Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung từng tu nghiệp công nghệ thông tin tại Pháp.
BBC - Một nhà bất đồng chính kiến và tù nhân chính trị trẻ tuổi của Việt Nam, Thạc sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung đã được thả tự do sau gần 5 năm bị tù giam và đã về tới nhà riêng ở Sài Gòn hôm 12/4/2014.
Hôm thứ Bảy, Tiến Trung nói với BBC anh nhân được quyết định thả tự do bất ngờ trong khi đang đi lao động và cho hay anh đã phải ký một số giấy tờ cam kết trước khi về đoàn tụ với gia đình.
Nhà hoạt động cho biết đầu tháng này, anh đã được ban Giám đốc Trại giam cho biết anh có thể được cứu xét đặc xá trong đợt 30/4 năm nay, nhưng không ngờ đã được ra tù nhanh trước kỳ hạn đó.
Thạc sỹ cho hay trong thời gian ở tù, anh được đối xử 'tốt', tuy bị giam giữ 'cách ly tuyệt đối'.
Tiến Trung nói với BBC hiện tại anh cần thời gian để nắm bắt tình hình trước khi ra quyết định sẽ làm gì trong thời gian tới đây, nhưng không ngoại trừ anh có thể cứu xét việc nhận lời mời đi tu nghiệp ở nước ngoài để nâng cao trình độ, nếu có cơ hội.
Mở bằng chương trình nghe nhìn khác
Nhà hoạt động vì dân chủ nói anh rất mừng được đoàn tụ cùng gia đình, nhưng cũng mong muốn và hy vọng những người tù khác như Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần, Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải v.v... cũng sớm được trao trả tự do.
Trước đó bà Lê Thị Minh Tâm cũng nói với BBC con trai của bà đã được chính quyền trao quyết định thả tự do vào đầu giờ sáng thứ Bảy và đã về tới nhà, mà gia đình không hề được biết trước vào lúc 10h kém năm phút cùng ngày.
Bà Tâm nói: "Khi mà Trung về chúng tôi rất là mừng bởi vì chúng tôi rất bất ngờ, bất ngờ ghê gớm lắm vì không có một thông tin nào cả,
"Thậm chí như Trung, sáng nay là Trung cũng không biết luôn, Trung vẫn đi lao động bình thường, thế rồi giữa chừng cán bộ mới gọi vào mới trao quyết định,
"Người ta đưa Trung về phường, bàn giao cho phường, xong rồi Trung tự thuê xe ôm về nhà, thế thì khi Trung về tới cổng nhà, Trung nhòm vô, thì trong nhà mới nhìn thấy là mừng vô cùng vì không tin vào mắt mình nữa."
"Tình hình VN bây giờ cũng có thay đổi... cụ thể là anh Cù Huy Hà Vũ cũng đã được ra rồi, được đi Mỹ rồi. Và một số những trường hợp khác và một số thông tin ở trên thông tin đại chúng, tôi thấy cũng cởi mở hơn, cho nên với sự đấu tranh của đồng bào trong nước, cũng như ngoài nước, thì tôi thấy tình hình cũng có thay đổi và tôi nghĩ... đó là một trong các nguyên nhân mà Trung được về"
Bà Lê Thị Minh Tâm (mẹ Tiến Trung)
Về sức khỏe của con trai mình, bà Tâm cho biết thêm chi tiết:
"Sức khỏe thì Trung vẫn khỏe thế nhưng mà trong một số vấn đề cơ bản của sức khỏe thì rồi từ từ sẽ đi khám bệnh cho Trung để xem tình hình cụ thể như thế nào."
Hôm thứ Bảy, ông Nguyễn Tự Tu, cha của Nguyễn Tiến Trung cũng nói với BBC Tiến Trung có sức khỏe tốt 'vì ở trong trại giam vẫn thường xuyên lao động và tập thể dục."
