh chan hòa và hạnh phúc vô bờ của buổi sáng phục sinh hẳn sẽ khơi lên trong lòng tôi, trong lòng bạn và trong lòng anh chị một khát khao nho nhỏ và một lời chất vấn êm nhẹ nhưng da diết. Một đàng, ta khát khao được trở thành người đem tin mừng phục sinh cho anh chị em. Nhưng ta cũng cần tự hỏi vì đâu mà bấy lâu nay ta chưa thể thực hiện được khao khát đó, đang khi tự bản chất ơn gọi Kitô hữu, ta đã được chọn cho sứ mạng cao cả này rồi.
Phơi bày đời mình và hồn mình trước Ánh Sáng Phục Sinh, dường như ta cũng đã từng có lần để lòng mình gắn bó với bạc tiền hơn là với Chúa, để rồi sẵn sàng đánh đổi như các người lính canh mồ hôm nay ; hoặc có lần ta hãi sợ nhưng không phải nỗi sợ của loài thọ tạo phàm hèn đối diện với Thiên Chúa uy phong, mà là sợ mất quyền mất lợi của mình, nên sẵn sàng loan tin giả dối hoặc cắt nghĩa Tin Mừng sai lệch như các thượng tế và kỳ lão hôm nay.
Như vậy, không khó để trở thành tác viên tin mừng, chỉ cần ta gắn bó với Chúa, yêu Chúa và vững tin vào Chúa, tin vào sự phục sinh của Người và sẵn sàng đón nhận sứ vụ Người trao.
4. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, con tin Chúa đã chết và sống lại vì con. Con yêu Chúa bằng tất cả trái tim bé nhỏ của con. Xin đỡ nâng niềm tin yêu hèn yếu và dễ vỡ của con. Con tin Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống con, nhất là mỗi khi con được rước Chúa vào lòng. Ước gì sức sống của Chúa trào tràn trong con và qua con, để con đem Chúa đến cho anh chị em. Một lần nữa, con tạ ơn Chúa vì những phút quý báu này con được gặp Chúa và được nghe Chúa dạy bảo. Amen.
Suy niệm 2: TIN MỪNG CHO MỌI NGƯỜI
Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
Suy niệm: Các phụ nữ bị coi là thua kém trong xã hội Do-thái lại đóng vai trò quan trọng trong việc loan báo Chúa Giê-su sống lại. Họ được chính Đấng Phục Sinh hiện ra và trao sứ mệnh loan Tin Vui phục sinh cho các tông đồ; họ trở thành tông đồ của các tông đồ. Trong khi những người đàn ông như lính canh mồ, giới lãnh đạo ra sức đánh tráo dư luận, các môn đệ thân tín tỏ ra bị động, nghi ngờ thì các bà lại lên tiếng. Việc Đấng Phục Sinh ưu ái hiện ra và trao sứ vụ cho các bà là phần thưởng Ngài dành cho những tâm hồn yêu mến Ngài. Tin Mừng Phục Sinh không là của riêng ai mà là của mọi người, nam lẫn nữ, biết thao thức tìm kiếm, tin tưởng và sống niềm tin này.
Mời Bạn: Đỉnh điểm của công cuộc Phúc Âm Hóa là tin vào Đức Giê-su đã chết và sống lại để cứu độ con người, rồi trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng Phục Sinh ấy trong suy tư, lời nói và cách hành xử hằng ngày của mình. Bổn phận này không của riêng ai: bạn, tôi, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi…
Chia sẻ: Hãy nói về Chúa cho con cái, cho giáo dân, cho dự tòng… “như mẹ nói chuyện với con” (Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng, số 138).
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ chú ý lắng nghe và làm theo những điều Chúa dạy trong Thánh Kinh và qua các giáo huấn của Giáo Hội, vì đó là tiếng của Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin giúp con biết cách và can đảm nói về Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai mà con có bổn phận phải loan báo cách đặc biệt. Amen.
Suy niệm 3
Con người thay đổi chính mình thật khó biết bao!
Ca dao tục ngữ có câu: ‘non sông dễ đổi, bản tính khó dời’. Câu ca dao trên không những có ý nghĩa về mặt văn chương, mà còn rất thiết thực trong đời sống của chúng ta, cụ thể qua bài Tin Mừng hôm nay. Thời gian đủ để cho con người nhận ra sự thật về Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đã từng làm phép lạ, rao giảng, chịu đau khổ, chết trên thập giá và sống lại. Khi Chúa Giêsu tắt thở, viên sĩ quan đã từng thốt lên: ‘Quả thật, người này là con Thiên Chúa’ (Mt 27,54b). Tiếc thay, số người nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật còn quá ít. Ngược lại, số người sống theo suy nghĩ ‘trần gian’ rất nhiều, như những người Pharisiêu. Dù biết rõ, Chúa Giêsu đã phục sinh nhưng họ tìm cách để đổi trắng thay đen. Thay vì loan truyền việc Chúa Giêsu phục sinh, các ông đã lập mưu, dựng một màn kịch xảo trá để chối từ việc sống lại của Ngài: ‘Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự’ (Mt 28,13-14).
Qua câu chuyện dàn xếp của những người Pharisiêu và hình ảnh rất ý nghĩa của các chị em phụ nữ ra viếng xác Chúa, chúng ta nhận ra sự thật về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Là con cái Chúa, chúng ta sống và làm theo lời Chúa dạy. Ngược lại, nếu chúng ta từ chối Thiên Chúa, chúng ta sẽ làm theo sự hướng dẫn của ‘trần gian’. Cha Thánh Gioan-Vianney nói: ‘Con cái của Chúa luôn làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Con cái của ma quỷ làm theo sự hướng dẫn của tối tăm. Con cái Chúa Thánh Thần được trang điểm bằng các nhân đức. Con cái ma quỷ thì trang điểm bằng những mưu mô độc ác…’. Theo ngài, đó là một trong những lý do làm cho tâm hồn chúng ta khó thay đổi. Vậy, muốn thay đổi chúng ta phải quyết tâm đứng lên để đi về cùng Cha của chúng ta như người con hoang đàng (Lc 15,11-32). Muốn thay đổi, cần mời Chúa ngự vào ‘tâm hồn’ chúng ta và quyết tâm từ bỏ những việc làm không tốt như Lê-vi (Lc 5,27-32).
Lạy Chúa, chúng con là kẻ tội lỗi, chúng con yếu đuối, nhất là việc hoán cải tâm hồn chúng con. Xin cho tâm hồn chúng con cũng được ‘phục sinh’ với Chúa để chúng con sống và làm theo lời Chúa dạy, hầu mang niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người, nhất là trong tuần Bát nhật phục sinh này.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, mỗi lần chúng con được rước Chúa là một lần chúng con được đón nhận chính sức sống Phục sinh của Chúa tuôn trào trong chúng con. Xin cho chúng con được tràn ngập niềm vui như xưa Chúa đã ban cho các người phụ nữ ra thăm mồ Chúa trong ngày Chúa sống lại.
Ngày đó, họ ra mồ với tâm trạng buồn phiền lo âu, và thất vọng, nhưng khi hay tin Chúa đã sống lại, nỗi lo âu đã trở thành niềm vui. Sự thất vọng, buồn phiền đã tiêu tan để nhường lối cho hy vọng và tươi vui. Ước gì niềm vui được đón rước Chúa Phục sinh ngự đến trong tâm hồn chúng con lúc này, cũng biến đổi chúng con thành những chứng nhân cho niềm hy vọng, để chúng con mang niềm vui đến cho những ai đang tuyệt vọng, đem nụ cười đến cho kẻ khóc than, làm tươi trẻ những tâm hồn héo úa, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui hạnh phúc đến cho mọi người, và biết kiến tạo hạnh phúc thiên đàng ngay trần thế hôm nay qua những nghĩa cử hy sinh, bác ái, và vị tha.
Nguyện xin Chúa phục sinh chúc lành cho những ước nguyện của chúng con. Amen.
[Mục Lục]
THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PS
Bài đọc (Cv 2,36-41)
36 Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô nói với người Do-thái rằng : “Toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này : Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.”
37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác : “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì ?” 38 Ông Phê-rô đáp : “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội ; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. 39 Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” 40 Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói : “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” 41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.
