Việt Nam không tổ chức Á Vận Hội - ASIAD 18

18 Tháng Tư 20142:00 CH(Xem: 1830)

HÀ NỘI (NV) .- Việt Nam chưa đủ kinh nghiệm và đủ tiền để tổ chức ASIAD (Á vận hội) và vì vậy sẽ xin rút lui khỏi vai trò quốc gia tổ chức ASIAD 18 diễn ra vào năm 2019.

 blank

Sau khi ngốn hàng ngàn tỉ, Cung Điền kinh Hà Nội gần như không hề sử dụng. (Hình: Người Lao Động)

Đó là tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN, sau khi nghe các cơ quan hữu trách trình bày về ASIAD 18. Phân tích của ông Dũng về quyết định xin rút lui, không nhận tổ chức ASIAD 18, có nhiều điểm tương đồng với phản ứng của công chúng, báo giới và nhiều chuyên gia về ASIAD 18.

Đó là việc chuẩn bị cho ASIAD 18 với tư cách quốc gia tổ chức “chưa chặt chẽ”, “chưa có đề án bảo đảm cho việc sẽ tổ chức thành công ASIAD 18”. Việc xin tổ chức ASIAD 18 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đối diện với đủ loại khó khăn do “ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu”, công qũy cần được tập trung để “ưu tiên đầu tư cho nhiều việc cấp thiết khác”.

Mặt khác, “các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy hầu hết nguồn thu không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức không cao”.

Trước đó, trong khi công chúng, báo giới và nhiều chuyên gia đồng loạt phản đối việc nhận tổ chức ASIAD 18 tại Việt Nam, một số bộ, ngành và một số viên chức vẫn tìm đủ cách để thuyết phục chính phủ CSVN tiếp tục thực hiện ý định này.

Chẳng hạn, Bộ Ngoại giao Việt Nam cảnh báo, việc xin rút lui, không đứng ra tổ chức ASIAD 18 có thể dẫn tới việc Việt Nam “phải hầu tòa”, tốn kém về tài chính, mất uy tín, ảnh hưởng danh dự và hình ảnh quốc gia do “bên đăng cai không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng”. Thậm chí bộ này còn nhấn mạnh rằng, “không thể loại trừ khả năng xuất hiện những thông tin xuyên tạc về tình hình kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư”.
 
Bên cạnh đó, một số viên chức phụ trách thể thao tìm mọi cách để thuyết phục rằng, chi phí phát sinh do đăng cai ASIAD 18 “không đáng kể”. Hồi cuối tháng 3, phía ủng hộ việc tổ chức ASIAD 18, bảo rằng, sau khi đã “tính toán cẩn thận”, chi phí cho ASIAD 18 chỉ khoảng 300 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên, ngay sau đó, viên bộ trưởng phụ trách Văn hóa - Thể thao - Du lịch của Việt Nam loan báo, sau khi đã “tính toán cụ thể”, tổng chi phí không quá 150 triệu Mỹ kim.

Chỉ sau mười ngày và hai lần tính toán, một lần là “rất cẩn thận” và một lần “rất cụ thể”, tổng chi phí cho ASIAD 18 đã giảm xuống còn một nửa, từ 300 triệu Mỹ kim chỉ còn 150 triệu Mỹ kim. Nhiều người tin là các tính toán của phía vận động cho việc tiếp tục tổ chức ASIAD 18 là một thứ bẫy, cố tình giảm nhẹ chi phí nhằm đẩy Việt Nam lún sâu hơn vào nợ nần.

Trên thực tế, Nam Hàn loan báo, chi phí cho việc tổ chức ASIAD 17 (cuối 2014) là 1.6 tỷ Mỹ kim. Hồng Kông dự trù chi phí cho việc tổ chức ASIAD 19 (2023) là 1.8 tỷ Mỹ kim. Vậy thì làm sao Việt Nam chỉ cần chi 150 triệu Mỹ kim cho việc đăng cai tổ chức ASIAD 18? 

Chưa kể, theo công chúng, báo giới và nhiều chuyên gia, nếu đúng là chỉ cần chi 150 triệu Mỹ kim cho việc tổ chức ASIAD 18 thì cũng không nên bởi khoản tiền đó có thể dùng vào nhiều việc khác hữu ích hơn. Chẳng hạn làm mới, sửa lại hơn 1.000 cầu treo trên khắp Việt Nam để dân chúng sống ở những vùng hẻo lánh không còn phải uổng mạng.

Hồi đầu tuần này, vừa có thêm 7 đứa trẻ người H’Mong ngụ ở xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã bị nước cuốn khi cùng nhau lội qua sông Nậm Mu để đến trường. Dân chúng trong vùng chỉ cứu được sáu trong bảy đứa trẻ gặp nạn. Đứa trẻ còn lại được xem là đã chết nhưng chưa tìm được xác. Viên chủ tịch xã Ta Gia cho biết, năm nào đoạn sông nơi bảy đứa trẻ bị nước cuốn cũng có tai nạn. Đã có rất nhiều người thiệt mạng khi lội qua sông rồi bị nước cuốn mất tích. Nhà cầm quyền xã đã nhiều lần đề nghị huyện và tỉnh hỗ trợ làm cầu treo để dân chúng đi lại cho an toàn nhưng không được hồi đáp. 
 
