Hải Phòng phạt 2 tiệm trương bảng chữ Trung Quốc - Irvine bỏ phiếu 3-2, không kết nghĩa với Nha Trang

10 Tháng Tư 20142:00 CH(Xem: 1904)

HẢI PHÒNG (NV) Sau Đà Nẵng, các nhà lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã mở cuộc bố ráp các cơ sở thương mại, đặc biệt là các tiệm massage, nhà hàng... treo bảng hiệu viết bằng chữ Trung Quốc.

Theo báo Dân Trí, đây là sự kiện tiếp theo sau việc thành lập khẩn cấp một đoàn thanh tra các cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ tại thành phố này. Đoàn thanh tra có mặt tại đường Văn Cao đã lập biên bản phạt cơ sở trương bảng hiệu massage chân và một nhà hàng treo bảng hiệu viết chữ Trung Quốc lớn hơn chữ Việt Nam hoặc không có chữ Việt. Chủ hai cơ sở này bị phạt 15 triệu đồng, tương đương 750 đô la, đồng thời còn bị buộc phải tháo dỡ bảng hiệu chữ Hoa trong vòng 5 ngày.

 

blank

Cơ sở thương mại ở Đà Nẵng treo bảng hiệu Trung Quốc. (Hình: báo Dân Trí)

 

Cũng tại đường Văn Cao, đoàn thanh tra của Sở Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch thành phố Hải Phòng cũng đã cảnh cáo 10 cơ sở thương mại khác treo bảng hiệu viết bằng chữ Hoa không đúng qui định. Tất cả các cơ sở này đều bị buộc phải tháo dỡ bảng hiệu và sửa chữa cho đúng trong vòng một tuần lễ.

Báo Dân Trí dẫn lời một số người dân cho rằng, vẫn còn nhiều con đường khác khắp thành phố Hải Phòng treo bảng hiệu chỉ bằng chữ Trung Quốc hoặc chữ Trung Quốc lớn hơn chữ Việt Nam chưa bị “hỏi thăm sức khỏe.” Bà Nguyễn Thị Tuyết, ngụ tại đường Nguyễn Tường Loan, quận Lê Chân ủng hộ việc làm của đoàn thanh tra nói trên mặc dù khá muộn, cho rằng nhìn bảng hiệu ghi toàn chữ Trung Quốc thì không người Việt Nam nào đoán được họ bán thứ gì bên trong.

Trước đó, hôm 3 tháng 4, 2014, chính quyền quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà đã tổng thanh tra 35 cơ sở thương mại treo bảng hiệu tiếng Trung Quốc tại thành phố Đà Nẵng. Một khách sạn Mường Thanh ở đường Ngô Quyền, Đà Nẵng được lệnh phải gỡ biểu ngữ viết bằng chữ Trung Quốc treo ở tiền sảnh.

Tình trạng này tràn lan đến nỗi người lãnh đạo cao nhất thành phố Đà Nẵng đã phải lập tức ra lệnh thuộc cấp “làm ngay, không để nó nguội.” Sau lệnh này, các đơn vị thẩm quyền của Đà Nẵng đã xuống đường buộc các chủ cửa hàng tháo dỡ bảng hiệu chỉ viết bằng chữ Trung Quốc hoặc chữ Trung Quốc lớn hơn chữ Việt.(PL)



Irvine bỏ phiếu 3-2, không kết nghĩa với Nha Trang

Đỗ Dzũng/Người Việt


IRVINE, California (NV)
 - Hội Đồng Thành Phố Irvine vừa bỏ phiếu 3-2 hủy bỏ đề nghị 5.1 của Nghị Viên Larry Agran muốn kết nghĩa với ba thành phố, trong đó có Nha Trang, trong một buổi họp đầy kịch tính kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ chiều Thứ Ba, 8 Tháng Tư, với gần 100 người phát biểu, đa số là người Việt Nam ở Little Saigon, chống lại chuyện kết nghĩa với thành phố ở Việt Nam, vì họ cho rằng chính quyền các cấp ở đó chưa tôn trọng nhân quyền, tự do ngôn luận, và tự do tôn giáo.

 

blank

Đông đảo đồng hương Việt Nam có mặt tại tòa thị chính Irvine phản đối kết nghĩa với Nha Trang. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

 

Cuộc biểu tình phản đối đề nghị này đã được cư dân Việt Nam vùng Little Saigon chuẩn bị trong nhiều ngày, với nhiều cơ quan truyền thông đưa tin liên tục, cập nhật, tạo một không khí vô cùng sôi nổi.