Tin Mừng (Ga 20,11-18)
11 Khi ấy, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà : “Này bà, sao bà khóc ?” Bà thưa : “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !” 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà : “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói : “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16 Đức Giê-su gọi bà : “Ma-ri-a !” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : “Ráp-bu-ni !” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17 Đức Giê-su bảo : “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ‘ Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em ‘.” 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
Suy niệm 1: NGHE CHÚA GỌI TÊN TÔI
Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). (Ga 20,16)
Suy niệm: Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng trước ngôi mộ trống, đã không cầm được nỗi đau:“Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi!” Và bà khóc. Cả thiên thần và Chúa Giê-su đều hỏi bà cùng một câu hỏi: ‘Này bà, sao bà khóc?’ Ma-ri-a Mác-đa-la bị giam hãm trong nỗi đau vật vã vì thương khóc một Giê-su đã chết đến độ bà không còn lưu tâm đến sự gì khác, thậm chí khi chính Đức Giê-su sống lại và hiện đến đứng bên cạnh bà, bà cũng không nhận ra. Thế nhưng tâm hồn bà mở ra khi nghe Ngài gọi đích danh tên bà: “Ma-ri-a”. Bà đã đáp lại gần như tự phát:“Ráp-bu-ni”, “Lạy Thầy”, bởi vì trong lòng bà chỉ tồn tại giọng nói của duy một mình Thầy Giê-su mà bà luôn say mê lắng nghe.
Mời Bạn: Chúng ta thường để cho những công việc, những lo toan cuộc sống chi phối đến độ không còn chỗ cho lời Chúa nói trong tâm hồn nữa; và vì thế chúng ta cứ mãi quay quắt trong cái vòng lẩn quẩn những bận bịu riêng tư ích kỷ. Chỉ khi bạn chăm chú lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng cởi mở tâm hồn với Ngài, bạn mới có thể nghe được tiếng Chúa gọi bạn bằng chính tên bạn. Chỉ khi bạn biết xếp lại những bận tâm ích kỷ để quan tâm đến những người đang sống quanh bạn và nhất là những người thân trong gia đình, trong cộng đoàn của bạn, bạn mới có thể nhận Chúa Ki-tô vẫn đang hiện diện nơi họ.
Sống Lời Chúa: Sắp xếp chương trình sống để có thời giờ suy niệm Lời Chúa cách cá nhân cũng như chung trong gia đình và cộng đoàn của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Chúa và nhận ra Chúa hiện diện trong anh chị em con.
Suy niệm 2
Người ta thường nói: ‘Sau cơn mưa trời lại sáng’. Còn Chúa Giêsu từng dạy các tông đồ là sau thập giá sẽ đến vinh quang. Thật vậy, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, bà Maria rất hạnh phúc sau những giọt nước mắt (Ga 20,13-16). Bà khóc khi Chúa bị đánh đòn, khi Chúa chết trên thập giá. Bà khóc vì sự đau đớn của Chúa Giêsu; khóc vì sự yếu hèn của con người và khóc vì tình thương của bà dành cho Chúa. Hôm nay bà khóc vì xác của Chúa Giêsu biến mất. Từ đau buồn này nối tiếp đau buồn khác nhưng nỗi buồn biến thành niềm vui. Vui vì xác Chúa không những không bị mất, nhưng xác của Ngài đã phục sinh và hiện ra với bà. Thật là hạnh phúc khi tìm được những gì mình tưởng chừng đã mất nhưng tìm lại được (Ga 20,18).
Có lẽ ai trong chúng ta từng có cảm nghiệm nỗi buồn biến thành niềm vui. Có người mất vật chất. Có người vì lý do nào đó đánh mất niềm hy vọng. Có người cách này hay cách khác đánh mất niềm tin, đánh mất tình yêu… nhưng đã tìm lại được. Nếu những ai còn đang mang nỗi buồn, chúng ta hãy noi gương bà Maria chạy đến với Chúa phục sinh để Ngài đong đầy niềm vui, hạnh phúc cho chúng ta, cách riêng là trong những ngày hoan lạc mừng Chúa sống lại. Thấu hiểu điều này, Thánh Gioan Vianey khuyên chúng ta: ‘Khi các thập giá vào đau khổ đến, chúng ta cũng hãy qùy gối trong vườn cây Dầu; chúng ta hãy uống cạn chén đắng đồi Golgotha; chúng ta hãy ngẩng đầu lên với lòng dũng cảm và với lòng nhiệt thành thánh thiện. theo sau ngày thứ Sáu tuần thánh là buổi sáng vui mừng phục sinh của Thiên Chúa nhập thể, và chúng ta cũng có một ngày vui mừng như vậy. Bởi vì nếu chúng ta cùng chịu đau khổ với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ được hưởng vinh quang với Người’ (Sermon of St. Gioan Vianney, p. 340-342)
Lạy Chúa, hằng năm chúng con đều mừng lễ Phục Sinh với tâm hồn đầy phấn khởi hân hoan, nhưng chúng con không hoàn toàn giữ được niềm vui đó trong cuộc sống vì nhiều thử thách. Xin cho chúng sức mạnh để vượt qua những thử thách và luôn xác tín điều Chúa dạy: Sau thập giá là vinh quang.
Suy niệm 3: Đức Kitô phục sinh và bà Maria Magdala
Sự hiện diện của các phụ nữ đi theo Đức Giê-su không được nhắc tới nhiều trong giai đoạn rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu; chỉ có mỗi một lần, các bà được nhắc đến một cách long trọng trong Tin Mừng theo thánh Luca: “Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa” (Lc 8, 1-3). Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiên của biến cố Phục Sinh, sự hiện của các bà được đặc biệt nhấn mạnh, không phải bởi một Tin Mừng, nhưng bởi cả bốn Tin Mừng. Thật vậy, các Tin Mừng đều nói về các bà và nói theo những cách khác nhau, như Giáo Hội sẽ cho chúng ta nghe lại trong Mùa Phục Sinh (Mt 28, 1-10; Mc 16, 1-8; Lc 24, 1-7 và Ga 20, 1-2. 11-18).
Như thế, hình ảnh người phụ nữ được đưa lên hàng đầu trong thời điểm trọng đại: khởi đầu mới của Đức Kitô, của các môn đệ và Giáo Hội, của toàn lịch sử và nhân loại. Vai trò của các phụ nữ được ưu tiên trong giai đoạn mới của lịch sử cứu độ. Nhưng đây không phải là lần đầu, hay là điều bất thường, nhưng là sự ưu ái xuyên suốt của Thiên Chúa dành cho các phụ nữ, trong sáng tạo và lịch sử: bà Eva, bà Sara, bốn người phụ nữ được nêu danh trong chính gia phả của Đức Giê-su (Tama, Ra-kháp, Rút và Batseva), theo Tin Mừng Mát-thêu (Mt 1, 1-17), và nhất là Đức Maria. Đặc biệt, lời hứa chiến thắng Sự Dữ được ban cho bà E-và và bà được ban cho danh hiệu cao quí: “Mẹ của mọi chúng sinh” (St 3, 15.20), cho dù đã vi phạm lệnh truyền!
1. Thánh nữ Maria Magdala
- Trong số các bà, Maria Magdala là nổi bật nhất. Bà được cả bốn Tin Mừng nêu đích danh trong các trình thuật phục sinh (Mt 28, 1; Mc 16, 1; Lc 24, 10). Hãy nhìn ngắm bà Maria: cùng với Đức Mẹ, có mặt dưới chân thập giá (Ga 19, 25). Vậy bà là ai ? Bà là người phụ nữ được Đức Giêsu trừ khỏi bảy quỉ (Lc 8, 1-3). Điều này làm cho chúng ta hiểu tại sao bà gắn bó với Đức Giêsu đến như vậy; bà gắn bó với Thầy của mình trong những lúc thử thách nhất, bi đát nhất và đen tối nhất; bà gắn bó với Thầy khi Thầy chẳng còn là gì hơn là một thân xác nát tan. Đặc biệt, Tin Mừng Gioan kể về bà một cách rất ưu ái:
Bà ra thăm mộ một mình thật sớm, lúc trời còn tối, không sợ hãi (trong các Tin Mừng Nhất Lãm, đó là một nhóm các bà). Điều gì đã làm cho bà không sợ hãi ?