Khi được hỏi về lý do vì sao con trai của mình được trao trả tự do, bà Tâm, mẹ Tiến Trung, nói:
"Tôi cũng không biết rõ chính xác như thế nào, nhưng thực ra tình hình Việt Nam bây giờ cũng có thay đổi, tôi cũng thấy rõ ràng là như vậy, cụ thể là anh Cù Huy Hà Vũ cũng đã được ra rồi, được đi Mỹ rồi,
"Và một số những trường hợp khác và một số thông tin ở trên thông tin đại chúng tôi thấy cũng cởi mở hơn, cho nên với sự đấu tranh của đồng bào trong nước, cũng như ngoài nước, thì tôi thấy tình hình cũng có thay đổi và tôi nghĩ Trung về, thì đó là một trong các nguyên nhân mà Trung được về."
Ba trong số bốn bị cáo trong vụ án Lê Công Định tới nay đã được trả tự do.
Thạc sỹ Tiến Trung, sinh năm 1983, bị bị chính quyền Việt Nam bắt giữ ngày 07/7/2009 với tội danh bị cáo buộc là "hoạt động chống chính quyền nhân dân" và qua ba lần được giảm án, mỗi lần sáu tháng, đã ngồi tù tổng cộng 4 năm 9 tháng 5 ngày, theo gia đình.
Mẹ của Tiến Trung cho hay hôm 2/4 vừa qua, gia đình đã vào thăm nuôi lần cuối cùng, nhưng tuyệt nhiên không được ai thông báo con trai có thể được ra tù đợt này.
Tiến Trung là người thứ ba trong cùng vụ án với Luật sư Lê Công Định đã được trao trả tự do, trong đó người được ra tù đầu tiên là ông Lê Thăng Long, tiếp theo là ông Lê Công Định.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức hiện vẫn chưa được trao trả tự do.
Ngày 20/01/2010, Thạc sỹ Tiến Trung đã bị tuyên án bảy năm tù và ba năm quản thúc với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", vi phạm khoản 1 điều 79 bộ Luật Hình sự Việt Nam. Những bị cáo khác trong buổi xét xử cũng bị tuyên án tù giam từ 5 đến 16 năm tù.
Bà Tâm cho hay sau khi hai ông Lê Thăng Long và Lê Công Định ra tù, gia đình bà đã tiếp cận các ông để hỏi thăm về tình hình của Tiến Trung, bà cho hay các ông Long và Định đều chia sẻ hy vọng mong Tiến Trung sẽ sớm được đoàn tụ với gia đình.
Cùng hôm thứ Bảy, một tù nhân chính trị khác, ông Vi Đức Hồi cũng đã được trao trả tự do và đã về đoàn tụ với gia đình.
Nhà cầm quyền cấm xuất cảnh và câu lưu phóng viên Anna Huyền Trang, VRNs
VRNs (14.04.2014) – Sài Gòn – An ninh cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã chặn, cấm xuất cảnh và câu lưu phóng viên Anna Huyền Trang của Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam, lúc 21:30, ngày 13.04.2014.
Những viên an ninh làm việc đã cấm xuất cảnh và đòi thu hộ chiếu, nhưng không đưa ra được văn bản có hiệu lực nào cho biết nhà hữu trách cấm phóng viên Huyền Trang xuất cảnh và bị tịch thu hộ chiếu.
Phản ứng với việc làm sai luật này, phóng viên Huyền Trang đã không chấp nhận biên bản, và đòi các nhân viên thừa hành phải trưng ra văn bản cấm xuất cảnh. Lúc ấy họ bảo Huyền Trang liên lạc với công an thành phố. Cô Trang không đồng ý, vì đó là trách nhiệm nội bộ của họ. Họ đã liên lạc một thời gian dài.
Sau đó, họ bắt giam cô Trang vào một căn phòng khác, có hai nữ an ninh canh. Đến lúc 23:30, ba nam an ninh đã vào đánh, kẹp cổ phóng viên Huyền Trang, và lôi ra ngoài trước sự chứng kiến của rất đông dân chúng,và bạn hữu của phóng viên này.
Như vậy, không hề có biên bản và quyết định hay bất kỳ văn bản hợp luật nào đã được thực hiện trong việc cấm xuất cảnh và thu hộ chiếu của phóng viên Huyền Trang. Hành động này đi ngược lại với quyền tự do đi lại của công dân đã được Hiến định.