Đúng 2 giờ chiều Thứ Ba, đông đảo đồng hương có mặt tại sân Hội Đền Hùng Hải Ngoại, Westminster. Sau nghi thức xuất phát đơn giản nhưng trịnh trọng, mọi người lên đầy hai chuyến xe buýt trực chỉ Irvine.

Sau đó, hai chuyến xe buýt này trở lại và chở tiếp người xuống Hội Đồng Thành Phố.

Tại lễ xuất phát, Hòa Thượng Thích Minh Nguyện, đại diện Hội Đồng Liên Tôn, đọc lời cầu nguyện: “Chúng ta đến đây hôm nay để thay mặt đồng hương nói lên tiếng nói chân chính. Xin cầu nguyện cho chế độ độc tài Việt Nam sớm chấm dứt để mọi người có nhân quyền, có tự do, và có tự do tôn giáo.”

 

Biểu tình

Tại tòa thị chính Irvine, hàng đoàn người Việt Nam cầm cờ Việt và Mỹ có mặt khắp nơi dưới hàng cây mát.

Nhiều người khác phải đậu xe ở xa, cầm cờ và biểu ngữ băng qua đường để vào sân phía trước tòa thị chính.

Các biểu ngữ có hàng chữ “Vietnamese Communists are not our friends,” “No human rights in Vietnam, no friendship with Nha Trang,” “Nha Trang needs real freedom, not friendship,” “Stop bringing shame to Irvine, Councilman Agran!” và “Communists are not our friends”...

Dù Hội Đồng Thành Phố bắt đầu họp lúc 5 giờ chiều, bắt đầu từ 3 giờ, đông đảo đồng hương cầm cờ và biểu ngữ đi vòng quanh trong sân phía trước tòa thị chính, hô to các khẩu hiệu, chống sự kết nghĩa giữa hai thành phố Irvine và Nha Trang, do Nghị Viên Larry Agran đề nghị.

Một người cầm loa hô lớn: “No Irvine - Nha Trang.” Những người khác đáp lại: “No, no, no.”

Một người khác lại hô lớn: “Human rights!” Mọi người đáp lại “For Vietnam!”

Tất cả mọi người biểu tình trong ôn hòa, nhưng rất mãnh liệt.

 

blank

Mọi người cùng đi tuần hành hô to khẩu hiệu cổ vũ nhân quyền cho Việt Nam. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

 

Trong khi đó, mặc dù trời nóng tới 90 độ F, nhiều người Việt Nam vẫn tiếp tục đổ về trung tâm hành chánh Irvine, nơi tòa thị chính tọa lạc.

Tại bãi đậu xe, bốn chiếc xe jeep trang trí theo xe của QLVNCH, với cờ Việt Nam và cờ Mỹ bay phất phới, đậu thành một hàng, làm cho không khí cuộc biểu tình càng sôi nổi.

Trong khi đó, hàng chục cảnh sát viên Irvine giúp giữ trật tự giao thông.

Ngoài nước uống do ban tổ chức cung cấp, thành phố cũng cung cấp nước uống cho người biểu tình.

Một số cảnh sát đứng phát nước uống cho người tham dự tuần hành.

Một cảnh sát viên gốc Việt, không muốn nêu tên, nói với phóng viên nhật báo Người Việt rằng: “Trong nhiều năm làm việc tại đây, tôi chưa bao giờ thấy nhiều đồng hương đến như vậy. Chưa bao giờ tôi có dịp nói tiếng Việt nhiều như hôm nay.”

Ông Bùi Đẹp, trung tâm trưởng Trung Tâm Tây Nam Tập Thể Chiến Sĩ VNCH, bận rộn với việc gắn biểu ngữ, cho biết: “Tôi đến đây hôm nay để phản đối đề nghị kết nghĩa Irvine và Nha Trang. Orange County và California là nơi có cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản lớn nhất. Vì thế, chúng tôi chống lại chuyện cộng sản xâm nhập qua hình thức kết nghĩa.”

“Tôi không biết ông Larry Agran mang lại cái gì cho thành phố này, nhưng người Việt mình không chấp nhận cộng sản,” ông Đẹp nói tiếp.

Luật Sư Nguyễn Anh Tuấn, thư ký Hội Đồng Quản Trị đài truyền hình SBTN ở Garden Grove, cũng có mặt tham dự biểu tình.