Những “cảnh báo” của phía ủng hộ tổ chức thực hiện ASIAD 18 tại Việt Nam về chuyện “bị kiện”, “phải bồi thường”, “mất uy tín” cũng bị một số viên chức ủng hộ quan điểm “không nên đăng cai” vạch trần là “hoang báo”. Ông Nguyễn Hồng Minh, cựu Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao của Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam, khẳng định, Hội đồng Olympics Á châu không có quy định nào về việc xin rút lui, không tổ chức ASIAD sẽ bị kiện.

Năm 1968, Nam Hàn từng nhận đăng cai ASIAD rồi xin rút lui. Cuối cùng, Thái Lan đứng ra làm thay. Nam Hàn hoàn toàn không bị kiện mà chỉ nhận được đề nghị hỗ trợ Thái Lan một số vấn đề như tài chính, công tác tổ chức.

Ông Lê Công Phụng, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, cũng khẳng định, nếu Việt Nam xin rút lui thì chẳng có ảnh hưởng gì lớn đến uy tín. Nếu Việt Nam thấy không thể và xin rút thì các quốc gia châu Á cũng sẽ thông cảm và chấp nhận. (G.Đ)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
HÀ NỘI (NV) - Giới chuyên môn và người dân cho rằng giải thích đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông “uốn lượn” được thiết kế theo nguyên tắc “vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc” là ngụy biện.
Việt Nam, ngành điện lực do nhà nước quản lý, hay nói cách khác là ngành độc quyền của nhà nước, mọi sự biến thiên tăng hay giảm về giá điện đều liên quan đến đời sống của người dân. Trong đợt thu tiền điện trên toàn quốc vừa qua, giá điện đột ngột gia tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí có nhiều gia đình phải trả gấp ba số tiền trước đây mặc dù mức độ sử dụng điện không hề thay đổi.
QUẢNG NGÃI (NV) .- Từ đầu năm đến nay, 34 tàu đánh cá của Việt Nam đã bị tàu tuần Trung Quốc”uy hiếp, tấn công”, trong đó có 23 tàu của tỉnh Quảng Ngãi.
Một nhà sư Khmer Krom cùng tham gia đoàn kiểm tra biên giới cho biết một nhóm bộ đội và một nhóm người Việt mặc thường phục dùng vũ lực ngăn cản không cho họ đến kiểm tra đường biên giới. Sư chia sẽ: “Bộ đội biên phòng khoảng hai chục người, và mấy người mặc đồ thường khoảng từ năm chục đến sáu chục người.
Sài Gòn với một thuở mệnh danh hòn ngọc viễn đông, một thuở mà ông Lý Quang Diệu đã từng mơ một ngày nào đó sẽ biến quốc đảo Singapore thành một Sài Gòn khác. Thế rồi câu chuyện về Sài Gòn hoa lệ cũng nhanh chóng đi vào quá khứ, thay vào đó là một Sài Gòn chằng chịt đường dây điện, nhà cửa chồng chất lên nhau, những con đường kẹt xe luôn cho cảm giác Sài Gòn là một tổ mối quá tải và khi mùa mưa đến
Chưa năm nào giống như năm nay, người Hà Nội phải liên tục chứng kiến hàng loạt tại ương về môi sinh do con người và thiên nhiên gây ra. Trong đó, những tai ương môi sinh do con người chiếm phần lớn, những tai ương do thiên nhiên gây ra vốn không đáng kể nhưng do sự cẩu thả, vô tâm của con người lại hóa thành trầm trọng.
Nguyên thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Việt Nam Trần Quang Cơ vừa qua đời tối hôm thứ Năm 25/6 ở tuổi 89. Lễ tang ông sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, sáng ngày 1/7.
ĐỒNG NAI (NV) - Hàng trăm hecta đất gần khu vực dự kiến xây phi trường Long Thành đã được nhiều chủ đầu tư chuẩn bị sẵn để đợi “sóng” bất động sản. Khảo sát của VNExpress, cách phi trường quốc tế Long Thành từ vài km đến 30km (cây số) có hàng chục doanh nghiệp chạy đua săn cơ hội ở “vùng đất hứa” này.
Người Thượng mình hiện nay ở Thái Lan nếu gom lại thì có khoảng hơn 300 người. Chạy sang đây tỵ nạn vì mình không có tự do tín ngưỡng về tôn giáo, còn về đất đai của mình thì chính quyền họ đã cướp đi. Họ còn đàn áp những người có niềm tin tôn giáo, có người bị bắt bỏ tù và cũng có người đã chết trong tù. -Ông R’Ma B’Lie
Cục trưởng Điện lực thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, định hối lộ công an Việt Nam khi bị bắt, theo truyền thông trong nước. Theo truyền thông Việt Nam, ông này, bị Trung Quốc truy nã về tội nhận hối lộ, đã đề nghị hối lộ hàng tỉ đồng cho công an Việt Nam khi bị bắt.
Bảo Trợ