Bà là “cầu nối” giữa Đức Ki-tô chết và phục sinh với các môn đệ. Thật vậy, bà đi ra mộ; rồi bà chạy về báo cho Phêrô và Gioan (c. 2); bà lại chạy ra cùng với hai ông (c. 11); hai ông trở về nhà; còn các ông khác thì một số sợ hãi ẩn mình, một số khác chán nản bỏ cuộc; chỉ có một mình Maria “đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc và cúi nhìn vào trong mộ“. Và sau khi được Đức Ki-tô cho nhận biết, bà được trao sứ mạng trở về loan báo Tin Mừng cho các môn đệ (c. 18).
Chưa hết, bà được hai thiên thần hiện ra hỏi thăm: “Này bà, sao bà khóc“; và rồi chính Đức Kitô đến bên bà hỏi thăm: “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà vẫn gắn bó với thân hình bất động và tan nát của Ngài, khiến Chúa chạnh lòng thương.
2. Maria và các dấu chỉ Phục Sinh
Chúng ta hãy quan sát các nhân vật và diễn biến của sự kiện, đừng quên khung cảnh thiên nhiên: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối“; đó là khởi đầu của một ngày mới, khởi đầu của một tuần mới, của một giai đoạn mới, khởi đầu của một sự sống mới: nơi đó, ánh sáng đánh tan bóng tối, sự sống chiến thắng sự chết.
Chúng ta hãy nhìn ngắm Maria thật chăm chú và hãy cảm nhận những chuyển động nội tâm của bà, khi bà chợt thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ. Hình như bà chạy về ngay mà không cần đi vào mộ để xác minh cho chính xác chuyện gì đã xẩy. Có lẽ bà hơi vội vàng, nhưng đó cũng là linh tính và linh tính này làm bà nói với Phêrô và Gioan với sự chắc chắn: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ“; và thực tế cho thấy linh tính của bà thật chính xác, vì hai vị tông đồ sau đó chạy ra và thấy y như vậy! Nhưng dù sao giả định tự phát: “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” cũng đáng cho chúng ta để ý, bởi vì biến cố phục sinh vượt xa mọi dự đoán và niềm tin của con người: “Xin để lúc khác hãy nói”, người Hi-Lạp nói với thánh Phao-lô như thế, khi Ngài công bố Đức Ki-tô phục sinh từ cõi chết.
Chúng ta hãy cảm nhận sự lo âu và hốt hoảng trong lời nói của Maria, và hãy cảm nếm tình yêu của bà đối với thân xác bất động của Thầy Giêsu. Hai vị tông đồ bỏ về, nhưng Maria vẫn ở lại, đứng ở ngoài, gần bên mộ mà khóc. Hãy nghe tiếng khóc và tiếng lòng của chị. Chị gắn bó Thầy biết bao, khi mà Thầy chẳng còn là gì. Chị gắn bó với thân xác của Thầy đến độ hỏi thăm cả các thiên thần; và còn muốn đem xác Ngài về. Trong khi toàn bộ khung cảnh, toàn bộ thế giới nhỏ bé bao quanh bà là dấu chỉ của Sự Sống Mới:
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần: nghĩa là vào lúc ánh sáng đẩy lui bóng tối của đêm đen. Hình ảnh thiên nhiên này diễn tả sự chiến thắng trên sự chết của Đức Ki-tô phục sinh. “Ngày thứ nhất trong tuần”: ngày thứ nhất trong tuần là ngày của ánh sáng theo St 1, 3. Và Đức Ki-tô phục sinh chính là Ngôi lời ánh sáng, theo Ga 1, 9. Những dấu chỉ thiên nhiên này loan báo tuần mới và sáng tạo mới, đã bắt đầu rồi. Và những dấu chỉ này vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày.
Ngôi mộ trống và mở ra: tự nó nói lên sự chết, vốn là sức mạnh tột đỉnh của sự dữ, bị Đức Kitô vượt qua; ngoài ra, bên trong mộ vẫn còn những băng vải được để một nơi và khăn che đầu được cuộn lại và xếp riêng ra một nơi. Biến cố Đức Kitô sống lại không ai được chứng kiến, nhưng Ngài để lại các dấu chỉ; vì khi ăn trộm xác, không ai lại cẩn thận như thế. Chúa thích chúng ta “đoán ra” Ngài hơn là buộc ngài phải tỏ mình ra (x. Ga 20, 29), và hôm nay Chúa vẫn thích như thế; đoán ra Ngài qua các dấu chỉ Ngài để lại cho chúng ta, nhất là dấu chỉ Sách Thánh và dấu chỉ Bẻ Bánh, cũng như những dấu chỉ của thiên nhiên, của cuộc sống, của cuộc đời mỗi người.
Cuối cùng, hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Chúa, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân; đó là biểu tượng của sự sống hoàn toàn mới phát sinh ngay giữa lòng sự chết và xâm nhập vào cõi chết.
3. Maria và Đức Kitô Phục sinh
Câu hỏi của Đức Kitô khởi đi từ chính điều mà Maria đang là: “Này bà, tại sao bà khóc? Bà tìm ai?” Biến cố hiện ra này, cũng như tất cả các biến cố khác (chẳng hạn trong trình thuật về hai môn đệ Emmau) làm cho chúng ta hiểu ra rằng, người ta không tự mình nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, nhưng chính Ngài đến và cho nhận ra thì người ta mới nhận ra. Bởi vì, Ngài đã đi vào sự sống mới, cách thế hiện hữu mới, phi không gian và thời gian. Xin Đức Kitô hôm nay tỏ mình ra và cho chúng ta nhận ra Ngài, theo cách thức mà Ngài muốn, như Ngài đã thực hiện đối với Maria, đối với thánh Phaolô. Đó là dấu chỉ hiển nhiên và vững chắc của ơn gọi.
Quan sát cách thức, hay đúng hơn là cả một hành trình, Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho bà. Người không tỏ mình ra ngay, như ở đây và trong các trường hợp khác. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao? Bởi vì Người đã đi vào trong sự sống mới, phi không gian và thời gian, sự sống vĩnh cửu; do đó, Người muốn giúp chúng ta nhận ra Người ngang qua các dấu chỉ, dấu chỉ cuộc sống, dấu chỉ Kinh Thánh, dấu chỉ bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Trình thuật Emmau giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn. Và Người tỏ mình ra cho mỗi người mỗi cách, mỗi nhóm mỗi cách.
Xin cho chúng ta, khi chiêm ngắm cách thức Đức Ki-tô Phục Sinh tỏ mình ra cho bà Maria, nhận ra cách thức Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho chúng ta, một cách thiết thân và riêng biệt:
Trước hết chúng ta cần lưu ý đến các dấu chỉ thiên nhiên; tiếp theo là “Ngôi Mộ Mở”, cùng với các băng vải được xếp gọn gàng.
Bà hoàn toàn hướng về bên trong mộ, nơi chốn của sự chết, với nước mắt, với con tim thổn thức, nhưng chính tại nơi bà hướng đến, lại dấu hiệu của sự sống, đó là hiện diện của hai thiên thần, hiện diện chính xác tại nơi đặt thi hài của Đức Ki-tô, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Bà quay ra, rồi lại quay vô; và cuối cùng thì quay ra hoàn toàn để gặp gỡ và chiêm ngắm Đức Ki-tô sống động ở bên ngoài mộ phần.
Chúng ta hãy lắng nghe lời đối thoại: trước khi mở lối, ban ơn, Chúa và các sứ thần, quan đến những nỗi khổ và cùng đồng hành với chúng ta. Đó cũng là kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh của hai môn đệ trên đường Emmau.
Nói với các thiên thần xong bà quay lại. Tại sao bà quay lại? Bà thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng không nhận ra. Rõ rằng, sự hiện hiện của Chúa vượt qua bình diện thể lí: Ngài vẫn là Đấng đã bị đóng đinh, nhưng đã chiến thắng sự chết, đã đi vào sự sống mới và không bao giờ chết nữa. Đức Giê-su hỏi bà cùng một câu hỏi, nhưng thêm “bà tìm ai”; bà tưởng là người làm vườn. Tại sao là người làm vườn. Dáng hình của Đức Ki-tô phục sinh như thế nào, để bà nhìn ra người làm vườn? (thay vì là vua, tư tế, thẩm phán… Và “người làm vườn” gợi ra những ý nghĩa nào?)
Bà lên tiếng trả lời Đức Ki-tô, và quay trở lại bên trong mộ. Đức Giê-su gọi tên, bà quay lại và gọi tên Người. Hai người nhận ra nhau và gọi tên nhau.