Đây là việc làm đã diễn ra thường xuyên, gần đây, đối với một nước là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đang vận động 11 nước khác chấp nhật thông qua thỏa thuận để trở thành thành viên chính thức của Hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhân đây, chúng tôi xin gởi đến quý vị một chút chia sẻ của Huyền Trang về lý do “Tại sao tôi lại chọn con đường hoạt động truyền thông”
PV. VRNs
—
Mục đích tôi làm truyền thông để loan báo Tin mừng và dấn thân cho người nghèo, người bị bỏ rơi, người không có tiếng nói… vì tôi là một người Kitô hữu, con cái của Chúa.
Tôi tham gia các hoạt động truyền thông vào cuối năm 2011. Trong những năm đầu, tôi còn bỡ ngỡ, chưa có khái niệm thế nào là dân oan, tù nhân lương tâm chính trị, chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa – Trường Sa của VN… Lúc đó, đối với tôi đất nước VN chỉ có một đảng cs và ông Hồ.
Sau những trải nghiệm trong các chuyến tác nghiệp của VRNs cùng với niềm tin tưởng của các Cha trong Ban quản trị VRNs, các ngài đã giao cho tôi phụ trách chương trình VNTQ, là một chương trình chuyên bình luận về các sự kiện VN. Từ đó, tôi đã tiếp cận được nhiều nguồn thông tin trái chiều khác nhau, tiếp xúc được nhiều người yêu chuộng Công lý và Hòa Bình trong cũng như ngoài nước. Đặc biệt, tôi có nhiều cơ hội trò chuyện và lắng nghe những nỗi oan khuất của những người nghèo bị bỏ rơi và không có tiếng nói như Dân oan, thân nhân gia đình và các tù nhân lương tâm,… Hoặc cảm nghiệm được sự ý chí, tính khí phách kiên cường của các cựu tù nhân lương tâm mà tôi may mắn có dịp tiếp xúc. Nơi những con người ấy, tôi cảm nghiệm được nguồn sức sống mới trong sự khốn cùng và bĩ cực của chính cuộc sống của họ. Điều này, đã đánh động, thúc đẩy tôi chọn người nghèo, tù nhân lương tâm, dân oan… trong hành trình Đức tin của tôi, để sẵn sàng và khiêm nhường đón nhận Chúa trong thử thách mới.
Tôi thiết nghĩ, những gì tôi đã nói ở trên mang tính lý luận vả cảm tính của con người, không mang lại nguồn sức mạnh nội tâm cho tôi dấn thân trên con đường dài. Nỗi lo sợ bị trả thù, bị đánh đập, sách nhiễu, bỏ tù vẫn đeo bám tôi mỗi ngày. Nhưng sau biến cố, tôi bị câu lưu trong thời gian ngắn ngủi hồi cuối tháng 10.2012, tại phường Cầu Kho – Q1- Sài Gòn, tôi thực sự được biến đổi vì chính Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria đã cứu thoát tôi khỏi sự dữ. Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã ở bên tôi.
Ngay sau đó, tôi được một người bạn tặng cho tôi cuốn sách “Đường Hy Vọng” của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Một vị Hồng y bị nhà cầm quyền cs biệt giam trong suốt 13 năm trời không thông qua một phiên tòa xét xử và sau khi ra khỏi nhà tù, ngài đã bị trục xuất ra khỏi đất nước VN. Trong suốt thời gian bị biệt giam, ngài đã sống trọn con đường mới Chúa trao và ngài đã làm con đường ấy tràn đầy hy vọng, đầy sự yêu thương nơi ngục tù tưởng như vô vọng. Chính năm tháng đó, ngài đã biến đổi được nhiều loại người và giúp họ nhận biết Chúa. Ngài mất vào ngày 16.09.2002. Và, hiện nay, ngài đang trong quá trình được phong thánh.
Đó là nguồn nội lực thôi thúc tôi dấn thân trong sứ mạng truyền thông cho người nghèo, những người bị gạt ra bên lề xã hội và không có tiếng nói.
i.
Huyền Trang, VRNs