Ông nói: “Mặc dù Irvine chỉ có 8,000 cư dân gốc Việt, nhưng có đại học UCI có nhiều sinh viên Việt Nam theo học, cộng với nhiều hãng xưởng có công nhân Việt Nam làm việc. Thành ra, cộng sản định chọn Irvine, mà nơi đây lại là sân nhà của chúng ta. Thành ra, chúng ta phải chống chuyện này, một chuyện lại xảy ra vào Tháng Tư Đen.”

Bác Sĩ Võ Đình Hữu, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại Hoa Kỳ, nói: “Hôm nay là ngày biểu lộ sức mạnh của cộng đồng Việt Nam. Chúng ta phải đánh đổ cái này (kết nghĩa), nếu không, cộng sản sẽ treo cờ đỏ sao vàng ở đây. Tôi thấy ngày hôm nay là ngày đi làm mà nhiều đồng hương khắp nơi về đây. Điều này cho thấy cộng đồng chúng ta không chấp nhận chế độ cộng sản và cũng để các thành phố khác, trong tương lai, không làm như vậy nữa.”

Ông Lê Phương, cư dân Hawaiian Gardens, chia sẻ lý do tại sao có mặt tại Irvine.

“Một thành phố trong một quốc gia dân chủ mà lại đi kết nghĩa với một thành phố trong một quốc gia độc tài, đó là điều tôi không chấp nhận,” ông Phương khẳng định.

Bà April Nguyễn, cư dân Irvine, cho biết: “Chúng tôi ghét Việt Cộng, chúng tôi ghét cộng sản. Họ nói là họ nói, nhưng thật sự không phải như vậy.”

“Tôi chống cộng sản 100%, ở đâu có cộng sản ở đó không có tự do, dân chủ và nhân quyền,” bà Ngân Nguyễn, cư dân Garden Grove, nói. “Mặc dù nhà tôi đang có tang, tôi cũng phải đến đây hôm nay.”

 

blank

Phòng họp Hội Đồng Thành Phố Irvine chật kín người. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

 


Họp Hội Đồng Thành Phố

Đúng 5 giờ, Thị Trưởng Steven Choi khai mạc cuộc họp Hội Đồng Thành Phố Irvine.

Theo trong nghị trình cuộc họp, đề nghị kết nghĩa giữa Irvine và Nha Trang, Baoji và Karachi mang số 5.1.

Tuy nhiên, Thị Trưởng Choi quyết định cho thảo luận vấn đề này trước, vì số người phát biểu lên đến hơn 100 người, trong đó gần 20 người là dân cử, cần nói trước để về họp tại các địa phương của họ.

Thư ký của thành phố có nói rằng, tên Nha Trang đã được Nghị Viên Larry Agran đề nghị lấy ra.

Tuy nhiên, vị thị trưởng nói rằng, “nếu muốn lấy ra thì phải bỏ phiếu.”

“Quan trọng hơn nữa, hôm nay tôi thấy xe buýt chở rất nhiều người đến đây. Đây là một hiện tượng chưa bao giờ xảy ra. Chúng ta phải để mọi người thực hiện quyền tự do phát biểu,” Thị Trưởng Steven Choi nói.

Trong khi đó, phòng họp không còn một chỗ trống, cả hai hàng ghế, và cả khoảng trống phía sau.

Nhân viên thành phố phải đóng cửa phòng họp từ rất sớm và đặt thêm hàng trăm ghế bên ngoài để mọi người có thể theo dõi qua màn hình TV.

Tuy vậy, số người đứng bên ngoài phòng họp vẫn đông, làm nhân viên phải lấy dây giăng lại, không cho ai vào thêm nữa.

Bên ngoài tòa thị chính, hàng trăm người cầm cờ và biểu ngữ ngồi tại sân, kiên nhẫn nghe diễn tiến buổi họp qua hai cái loa lớn.

Bên trong phòng họp, Giám Sát Viên Janet Nguyễn là người đầu tiên được phát biểu.

“Tôi trân trọng kêu gọi quý vị không ủng hộ đề nghị này. Nha Trang có quá nhiều tình trạng tồi tệ về nhân quyền, buôn bán phụ nữ, đàn áp blogger. Tôi vô cùng thất vọng. Đây là một sự vi phạm trực tiếp vào cộng đồng Việt Nam, đồng thời vi phạm giá trị đạo đức của Hoa Kỳ,” Giám Sát Viên Janet Nguyễn nói.

“Ông không cảm thấy xấu hổ à, Nghị Viên Larry Agran?” Vị nữ dân cử gốc Việt nói và chỉ tay vào mặt người đề nghị kết nghĩa giữa Irvine và Nha Trang.