Nhưng chính lúc bà đi tìm Thầy đã chết, lại là lúc bà nghe được một tiếng nói sống động gọi tên của mình: “Maria”; và khi nghe được tiếng gọi, đó cũng chính là lúc nhận ra sự hiện diện. Cũng tương tự như kinh nghiệm nghe được tiếng nói sống động của Đức Kitô ngỏ với chúng ta một cách đích thân khi chúng ta đọc và cầu nguyện với Lời Chúa. Hãy dừng lại thật lâu để chiêm ngắm cuộc gặp gỡ hoàn toàn và tuyệt đối bất ngờ này. Hãy xin để được cùng chung vui với niềm vui lớn lao của cuộc tái gặp gỡ này. Maria đi tìm thân xác đã chết của Chúa, nhưng bà lại được gặp thân xác Phục Sinh rạng ngời của Ngài. Đức Giêsu đã từng nói rằng khi từ bỏ để dấn thân, anh chị em sẽ được gấp trăm, rằng khi liều mất mạng sống sẽ được ban lại sự sống; với kinh nghiệm gặp gỡ bất ngờ tuyệt đối này, chúng ta mới hiểu được những lời “kì cục” đó của Thày Giêsu. Hãy nhìn ngắm Maria chìm ngập trong niềm vui, trong ơn an ủi khôn tả và chia vui với bà: chắc chắn bà đã lao đến ôm chân Đức Kitô (x. Mt 28, 9), vì sau đó Ngài nói: “Thôi đừng giữ Thầy lại”. Và cũng chắc rằng Ngài đã cứ để như thế một lúc thật lâu. Thật là thân thương!
Vẫn chưa hết, chính Maria là người đầu tiên được Đức Kitô trao sứ mạng loan báo Tin Mừng, không phải cho muôn dân ngay tức thì, nhưng trước hết cho chính các anh em của Ngài, nghĩa là cho các tông đồ và các môn đệ (toàn là “các đấng các bậc”!). Vì thế, Truyền Thống Giáo Hội tặng cho thánh nữ danh hiệu “Tông Đồ của các Tông Đồ”. Sứ mạng này vẫn còn được Đức Kitô phục sinh trao cho các phụ nữ hôm nay, trong đó một cách rất đặc biệt cho các nữ tu!
Nội dung lời loan báo là: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em“. Tin Mừng này chất chứa lòng ước ao bừng cháy của Thầy Giêsu: thông truyền cho anh chị em của Ngài tất cả những gì ngài là: “Cha của Thầy cũng là Cha của anh chị em, Thiên Chúa của thầy cũng là Thiên Chúa của anh chị em.” Như thế, trong và qua Đức Kitô Phục Sinh, một tương quan mới được khai mở cho chúng ta:
Đó là tương quan đích thân “Maria” – “Thầy Giêsu”; nhưng tương quan này không còn lệ thuộc vào hiện diện thể lý, vì Đức Kitô Phục Sinh nói: “Đừng giữ Thầy lại”.
Chúng ta trở nên “anh chị em của Thầy”, bởi vì “Cha của Thầy cũng là Cha của anh chị em”, Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh chị em“. Chúng ta được mời gọi lựa chọn đời tu, trong đó có lựa chọn đời độc thân, chính là để sống triệt để và làm chứng cho những tương quan hoàn toàn mới này: mọi người là môn đệ của Đức Giêsu và là con cái của Cha, vì vậy mọi người là anh chị em của nhau, vượt qua vô hạn tương quan huyết thống.
Đó chính là hoa trái mà sức sống mới của Đức Kitô Phục Sinh ước ao thông tuyền cho chúng ta. Trình thuật về cách Maria thi hành sứ mạng Đức Kitô uỷ thác thật ngắn, nhưng lại nói lên tất cả: đi gặp gỡ người khác, chia sẻ kinh nghiệm đích thân: “tôi đã thấy Chúa”; và bà truyền đạt lại điều Chúa đã nói với bà.
Hành trình đi theo Chúa của Maria là một hành trình thật đẹp và đáng ước ao. Hành trình này cần được tái hiện lại trong hành trình theo Đức Giêsu-Kitô của mỗi người chúng ta.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con thật vui sướng và hạnh phúc vì Chúa luôn ở bên cạnh chúng con. Chúa hiện diện bên cuộc đời chúng con như lời Chúa đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúa biết rõ từng người chúng con như người mục tử biết rõ từng con chiên. Chúa gọi tên từng người chúng con như Chúa đã gọi tên Maria Madalena khi bà ra thăm mồ Chúa.
Lạy Chúa, thế giới hôm nay đầy náo nhiệt và bận rộn. Tâm hồn chúng con bị chao đảo bởi biết bao những huyên náo của thú vui trần thế. Có biết bao cám dỗ mời mọc chúng con vào con đường tội lỗi. Có biết bao đam mê khiến chúng con lầm đường lạc lối. Có biết bao con đường dẫn chúng con xa lìa sự sống đời đời. Xin Chúa hãy thứ tha. Xin cho chúng con tin rằng: Chúa đang đứng bên cạnh chúng con và gọi tên chúng con. Xin hãy gọi chúng con ra khỏi bến mê tội lỗi. Xin hãy gọi chúng con để thức tỉnh trước những cạm bẫy của thế gian. Xin cho chúng con biết nhận ra tiếng Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin giúp chúng con luôn nhiệt tâm tìm kiếm Chúa như thánh nữ Maria Madalena, nhờ đó chúng con cũng trở thành sứ giả loan báo tin vui Chúa Phục sinh cho trần thế. Amen.
[Mục Lục]
THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS
Bài đọc (Cv 3,1-10)
1 Một hôm, ông Phê-rô và ông Gio-an lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. 2 Khi ấy, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí. 3 Vừa thấy ông Phê-rô và ông Gio-an sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. 4 Hai ông nhìn thẳng vào anh, và ông Phê-rô nói : “Anh nhìn chúng tôi đây !” 5 Anh ta chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ được cái gì. 6 Bấy giờ ông Phê-rô nói : “Vàng bạc thì tôi không có ; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây : nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi !” 7 Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. 8 Anh đứng phắt dậy, đi lại được ; rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa. 9 Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa. 10 Và khi nhận ra anh chính là người vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh ngạc sững sờ về sự việc mới xảy đến cho anh.
Tin Mừng (Lc 24,13-35)
13 Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ : “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời : “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Đức Giê-su hỏi : “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa : “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người thì họ không thấy.”
25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng : “Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng : “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông : “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Suy niệm 1: XIN CHÚA Ở LẠI VỚI CON
“Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” (Lc 24,29)
Suy niệm: Nỗi buồn bã và thất vọng trước cái chết đau thương của Thầy Giê-su, cũng như bao điều khúc mắc xung quanh việc Người có thật sự đã trỗi dậy hay không, có lẽ sẽ không được xua tan nếu hai môn đệ trên đường đi về quê Em-mau đã không mời vị lữ khách – Chúa Giê-su Phục Sinh – vào lưu lại trong nhà mình. Thật vậy, biến cố phục sinh của Đức Giê-su vẫn luôn là một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của con người. Chỉ nhờ đức tin, nhờ được Chúa Giê-su hiện diện trong tâm hồn mình qua cuộc sống kết hiệp mật thiết với Ngài mà chúng ta mới có thể cảm nghiệm được điều đó. Có Chúa Phục Sinh hiện diện, mọi lo âu, buồn bã và thất vọng, mọi băn khoăn, khúc mắc và nghi ngờ sẽ được xua tan. Thay vào đó, niềm tin và hy vọng, niềm vui và hạnh phúc sẽ ngập tràn. Mọi sự sẽ đổi mới với Đấng Phục Sinh.
Mời Bạn: Sống niềm tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh vẫn luôn là một thách đố đối với người Ki-tô hữu, trong đó có bạn và tôi. Nó đòi hỏi chúng ta đổi mới cuộc sống mỗi ngày sao cho phù hợp với ơn phục sinh mà chúng ta đã lãnh nhận, hay nói cách rõ ràng hơn là biến cuộc đời mình thành chứng tá tình yêu và hy vọng cho con người ngày hôm nay. Muốn được như thế, chúng ta hãy luôn biết mời Chúa ở lại với chúng ta.
Chia sẻ: Bạn có cảm thấy cần Chúa Giê-su Phục Sinh ở trong cuộc đời của mình không? Có bao giờ bạn ý thức mời Chúa ở lại với bạn chưa?
