Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ một tổ chức phi chính phủ và cơ quan truyền thông hải ngoại cho biết hôm qua 15/04/2014, một người Tây Tạng tại Trung Quốc đã tử vong vì tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp của chính quyền Bắc Kinh với người Tây Tạng.
Đài phát thanh Á châu Tự do ( RFA) và tổ chức phi chính phủ Tây Tạng Tự do (Free Tibet), đặt trụ sở tại Luân Đôn, cho biết nạn nhân có tên là Thinley Namgyal, 32 tuổi, người Tây Tạng đã tử vong sau khi tự thiêu hôm qua tại thành phố Kardze thuộc tỉnh Tứ Xuyên, vùng có đông người Tây Tạng sinh sống nằm ở phía tây nam Trung Quốc sát với khu tự trị Tây Tạng.
Cũng giống như những lần trước mỗi khi xảy ra các vụ tự thiêu của người Tây Tạng, chính quyền ngay lập tức phong toả địa phương bằng cách cắt đứt thông tin liên lạc ra bên ngoài. Tuy nhiên, tin tức lọt ra ngoài cho biết nạn nhân là con trai một gia đình du mục người Tây Tạng đang trong quá trình định cư tại địa địa phương.
Cũng trong thành phố Kardze, hồi cuối tháng Ba vừa qua một nữ tu sĩ Tây Tạng đã toan tự thiêu ngay trong một ngôi chùa. Ngày càng có nhiều người Tây Tạng chọn phương cách đấu tranh tuyệt vọng này để phản đối chính quyền thực thi chính sách đàn áp tôn giáo và văn hoá Tây Tạng.
Tính từ năm 2009 tới nay đã có hơn 125 vụ tự thiêu để bày tỏ phản kháng của người Tây Tạng với chính quyền Bắc Kinh. Chỉ riêng trong tháng 3/2014 đã có ba vụ liên tiếp xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên.
Bắc Kinh luôn tố cáo Đức Đạt Lai Lạt Ma kích động, xúi giục người Tây Tạng tự thiêu. Trong khi đó, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đang sống lưu vong tại Ấn Độ thì coi đây là hành động tuyệt vọng mà Ngài hoàn toàn bất lực để ngăn cản. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền kêu gọi Trung Quốc chấm dứt đàn áp người Tây Tạng, tôn trọng những quyền cơ bản.
AFP dẫn nguồn tin của các tổ chức phi chính phủ cho biết, hôm nay 16/4/2014, hàng chục nghìn công nhân của một nhà máy khổng lồ chuyên gia công giầy thể thao tại miền nam Trung Quốc đã đình công. Chính quyền đã phải huy động một lực lượng giữ gìn trật tự lớn đến kiểm soát cuộc đấu tranh của công nhân.
Hơn 30 nghìn công nhân viên của nhà máy Dụ Nguyên đóng tại thành phố Đông Quản, từ tuần trước đã không trở lại làm việc để đấu tranh đòi cải thiện tiền lương, và các điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội.
Tổ chức bảo vệ người lao động China Labor Watch, chuyên theo dõi các phong trào đấu tranh xã hội trong khu vực công nghiệp tại Trung Quốc đã phát đi một loạt hình ảnh cho thấy chính quyền đã cho triển khai hàng trăm cảnh sát xung quanh nhà máy, trong số đó nhiều người được vũ trang thiết bị chống bạo động và chó nghiệp vụ cũng được huy động.
Theo China Labor Watch, cảnh đã đánh đập và câu lưu nhiều công nhân từ đầu cuộc đình công đến nay. Dụ Nguyên, là một nhà máy hàng đầu thế giới sản xuất giầy thể thao, chuyên gia công cho các nhãn mác lớn như Nike, Adidas, Puma ...
Đại diện một hiệp hội bảo vệ quyền của người lao động tại Thẩm Quyến cho biết các công nhân của nhà máy này sẽ còn tiếp tục đình công và số lượng người tham gia sẽ còn tăng thêm đến 40 nghìn người trong những ngày tới. Yêu sách của người biểu tình đơn giản chỉ là đòi các khoản lương nhà máy còn nợ họ và đòi chủ xí nghiệp tăng các đóng góp bảo hiểm xã hội cho công nhân.
Một người đình công giấu tên cho AFP biết, ban lãnh đạo công ty cam kết sẽ hoản lại khoản chậm lương từ nay đến năm 2015, nhưng phía công nhân đã bác bỏ.
Tỉnh Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc vẫn mệnh danh là công xưởng của thế giới vì đây là nơi tập trung rất đông các nhà máy gia công hàng hoá nhằm phục vụ xuất khẩu. Vì không có các công đoàn độc lập nên công nhân tại các nhà máy thường xuyên bị chủ lợi dụng bóc lột.