“Đề nghị không những liên quan đến người Việt Nam, mà còn liên quan đến người Mỹ,” Thượng Nghị Sĩ Lou Correa phát biểu. “Hãy nhìn lá cờ vàng kia. Hãy nhớ Sài Gòn thất thủ cách đây gần 40 năm. Hãy nhớ 58,000 người Mỹ và hàng triệu người Việt Nam thiệt mạng trong chiến tranh. Tôi xin mời tất cả quý vị đến dự lễ tưởng niệm Tháng Tư Đen tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở Westminster năm nay, để quý vị hiểu thêm.”

Đứng cạnh hai nghị viên Diana Carey và Sergio Contreras, Thị Trưởng Trí Tạ của Westminster, nói: “Chúng tôi mạnh mẽ phản đối đề nghị này. Cho đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn còn vi phạm nhân quyền, và người Việt hải ngoại vẫn còn đấu tranh cho đất nước của họ. Quý vị phải hiểu vấn đề này.”

Sau đó, ông mời tất cả cư dân Irvine ngồi trong phòng họp cùng đứng lên bày tỏ sự phản đối đề nghị của Nghị Viên Agran.

“Sau khi biết đề nghị, chúng tôi đã lập ra một trang mạng để lấy chữ ký phản đối. Chỉ từ hôm Thứ Bảy tới nay, chúng tôi đã có được 3,000 thỉnh nguyện thư,” ông Tyler Diệp, ủy viên Đặc Khu Vệ Sinh Midway City, nói. “Tôi biết Nghị Viên Larry Agran muốn rút đề nghị này lại hôm Thứ Hai, nhưng tôi vẫn đến hôm nay, để gởi một thông điệp, đừng kết nghĩa với Nha Trang khi Việt Nam chưa có nhân quyền.”

 

blank

Người biểu tình băng qua đường đi vào tòa thị chính Irvine. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

 

Sau đó, ông đưa cho thư ký thành phố 3,000 thỉnh nguyện thư chống đối việc kết nghĩa.

Kế đến là phần phát biểu của Phó Thị Trưởng Garden Grove Dina Nguyễn, Thị Trưởng Fountain Valley Michael Võ, cựu Dân Biểu Trần Thái Văn, Bác Sĩ Võ Đình Hữu, đại diện của Dân Biểu Don Wagner, Giám Sát Viên Orange County Todd Spitzer, cựu Ủy Viên Quy Hoạch Garden Grove Phát Bùi, Ủy Viên Học Khu Garden Grove Nguyễn Quốc Lân, Nghị Viên Huntington Beach Joe Carchio, và nhiều người khác, tất cả đều phản đối đề nghị của ông Larry Agran.

Sau khi các vị dân cử ra về, Thị Trưởng Steven Choi tạm ngưng thảo luận về đề nghị 5.1, để Hội Đồng Thành Phố giải quyết một số việc.

Đến 7 giờ, vị thị trưởng trở lại với đề nghị của Nghị Viên Larry Agran.

Trong lá thư đề ngày 1 Tháng Tư, Nghị Viên Larry Agran yêu cầu bỏ chuyện kết nghĩa này vào nghị trình cuộc họp vào ngày 8 Tháng Tư để Hội Đồng Thành Phố và nhân viên thảo luận.

Ngoài Nha Trang, Irvine cũng muốn kết nghĩa với hai thành phố Baoji của Trung Quốc và Karachi của Pakistan.

“Hy vọng của tôi là sự kết nghĩa với ba thành phố này sẽ được Hội Đồng Thành Phố chuẩn thuận và ký Hiệp Ước Kết Nghĩa, và đây chỉ là đợt đầu tiên cho nhiều hiệp ước kết nghĩa với các thành phố khác sau này,” Nghị Viên Larry Agran viết. “Là một cộng đồng 'giao điểm quốc tế,' việc kết nghĩa sẽ là một tấm thảm nhiều màu sắc văn hóa làm cho Irvine trở thành một thành phố đa dạng đặc biệt.”

Trước buổi họp một ngày, Nghị Viên Larry Agran gởi thư cho thị trưởng và các đồng viện của mình xin rút lại ý định này.

Trở lại buổi họp hôm Thứ Ba, Thị Trưởng Steven Choi cho cuộc họp tiếp tục.

“Chúng ta còn khoảng 80 người nữa muốn phát biểu về đề tài này. Tôi sẽ kêu tên từng người,” ông Steven Choi tuyên bố.