Sống Lời Chúa: Sống tin yêu và hy vọng để làm chứng Chúa đã phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin đến và ở lại với chúng con luôn mãi. Amen.
Suy niệm 2
Tôi còn nhớ bài thơ ‘footprints in the sand’ tạm dịch là ‘dấu chân trên cát‘ như sau:
Một đêm kia, tôi nằm mơ,
Tôi thấy mình đang đi bộ trên bãi cát với Thiên Chúa.
Những cảnh sống trong cuộc đời tôi chợt hiện ra trên bầu trời.
Trong mỗi cảnh đời, tôi nhận thấy có những dấu chân trên bãi cát.
Nhiều khi có dấu vết của hai đôi chân,
Nhưng cũng có lúc chỉ hiện dấu một đôi chân trên cát.
Điều làm tôi xiết bao buồn bã:
Trong những lúc đời tôi ưu sầu và phiền muộn,
Thất bại, thống khổ và đau đớn,
Thì tôi chỉ thấy có một đôi chân trên bãi cát mà thôi.
Vì thế tôi liền giận dỗi nói với Chúa rằng:
‘Lạy Chúa, Chúa đã hứa với con: nếu con đi theo Chúa,
thì Chúa luôn bước đi song hành với con.
Nhưng con đã thấy rồi:
Trong những giây phút khó khăn nhất của đời con.
Lại chỉ có một đôi chân trên cát.
Tại sao, tại sao khi con cần Chúa nhất,
Chúa không thường ở cạnh bên con?’
Và Thiên Chúa âu yếm trả lời:
‘Con yêu dấu ơi,
Khi con chỉ thấy dấu một đôi chân trên bãi cát,
Đó chính là vì … Cha cõng con trên vai!’
Nội dung của bài thơ footprints diễn tả đôi nét nội dung của bài Tin Mừng hôm nay. Trước khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, lòng các ông đầy hoang mang, buồn chán và thất vọng, những ước mộng đã tan tành và cuộc đời gần như vô phuơng mất huớng. Các ông đã từ bỏ nhóm, từ bỏ Giêrusalem với bao nhiêu dấu ấn buồn vui kỷ niệm với Thầy mình và với anh em. Các ông lê từng bước chân thất thểu mệt mỏi trên chặng đuờng dài để về quê quán của mình. Một ngày đi bên nhau, một ngày trò truyện với “Người Khách Lạ”, các ông đã không nhận ra “Người Khách Lạ” đó chính là Thầy mình, vì con mắt các ông bị che phủ bởi những tối tăm của hoang mang hốt hoảng, tâm hồn các ông vẫn còn bị đóng lại bởi những lo âu buồn chán và thất vọng.
Trong những lúc khó khăn nhất, khủng hoảng nhất, thất vọng nhất, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện, đồng hành và đồng bàn với các ông. Ngài dùng Kinh Thánh để trò truyện với các ông. Ngài tế nhị gợi lên niềm vui và hy vọng nơi các ông, từ từ đưa các ông đến chỗ nhận ra Ngài trong cử chỉ quen thuộc khi Ngài bẻ bánh và dâng lời chúc tụng. Có thể tóm lại như sau: Lúc hai môn đệ cảm thấy thất vọng nhất là lúc Chúa mang lại niềm vui và hạnh phúc. Lúc họ cảm thấy cô đơn nhất thì có Chúa đồng hành với họ. Điều quan trọng là Chúa đã trao cho họ sự sống mới, tinh thần mới, khi cùng nhau cử hành nghi thức bẻ bánh.
Lạy Chúa, chúng con đang vui mừng sống mầu nhiệm Chúa phục sinh. Xin Chúa giúp chúng luôn ý rằng, Chúa đang đồng hành với chúng con trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là những lúc khó khăn nhất. Xin Chúa ban cho chúng con tinh thần mới, sự sống mới, lòng nhiệt thành mới và nhất là tình yêu mới như hai môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con năng lãnh nhận Bí Tích thánh thể, từ đó chúng con mang Tin Mừng phục sinh của Chúa đến cho tha nhân trong đời sống Ki-tô hữu của chúng con.
Suy niệm 3
Emmaus!
Khi cuộc đời tưởng chừng không có Chúa,
Lòng người chìm sâu trong bóng tối vô nghĩa,
Sói mòn lê gót trên từng lối đi về (xưa cũ).
Ngài có không trong sục sôi danh vọng, quyền lực hay bên những đèn hồng hộp đêm,
Và Ngài có không trong những ngõ tối lạnh lùng cô quạnh?
Khi cuộc đời tưởng là không có Chúa – Ngài đã chết rồi!
Cho tín đồ bơ vơ,
Cho thế lực bóng đêm cười ngạo nghễ,
Cho lòng người đắm mê với tiền, tình, tài,
Cho lạc bước chân người phiêu diêu cõi nhân sinh.
Vâng! Chiều ngày ấy, một buổi chiều mây tím loang lổ, trên con đường sỏi đá có hai người lữ khách lê từng gót chân lặng thầm – hai môn đồ mất Chúa rủ nhau về quê cũ. Mọi hy vọng tươi đẹp giờ đã tiêu tan; Lòng ôm trĩu nặng một mối sầu thương thất vọng ê chề; Thôi thế là đã chấm hết sự kỳ vọng về một con người sẽ cho ta một tương lai tươi sáng!
…
Thế nhưng, Tin vui mừng bừng mở!
Đức Giê-su đã đến, cùng đồng hành cho nhẹ những bước chân nặng nề mỏi mệt;
Lời người làm bừng cháy tin yêu sưởi ấm cõi lòng lạnh giá.
Lời Người khai sáng tâm trí u mê, chiếu soi tăm tối:
“Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (c. 26)
Cuộc đời có muôn vàn nỗi khổ đau mà con người không thể né tránh.
Đau khổ có thể vùi dập và chôn con người xuống đáy mồ của bất hạnh và thất vọng khi người ta yếu nhược, buông xuôi, không chấp nhận;
Chỉ khi giơ tay đón nhận trong tin yêu phó thác, đau khổ sẽ trui rèn và tô luyện con người trưởng thành trong nhân linh.
“Lạy Chúa xin Ngài ở lại với chúng con vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn!”
Mỗi giờ khắc qua đi là mỗi bước con tiến gần tới ‘xế chiều’;
Mỗi ngày tháng qua đi là dấu ngày đời tiêu hao và con tiến gần tới vĩnh cửu.
Xin Chúa ở lại với con, đồng hành cùng con cho tháng ngày đời con sống luôn bừng sáng niềm tin yêu hy vọng!
Hai người lữ khách trên đường Emaus năm xưa đã cảm nếm được hạnh phúc khi có Chúa cùng đồng hành, dạy dỗ và ban bánh;
Mắt các ông đã bừng sáng nhận ra Đấng Phục sinh,
cho tim hân hoan reo vui loan truyền Đấng sống lại.
Lạy Chúa Ngài đã hứa sẽ ở cùng con mỗi ngày cho đến tận thế.
Ngài chăm sóc dạy dỗ và dưỡng nuôi con bằng Bí tích Thánh Thể;
Chỉ cần con đến tham dự bàn tiệc Thánh lễ mỗi ngày,
Thì ở nơi đó, con lãnh nhận được Lời soi sáng và sức mạnh để vượt qua trận chiến trần thế;
Chớ gì cuộc đời con là thánh lễ mỗi ngày
Cho Lời Chúa được vang xa,
Cho thập giá cuộc đời được nở hoa cứu độ.
Lạy Chúa xin cho con ý thức cuộc đời con thực sự cần có Chúa,
Và ý thức có Chúa luôn sẵn sàng cùng đồng hành chia sẻ với con
Để con biết gắn bó và cậy trông vào Chúa trong mọi hoàn cảnh sống cuộc đời,
Và biết tha thiết cầu xin:
“Lạy Chúa xin ở cùng con mỗi ngày!” Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con tạ ơn Chúa đã liên kết chúng con nên một trong Chúa. Qua bàn tiệc thánh thể, chúng con được chia sẻ với nhau một bữa ăn huynh đệ mà chính Chúa đã dọn cho chúng con là Mình Thánh Máu Thánh Chúa. Cũng chính nơi bàn tiệc này chúng con mới nhận ra chúng con là anh em với nhau con một Cha trên trời.
