Ama Tây Nguyên - Được xem là loài thú dữ, nhưng cọp không hề nguy hiểm với con người. Người K’ho không sợ cọp, ghét cọp. Họ gọi ‘chúa rừng xanh’ là ‘người bạn ít gặp’
Nhiều thợ săn nổi tiếng người Kơ ho (K’ho) ở khu Phi Liêng, Đèo Chuối trước kia (nay thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) kể rằng: Loài cọp (hổ) rất khôn ngoan có thể đánh hơi và phân biệt được mùi của các loại con thú khác hay người từ xa. Nếu là thú khác bằng mọi cách chúng cũng săn lùng, nhưng cứ nghe hơi người là nó lủi mất.

Nguồn hình: wikipedia
Thủa xưa sống du canh, du cư người K’ho cũng xem cọp là loài thú dữ, nhưng không nguy hiểm đối với con người, nên không ghét cọp mà gọi cọp là ‘người bạn ít gặp’. Cũng vì cọp không ăn thực vật nên chẳng bao giờ vào quậy phá rẫy của nông dân, trái lại khu vực nào có tiếng cọp gầm về đêm thì những loài thú dữ khác như heo, trâu, bò rừng… không dám đến để cắn phá cây lương thực.
Để tìm hiểu kỹ về vấn đề này, mới đây nhân chuyến công tác về huyện Đức Trọng tỉnh Lâm đồng chúng tôi có tiếp xúc với nhiều cụ già người K’ho tuổi trên 80 cả, các già đều nói, trên thực tế, đúng là cọp không hại người. Chuyện cọp tấn công người là vô cùng hiếm! Chúng tôi sống du cư, du canh trong rừng từ nhỏ đến tuổi 50-60 mới ra ngoài chưa bao giờ tận mắt thấy ‘cọp vồ người’ mà chỉ nghe kể, hoặc trong buôn có người nào mất tích thì người ta nghi cho bị ‘cọp vồ’ mà thôi.

Nguồn hình: wikipedia
Già K’Soi, một trong những người già nhất khu vực Đa me xưa (nay là xã N’Thôn Hạ, huyện Đức trọng) quả quyết: Cọp được nhiều dân tộc tôn là ‘chúa rừng xanh’ nhưng bản tính rất nhát. Cũng đôi khi nó mò vào buôn bắt heo, bắt bò nhưng chỉ lén lút vào đêm thật khuya, song nghe có tiếng động lớn như chiêng, trống, thậm trí chỉ là tiếng nồi đồng gõ thúc là nó đã bỏ chạy thục mạng, và lần sau chắc chắn không dám bén mảng đến nữa. Thêm nữa, cọp rất sợ lửa, các thợ săn hay thợ rừng xưa có khi chỉ vài ba người sống lưu cữu trong rừng cả tháng trời. Ban ngày chẳng thấy bóng cọp đâu, nhưng về đêm thỉnh thoảng nghe tiếng cọp đói gầm gần nơi ở. Những lúc ấy chỉ cần đốt lên đống lửa thì tức khắc tiếng cọp sẽ xa dần và tắt lịm, cả tuần sau chẳng còn nghe tiếng gầm nào nữa.

Nguồn hình: wikipedia
Già K’Mân thì kể rành mạch hơn:”Một lần chúng tôi đi đào củ rừng trên đỉnh núi Voi (giờ là thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà), lúc ấy về gần chiều rồi thấy hai con cọp vây đuổi một con nai đang chạy về phía sườn núi. Sợ tốp người cùng đi đã xuống núi sớm nên chúng tôi cất tiếng hú báo động cho họ biết để ẩn nấp chứ không có ý hù doạ cọp. Thật bất ngờ khi nghe tiếng hú, hai con cọp đang đà chạy vòng hướng khác và biến mất vào rừng. Vậy là con nai thoát chết. Từ đó trở đi biết cọp sợ tiếng người nên mỗi khi vào rừng người ta cứ đứng ngoài cất tiếng hú gọi nhau một chặp thì chắc chắn ngày hôm ấy không chỉ riêng cọp mà các loài thú dữ khác (trừ rắn độc) có đi tìm cũng chẳng thấy mặt đâu. Chẳng hiểu cớ sao ‘chúa rừng’ không sợ bất kỳ con gì lại sợ người đến vậy, có lẽ nó biết phân biệt giống người khôn hơn loài cọp.”
Già K’Kia, ngày xưa là một trong những thợ săn nổi tiếng ở khu Phi Liêng (Lâm Hà) xót xa:”Thợ săn người K’ho xưa có lời thề không săn bắn cọp, thứ nhất nó chẳng làm hại gì người, thứ hai là nếu cọp chết hay sợ quá bỏ đi thì trong lãnh địa của chúng sẽ xuất hiện nhiều loài thú phá hoại hoa màu lộng hành. Từ năm 1980 tới nay tiếng cọp gầm vắng dần và đến giờ thì chẳng ai còn nghe tiếng cọp rừng gầm nữa. Cũng chỉ tại người ta đồn cao hổ cốt tốt và da cọp bán có giá. Nhưng thực tế chẳng hiểu tộc người nào săn cọp bán, chứ thợ săn K’ho đã thề rồi thì không bao giờ nuốt lời. Tội nghiệp cho ‘chúa rừng xanh’ quá…

Tranh biếm hoạ của LEO
Nghe kể thôi mà lòng tôi cũng buồn rười rượi!Gửi ý kiến của bạn