Quan điểm của các thành viên Hội Đồng Thành Phố

Nghị Viên Larry Agran phát biểu: “Tôi từng về Việt Nam và từng giúp một số người sang đây. Tôi cũng đã thấy những gì xảy ra tại Việt Nam. Tôi có gặp một số người Việt Nam ở đây, và nghĩ rằng, kết nghĩa với Nha Trang là điều nên làm. Không ngờ, hôm nay, tôi bị nhiều người chỉ trích.”

Trong số những người phát biểu, hầu hết đều phản đối kết nghĩa với cả ba thành phố, nhưng nhiều nhất vẫn là đồng hương Việt Nam phản đối Irvine kết nghĩa với Nha Trang.

Đến 9 giờ tối, mặc dù xe buýt đã ra về, nhiều người vẫn ở lại phát biểu chống đề nghị kết nghĩa cho đến phút chót.

Trong phần kết, Phó Thị Trưởng Jeff Lalloway nói: “Tôi nghĩ chúng ta không thể kết nghĩa với Nha Trang cho tới khi nào Việt Nam có nhân quyền. Tôi nghĩ đề nghị của Nghị Viên Larry Agran là không nên. Tôi ước gì ông có thể nói lời xin lỗi hôm nay.”

Nghị Viên Christina Shea nói: “Chúng ta nên tôn trọng cộng đồng Việt Nam và phải hiểu những gì xảy ra đối với họ liên quan đến nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Tôi không đồng ý với đề nghị này. Tôi đề nghị chúng ta phải bỏ 5.1 vì không thể kết nghĩa với Nha Trang.”

Nghị Viên Beth Krom phát biểu: “Buổi họp tối nay hào hứng, nhưng cũng 'nóng bỏng.' Tôi cũng cảm thấy khó chịu với đề nghị của Nghị Viên Agran, nhưng tôi không đồng ý với một số người lợi dụng chuyện này để có lợi cá nhân. Khi Nghị Viên Agran muốn rút đề nghị này ra, tại sao chúng ta không để ông rút, mà lại để nhiều người đến phát biểu như hôm nay. Tôi thấy có một số người dùng lời lẽ mang tính tấn công ông. Hơn nữa, tôi nghĩ một số người đã lợi dụng chuyện này để gây chia rẽ trong một thành phố đang sống hòa thuận. Tôi không hài lòng chuyện này.”

 

blank

Những người tị nạn Cộng Sản Việt Nam chuẩn bị đi tuần hành. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

 

Thị Trưởng Steven Choi nói: “Cái này giống như giội gáo nước lạnh vào mặt ai đó! Sau khi nghe Nghị Viên Krom nói, tôi có cảm tưởng như bà tìm cách bênh vực cho Nghị Viên Larry Agran. Thành phố chúng ta tối nay phải trải qua một ngày mệt nhọc, nhưng tôi rất hài lòng, và cảm ơn tất cả mọi người đến tham dự.”

Nghị Viên Larry Agran phát biểu: “Tôi sẽ bỏ phiếu chống lại chuyện hủy bỏ đề nghị 5.1, vì như vậy sẽ chấm dứt hy vọng kết nghĩa với Baoji và Karachi. Trong buổi gặp tổng lãnh sự Việt Nam, có sự hiện diện của Thị Trưởng Choi nữa. Nhưng lúc đó, tôi không nói rõ sẽ kết nghĩa với thành phố nào. Chỉ sau này, họ mới đề nghị là Nha Trang.”

“Tôi đã nghe tất cả, tôi chấp nhận. Nhưng tôi đã muốn rút Nha Trang ra, và vẫn muốn kết nghĩa với hai thành phố kia. Tôi cũng muốn cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, và tôi đã biết thêm một số điều,” Nghị Viên Agran nói. “Tôi nhớ Thượng Nghị Sĩ John McCain, từng bị tù và tra tấn tại Việt Nam, nhưng ông đã trở lại đất nước đó, và hai quốc gia đã bình thường hóa quan hệ. Như vậy có phải ông McCain bị lừa?”

Nghị Viên Christina Shea bất ngờ nói: “Nghị Viên Agran, bộ ông ngồi đây lợi dụng thời gian và cứ nói hoài hả?”

Một số người trong phòng họp vỗ tay.

Nghị Viên Larry Agran sau đó xin hoàn tất phát biểu của mình, như bị Thị Trưởng Choi từ chối.

Ông gõ búa xuống bàn và nói: “Tôi là chủ tọa buổi họp. Ông phải tôn trọng.”