Lạy Chúa, năm xưa Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau. Sự đồng hành này đã nâng đỡ họ và giúp họ tìm lại niềm vui và hy vọng trong cuộc sống. Xin cho chúng con luôn là những người bạn tốt lành của nhau, bằng cách đồng hành với nhau trên mọi nẻo đường cuộc sống. Xin giúp chúng con đừng bao giờ dửng dưng như khách lạ với tha nhân, nhưng luôn liên kết, cảm thông và nâng đỡ những rủi ro, bất hạnh của tha nhân. Xin giúp chúng con đừng bao giờ chỉ tìm niềm vui nơi mình nhưng luôn nghĩ đến thiện ích cho tha nhân.
Lạy Chúa, sự đồng hành của Chúa trên đường Emmau đã đánh tan thất vọng, lo âu trong tâm hồn các môn đệ, xin cũng ban cho chúng con sự bình an và ơn thánh qua bí tích Thánh Thể mà chúng con vừa được hân hạnh đón rước vào trong tâm hồn. Amen.
[Mục Lục]
THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS
Bài đọc (Cv 3,11-26)
11 Khi ấy, vì anh què cứ níu lấy ông Phê-rô và ông Gio-an, nên toàn dân rất kinh ngạc, chạy ùa tới các ông tại hành lang gọi là hành lang Sa-lô-môn. 12 Thấy vậy, ông Phê-rô lên tiếng nói với dân : “Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi ? 13 Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. 14 Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. 15 Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng. 16 Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp ; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.
17 “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. 18 Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là : Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. 19 Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em. 20 Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Đấng Ki-tô Người đã dành cho anh em, là Đức Giê-su. 21 Đức Giê-su còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo tự ngàn xưa. 22 Thật vậy, ông Mô-sê đã nói : Từ giữa đồng bào của anh em, Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho trỗi dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em ; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy nghe. 23 Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân. 24 Sau đó, mọi ngôn sứ, kể từ ông Sa-mu-en đến các vị kế tiếp, khi lên tiếng thì cũng đã loan báo những ngày chúng ta đang sống.
25 “Phần anh em, anh em là con cháu của các ngôn sứ và của giao ước mà Thiên Chúa đã lập với cha ông anh em, khi Người phán với ông Áp-ra-ham : Nhờ dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc. 26 Thiên Chúa đã cho Tôi Trung của Người trỗi dậy để giúp anh em trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh em, bằng cách làm cho mỗi người trong anh em lìa bỏ những tội ác của mình.”
Tin Mừng (Lc 24,35-48)
35 Bấy giờ, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em !” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
Suy niệm 1: ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN
“Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi … từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24,46-48)
Suy niệm: Chỉ trong ít ngày, các môn đệ Chúa Ki-tô trải nghiệm đủ mọi sắc màu cảm xúc. Chưa hết kinh hoảng và trốn chui trốn nhủi vì Thầy mình bị bắt và chết thảm, các môn đệ lại ngỡ ngàng rồi bùng nổ với niềm vui gặp lại Ngài đang sống. Giờ đây các môn đệ lại được cuốn hút vào việc tiếp nối sứ mạng của Thầy mình là rao giảng và làm chứng cho muôn dân rằng Chúa Ki-tô đã chịu khổ hình, đã chết, và đã sống lại, và nhất là ai tin vào Ngài thì cũng sẽ được sống đời đời với Ngài. Các tông đồ – và các thế hệ Ki-tô hữu xuyên suốt hai mươi thế kỷ nay – một khi đã tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh, cũng đương nhiên trở thành những người được sai đi, rao giảng và làm chứng nhân cho Ngài.
Mời Bạn: Làm chứng nhân là người kể câu chuyện Đức Ki-tô phục sinh với tư cách một người trong cuộc. Câu chuyện “Chúa Phục sinh và tôi” cũng là câu chuyện của tôi, là điều tôi đã trải nghiệm. Tôi kể câu chuyện ấy như một chứng từ; nó có thể rất mộc mạc đơn sơ, nhưng chắc chắn đây là cách rất hữu hiệu để thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng hôm nay. Người ta có thể phản đối những tuyên bố, thậm chí những tín biểu. Nhưng không ai phản đối một câu chuyện, nhất là câu chuyện về kinh nghiệm của một người trong cuộc.
Sống Lời Chúa: Tôi không ngại chia sẻ cho người khác về câu chuyện đức tin của mình, về tầm quan trọng của Chúa Giê-su trong cuộc đời tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Phục sinh, xin giúp con trở thành chứng nhân đích thực của Chúa trong đời sống mình.
Suy niệm 2
Bình an là quà tặng của Thiên Chúa dành cho con người. Tiếc thay, đôi khi con người không biết quý trọng món quà ấy của Chúa ban với nhiều lý do. Có thể là do tác động từ bên ngoài như: Cuộc sống sôi động, cuộc sống thiếu thành thật, cuộc sống quá bon chen. Ngoài ra, chúng ta đánh mất bình an là do chính bản thân như: Sự sợ hãi, sự lo âu, sự chán nản và những việc làm sai trái… dẫn đến lung lay đức tin, mất niềm hy vọng, mất niềm cậy trông vào Chúa.
Nhìn lại các tông đồ, các ông đã nhiều lần đánh mất bình an khi các ông xa Chúa. Cụ thể:
- Khi các ông gặp giông bão (Ga 6,16-21). Nhưng khi có Chúa hiện diện, lòng các ông cảm thấy bình an và hạnh phúc.
- Khi Chúa Giêsu bị bắt, bị đánh đòn và chết trên thập giá chắc chắn lòng các ông bất an – trốn vào phòng kín (Ga 20,18). Thấu hiểu được điều đó, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài trao ban bình an cho các ông: ‘Bình an cho anh em’ (Ga 20,21).
Khi nhận được sự bình an của Thiên Chúa, các ông thay đổi cuộc sống vì thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn như hai môn đệ trên đường về Emmau và các tông đồ khác. Đặc biệt, các ông cảm thấy cuộc đời rất hữu dụng và tràn đầy hạnh phúc khi ra đi rao giảng Tin Mừng của Chúa mà không sợ hãi như thánh Phêrô mạnh dạn nói với thượng hội đồng Do thái: ‘Vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta’ (Cv 5,9).
Thật vậy, vâng lời Thiên Chúa và giữ các điều Chúa truyền dạy là cách tốt nhất để chúng ta tìm được sự bình an và hạnh phúc như các tổ phụ, các tiên tri và các thánh dù họ gặp nhiều thử thách trong cuộc sống. Thử thách ở trần gian không ngăn cản bước đường tìm kiếm hạnh phúc mà Chúa ban cho họ, từ đó họ chia sẻ cho tha nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô viết như sau: ‘Những ai đã mở cửa tâm hồn mình cho tình yêu của Thiên Chúa, đã nghe thấy giọng nói của Ngài và nhận được ánh sáng của Ngài, thì không thể giữ món quà này cho riêng mình. Vì khi đức tin được nghe và được thấy, nó cũng được truyền lại như lời nói và ánh sáng’ (Đức Phanxicô, Thông điệp Lumen Fidei, 37).
Mỗi người được Chúa trao ban món quà bình an, xin Chúa cho chúng con biết gìn giữ trong tâm hồn, nhất là biết trao ban cho anh em và cùng giúp nhau đạt tới bình an đích thực trên trời mà Chúa dành cho chúng ta.
Suy niệm 3: TIN VÀ LÀM CHỨNG VỀ CHÚA PHỤC SINH
Chúng ta đang sống trong tuần bát nhật phục sinh. Các bài đọc Lời Chúa xoay quanh chủ đề này.
Thật vậy, bài đọc I trích sách Tông Đồ Công Vụ kể lại việc các Tông đồ làm chứng về Chúa Phục sinh; bài Tin Mừng thuật lại các lần Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ. Đoạn Tin mừng theo thánh Luca mà chúng ta nghe hôm nay là phần tiếp theo câu chuyện xảy ra với hai môn đệ người làng Emmaus.
Sau khi gặp Chúa Phục sinh, hai ông trở lại Giêrusalem gặp nhóm 12 và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Chính những người này bảo hai ông: “Thật, Chúa đã sống lại và hiện ra với Simon” (Lc 24, 33-34).
Chắc chắn các ông còn đang thao thao bàn tán về việc Đức Giêsu, Thầy các ông đã phục sinh, thì Đấng Phục sinh đã hiện ra với mọi người hiện diện ngay trong phòng.
Ấy vậy mà các ông tưởng Ngài là ma!
Để khẳng định cho các ông biết chính Ngài đã phục sinh [và không phải là ma], Chúa Giêsu đã cho các ông xem những vết thương; thậm chí Ngài còn ngồi ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ.
Qua đó, ta thấy: niềm tin vào Chúa phục sinh quả là không được chấp nhận một cách dễ dàng ngay từ đầu. Và việc sau đó các Tông đồ tin cho thấy các ông đã được chính Đấng Phúc sinh khuất phục với những lần hiện ra và với những bằng chứng không thể phủ nhận.
Vâng, được củng cố niềm tin bởi những lần Chúa hiện ra; được sức mạnh Thánh Thần thúc đẩy, các Tông đồ đã mạnh dạn làm chứng cho Chúa. Phêrô và Gioan đã nói với các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ Do thái: “Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe” (CVTĐ 4, 20). Bài đọc thứ I hôm nay, Phêrô và Gioan nói với dân chúng: “Đấng ban sự sống mà anh em giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng” (CVTĐ 3, 15).
Là Kitô hữu, chúng ta tin Đức Kitô là Thiên Chúa làm Người, đã chịu chết, sống lại để cứu độ chúng ta.
Tuy nhiên, niềm tin của chúng ta thường rất non yếu. Rất nhiều lần, ta không cảm nhận sự hiện diện của Chúa Phục sinh ở giữa chúng ta. Biết bao lần chúng ta được chạm đến Chúa, được rước Người vào lòng; vậy mà thử hỏi ta đã ý thức thực sự Chúa phục sinh vẫn đang hiện diện và ở cùng chúng ta không? …
Vì không ý thức Chúa Phục sinh hiện diện nên khi gặp khó khăn trong cuộc sống và trong sứ vụ, ta dễ chán nản; vì không ý thức Chúa Phục sinh hiện diện, nên ta cũng chẳng mạnh dạn làm chứng về Chúa Phục sinh cho người khác!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh!
Năm nay, giáo phận chúng con sống chủ đề mục vụ: “Gia đình sống và loan báo Tin mừng”; mà Tin mừng đầu tiên cần được loan báo đó là Tin mừng Chúa Phục sinh.
Nhìn lại đời sống đức tin, mỗi người chúng con xét thấy đức tin của chúng con còn yếu kém. Xin Chúa củng cố và gia tăng đức tin cho chúng con.
Xin cho chúng con ý thức: Chúa vẫn kiên nhẫn củng cố đức tin của chúng con hằng ngày qua Lời Chúa, qua các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể; nơi đó, Chúa hiện diện, bẻ bánh trao ban cho chúng con. Xin cho chúng con đón nhận Bánh Chúa trao hằng ngày với niềm xác tín và tuyên xưng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.
Ước gì, niềm xác tín và lời tuyên xưng này là động lực giúp bản thân mỗi người và gia đình chúng con sống niềm vui Phục Sinh và hân hoan loan báo Tin mừng Phục sinh cho mọi người. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con tin thờ Chúa ngự trong bí tích Thánh Thể. Chúng con tin rằng Chúa đến viếng thăm chúng con hằng ngày qua bí tích Thánh Thể. Xin Chúa cũng ban bình an cho chúng con như xưa Chúa đã ban cho các tông đồ trong những lần Chúa hiện ra với các ngài sau khi Chúa sống lại.
Lạy Chúa, xin cho con thoát khỏi sự sợ hãi, biết can đảm vượt qua mọi thử thách để được lớn lên, trưởng thành trong vòng tay quan phòng của Chúa. Xin tha thứ vì những lần chúng con còn ngại ngùng, sợ hãi không dám dấn thân vào con đường Chúa mời gọi chúng con bước đi. Vì con đường ấy có quá nhiều chông gai, thử thách. Con đường ấy đòi phải hy vinh, phải vác thập giá, phải chịu nhiều thua thiệt, có khi mất cả mạng sống.
Xin cho chúng hiểu rằng, bên trên gai nhọn là đoá hồng rực rỡ. Bên trên những thử thách gian nan là triều thiên chiến thắng vinh quang mà Chúa đã dành sẵn cho những ai trung tín theo Ngài. Amen.
[Mục Lục]
THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PS
Bài đọc (Cv 4,1-12)
1 Khi ông Phê-rô và ông Gio-an còn đang nói với dân, thì có các tư tế, viên lãnh binh Đền Thờ, và các người thuộc nhóm Xa-đốc kéo đến. 2 Họ bực tức vì các ông giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức Giê-su mà loan báo kẻ chết sẽ sống lại. 3 Họ bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã về chiều. 4 Nhưng trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn.
5 Hôm sau, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giê-ru-sa-lem. 6 Có cả thượng tế Kha-nan, các ông Cai-pha, Gio-an, A-lê-xan-đê và mọi người trong dòng họ thượng tế. 7 Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và tra hỏi : “Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy ?” 8 Bấy giờ, ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ : “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, 9 hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. 10 Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng : nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. 11 Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. 12 Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.”
Tin Mừng (Ga 21,1-14)
1 Bấy giờ, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp : “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời : “Thưa không.” 6 Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó !” Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói : “Anh em đến mà ăn !” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
Suy niệm 1: ĐỨC GIÊ-SU VẪN “TỎ MÌNH RA…”
Bấy giờ, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ Ti-bê-ri-a. (Ga 21,1)
Suy niệm: Thiên Chúa là “Đấng vô hình” (Dt 11,27); Ngài vốn “ẩn mình” nhưng khi Ngài phán dạy thì không “ẩn mình” nữa (x. Is 45,15.19). Thật thế, “vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1), vị Thánh Tử đó là Đức Giê-su Ki-tô, là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Như vậy, Thiên Chúa “vô hình” (“ẩn mình”) đã trở nên “hữu hình” (“tỏ mình”) để hiện diện với chúng ta qua Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể. Cái chết của Ngài đã khiến các môn đệ “không trông thấy Thầy” trong một ít lâu, nhưng rồi “lại trông thấy Thầy” khi Ngài từ cõi chết chỗi dậy (x. Ga 16,16). Ngài hằng sống, nên hôm nay, tại biển hồ Ti-bê-ri-a, tức là trên biển trần gian này, Ngài “lại tỏ mình ra cho các môn đệ”, nghĩa là cho cả chúng ta nữa. Và Ngài “tỏ mình ra” như thế “để chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” (Kinh nguyện tạ ơn IV).
Mời Bạn: “Thiên Chúa im lặng không có nghĩa là Thiên Chúa vắng mặt” (Đức Bê-nê-đi-tô XVI). Ngài vẫn hiện diện bên ta trong Lời Chúa, nơi Thánh Thể và nhiều hình thức khác nữa. Bạn có tin tưởng Ngài vẫn hiện diện Chúa “với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), nhất là trong lúc chúng ta gặp gian nan thử thách không? Nếu đã tin vào một Thiên Chúa “tỏ mình” cho con người, thì bạn cũng hãy mạnh dạn “tỏ mình” ra là người tin vào Đức Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Thực hành Lời Chúa dạy là cách thể hiện lòng tin của bạn vào Chúa Ki-tô phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Đức Ki-tô Phục sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con.
Suy niệm 2
Sau khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, tôi có cảm giác thật vui tươi và hạnh phúc. Vui vì được hòa cùng Giáo hội mừng lễ phục sinh. Hạnh phúc vì cảm nhận được tình thương của Chúa dành tôi như Chúa đã trao ban cho các tông đồ năm xưa.
Khởi đầu sứ mạng rao giảng, Chúa Giêsu kêu gọi bốn tông đồ đầu tiên; các ông tin tưởng vào Chúa Giêsu (Mt 4,18-22). Không một chút do dự hoặc nghi vấn điều gì, các ông từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giêsu. Thời gian đi theo Chúa, đôi lần các ông gặp những khó khăn và thất bại. Nhưng hôm nay, sắp kết thúc hành trình đi theo Chúa, các ông tràn đầy hạnh phúc. Hạnh phúc vì được Chúa đồng hành với các ông. Hạnh phúc vì được Chúa Giêsu phục sinh hiện ra và làm phép lạ cho các ông. Hạnh phúc vì được Chúa mời gọi vào ăn với Chúa: ‘Anh em hãy đến mà ăn!’ (Ga 21,12a); và hạnh phúc nhất là các ông nhận ra Chúa Giêsu đã phục sinh và sẽ hiện diện với các ông luôn mãi qua lời hứa: ‘Thầy sẽ ở cùng với các con mọi ngày chó đến tận thế’ (Mt 28,20).