Một số người vỗ tay nữa.

Trước khi bỏ phiếu, Thị Trưởng Steven Choi nói một cách mỉa mai với Nghị Viên Larry Agran: “Ông muốn làm bạn với một nơi vi phạm nhân quyền để giúp họ cải thiện nhân quyền? Tôi không nghĩ ông làm được đâu, Nghị Viên Agran!”

Kết quả bỏ phiếu, Thị Trưởng Choi, Phó Thị Trưởng Lalloway, và Nghị Viên Shea đồng ý hủy bỏ đề nghị 5.1, trong khi Nghị Viên Krom và Nghị Viên Agran bỏ phiếu chống.

 

––
Liên lạc tác giả: DoDzung@nguoi-viet.com


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
HÀ NỘI (NV) - Giới chuyên môn và người dân cho rằng giải thích đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông “uốn lượn” được thiết kế theo nguyên tắc “vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc” là ngụy biện.
Việt Nam, ngành điện lực do nhà nước quản lý, hay nói cách khác là ngành độc quyền của nhà nước, mọi sự biến thiên tăng hay giảm về giá điện đều liên quan đến đời sống của người dân. Trong đợt thu tiền điện trên toàn quốc vừa qua, giá điện đột ngột gia tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí có nhiều gia đình phải trả gấp ba số tiền trước đây mặc dù mức độ sử dụng điện không hề thay đổi.
QUẢNG NGÃI (NV) .- Từ đầu năm đến nay, 34 tàu đánh cá của Việt Nam đã bị tàu tuần Trung Quốc”uy hiếp, tấn công”, trong đó có 23 tàu của tỉnh Quảng Ngãi.
Một nhà sư Khmer Krom cùng tham gia đoàn kiểm tra biên giới cho biết một nhóm bộ đội và một nhóm người Việt mặc thường phục dùng vũ lực ngăn cản không cho họ đến kiểm tra đường biên giới. Sư chia sẽ: “Bộ đội biên phòng khoảng hai chục người, và mấy người mặc đồ thường khoảng từ năm chục đến sáu chục người.
Sài Gòn với một thuở mệnh danh hòn ngọc viễn đông, một thuở mà ông Lý Quang Diệu đã từng mơ một ngày nào đó sẽ biến quốc đảo Singapore thành một Sài Gòn khác. Thế rồi câu chuyện về Sài Gòn hoa lệ cũng nhanh chóng đi vào quá khứ, thay vào đó là một Sài Gòn chằng chịt đường dây điện, nhà cửa chồng chất lên nhau, những con đường kẹt xe luôn cho cảm giác Sài Gòn là một tổ mối quá tải và khi mùa mưa đến
Chưa năm nào giống như năm nay, người Hà Nội phải liên tục chứng kiến hàng loạt tại ương về môi sinh do con người và thiên nhiên gây ra. Trong đó, những tai ương môi sinh do con người chiếm phần lớn, những tai ương do thiên nhiên gây ra vốn không đáng kể nhưng do sự cẩu thả, vô tâm của con người lại hóa thành trầm trọng.
Nguyên thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Việt Nam Trần Quang Cơ vừa qua đời tối hôm thứ Năm 25/6 ở tuổi 89. Lễ tang ông sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, sáng ngày 1/7.
ĐỒNG NAI (NV) - Hàng trăm hecta đất gần khu vực dự kiến xây phi trường Long Thành đã được nhiều chủ đầu tư chuẩn bị sẵn để đợi “sóng” bất động sản. Khảo sát của VNExpress, cách phi trường quốc tế Long Thành từ vài km đến 30km (cây số) có hàng chục doanh nghiệp chạy đua săn cơ hội ở “vùng đất hứa” này.
Người Thượng mình hiện nay ở Thái Lan nếu gom lại thì có khoảng hơn 300 người. Chạy sang đây tỵ nạn vì mình không có tự do tín ngưỡng về tôn giáo, còn về đất đai của mình thì chính quyền họ đã cướp đi. Họ còn đàn áp những người có niềm tin tôn giáo, có người bị bắt bỏ tù và cũng có người đã chết trong tù. -Ông R’Ma B’Lie
Cục trưởng Điện lực thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, định hối lộ công an Việt Nam khi bị bắt, theo truyền thông trong nước. Theo truyền thông Việt Nam, ông này, bị Trung Quốc truy nã về tội nhận hối lộ, đã đề nghị hối lộ hàng tỉ đồng cho công an Việt Nam khi bị bắt.
Bảo Trợ