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã yêu thương con từ khi còn trong lòng mẹ; cho con được sinh ra làm người và được tẩy rửa trong dòng nước tinh tuyền của Chúa (Bí tích Rửa Tội); Ngài cho chúng con được ăn và uống máu của Ngài (Bí tích Thánh Thể). Xin cho chúng con biết ở lại trong tình yêu của Chúa như cành nho gắn liền với cây nho để chúng con luôn sống hạnh phúc và bình an ở hiện tại và tương lai như các tông đồ năm xưa. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con tin rằng qua bí tích Thánh Thể, Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Xin cho chúng con có một đức tin đủ để chúng con mau mắn làm theo lời dạy của Chúa như các môn đệ năm xưa, nhờ đó mà các ông đã thu được mẻ cá kỳ diệu.
Lạy Chúa, trong cuộc sống thường ngày, chúng con không dám xin Chúa cất đi những nhọc nhằn, vì đó là thân phận tội lỗi của con người. Chúng con chỉ xin Chúa ban cho chúng con lòng tin mến, để giữa những nghịch cảnh cuộc đời, chúng con có thể nhận ra được sự hiện diện của Chúa và tìm được niềm vui của ơn trợ giúp của Chúa.
Xin cho chúng luôn làm chứng cho niềm tin vào Chúa phục sinh, khi chúng con dám tin yêu và hy vọng ngay trong những mất mát khổ đau. Khi chúng con dám sống quảng đại, yêu thương và tha thứ ngay trong những ích kỷ, hận thù ở thế gian.
Lạy Chúa Ky-tô Phục sinh, xin ban cho chúng con hồng ân nhận ra Chúa giữa những thử thách nghi nan để chúng con luôn tin yêu vào Chúa và làm chứng nhân cho tin mừng của Chúa. Amen.
[Mục Lục]
THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS
Bài đọc (Cv 4,13-21)
13 Bấy giờ, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giê-su ; 14 đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào. 15 Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, và bàn tính với nhau. 16 Họ nói : “Ta phải xử làm sao với những người này ? Họ đã làm một dấu lạ rành rành : điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và ta không thể chối được. 17 Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa.”
18 Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su nữa. 19 Hai ông Phê-rô và Gio-an đáp lại : “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi : trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không ? Các ông thử xét xem ! 20 Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.” 21 Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân : ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.
Tin Mừng (Mc 16,9-15)
9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.
12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.
14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”
Suy niệm 1: ĐỨC KI-TÔ ĐANG SỐNG
Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,14-15)
Suy niệm: Những người được diễm phúc thấy Đức Giê-su phục sinh thuộc ba nhóm khác nhau: Ma-ri-a Mác-đa-la và các phụ nữ theo Chúa, nhóm 12 tông đồ và hai môn đệ thuộc nhóm 72 môn đệ. Nhưng họ cũng có một điểm chung: tất cả đã theo Chúa, đã ở với Ngài, đã nghe lời Ngài giảng, thấy các việc kỳ diệu Ngài làm, đặt nhiều hy vọng nơi Ngài cũng như đã từng thất vọng trước cái chết của Ngài. Chúa Ki-tô phục sinh hiện đến để cho họ thấy rằng Đấng phục sinh hôm nay cũng chính là vị Thầy của họ hôm qua, Ngài không phải là một Đức Ki-tô khác, nhưng là một Đức Ki-tô đã đổi khác.
Mời Bạn: Hãy nhớ lời căn dặn của Đức Ki-tô phục sinh: rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bạn hãy làm như những người được gặp Đức Ki-tô phục sinh: loan đi, kể lại niềm vui này cho người khác, như Ma-ri-a Mác-đa-la, như hai môn đệ Em-mau… Niềm vui phục sinh không thể là niềm vui riêng của bạn.
Sống Lời Chúa: Chung quanh bạn có ai đó đang túng thiếu, bạn đến chia sẻ; có ai đó đang gặp chuyện đau buồn, bệnh tật, bạn đến thăm viếng, an ủi. Nhất là có tín hữu nào lơ là trong việc sống đạo, bạn đến thăm, chia sẻ niềm vui được Chúa Ki-tô Phục sinh với họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, xin cho con hiểu rằng chúng con không được ích kỷ giữ tin mừng Phục sinh riêng cho mình, nhưng phải loan báo, chia sẻ niềm vui ấy cho người chung quanh.
Suy niệm 2
Tôi nhớ, tuần tĩnh tâm của các linh mục địa phận Cần Thơ từ ngày 13 đến 17 tháng 01 năm 2014 diễn ra tốt đẹp, đặc biệt là giờ tiếng nói Giám mục trong ngày sau cùng. Đức Cha Stêphanô nhắn nhủ nhiều điều cho linh mục đoàn, cách riêng là ngài quan tâm đến việc truyền giáo. Đức cha nói: ‘Chúng ta không chỉ quan tâm đến bốn con chiên, nhưng chúng ta còn phải quan tâm đến chính mươi sáu con chiên khác’. Bốn con chiên Đức cha đề cập ở trên là tỉ lệ người công giáo ở Việt Nam trên dưới bốn phần trăm so với dân số Việt Nam (88 triệu). Chín mươi sáu con chiên khác là những người chưa biết Chúa, nên chúng ta cần quan tâm, cụ thể là việc truyền giáo.
Đọc bài Tin Mừng hôm nay cách đây 2000 năm, Chúa Giêsu rất quan tâm đến việc truyền giáo, cuối đoạn Tin Mừng, Chúa mời gọi các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng: ‘Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo’ (Mc 16,15). Tại sao Chúa Giêsu muốn các tông đồ ra đi rao giảng nước Thiên Chúa? Vì Ngài muốn mọi người nhận ra được Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngài muốn mọi người được tham dự vào tiệc nước trời:‘Ra các ngã ba, ngã tư mời họ vào dự tiệc’ (Lc 14,21-23). Ngài cũng muốn cho Danh Cha được cả sáng (Mt 6,9), và sau cùng là muốn cho mọi người chúng ta trở nên con cái của Cha trên trời.
Lạy Chúa, sứ vụ truyền giáo rất cấp bách nhưng đôi khi chúng con chưa quan tâm đủ. Xin Chúa giúp chúng con hăng say rao giảng Tin Mừng phục sinh của Chúa, cách riêng trong năm Tân Phúc Âm hóa gia đình. Ngoài ra, xin Chúa ban bình an, nghị lực và lòng nhiệt thành cho chúng con như các tông đồ và các nhà truyền giáo xưa nay. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa đã sống lại sau ba ngày yên nghỉ trong mồ. Sự phục sinh của Chúa là niềm vui của các tông đồ, là nền tảng cho việc rao giảng tin mừng. Các tông đồ đã hân hoan ra đi loan báo một sứ điệp thật trọng đại: “Chúa đã sống lại”. Xin cho chúng con đủ đức tin để chúng con nhận ra Chúa vẫn hằng sống trong cuộc đời hôm nay. Xin giúp chúng con biết can đảm nói về sự phục sinh của Chúa cho anh em.
Vâng lạy Chúa, nếu cuộc đời này sinh ra rồi chết đi là hết một kiếp người, thì thật bất hạnh cho kiếp người chúng con. Một kiếp phù sinh vắn vỏi nhưng lắm truân chuyên. Một kiếp người vui ít nhưng buồn lại nhiều. Một kiếp người gặp nhiều bất công, oan trái hơn là công bình,nhân ái. Nhưng thật hạnh phúc cho chúng con khi chúng con biết rằng: quê hương thật chúng con ở trên trời. Nơi đó không có nước mắt của oan trái lầm than. Nơi đó chỉ có hạnh phúc trường sinh. Nơi đó Chúa sẽ trả lại công bằng cho những trái ngang của cuộc đời hôm nay. Xin giúp chúng con biết sống cao đẹp trong cuộc đời này để làm chứng về sự sống đời sau.
Lạy Chúa, Chúa đã sống lại, xin Chúa hãy phục sinh tâm hồn chúng con khỏi những đam mê trần thế, và xin giúp chúng con biết đem niềm vui phục sinh của Chúa đến cho mọi người. Amen.