HRW: 'TS Hà Vũ phải lưu vong'
Ông Hà Vũ từng được truyền hình công an và VTV làm 'phóng sự' trong tù.
BBC - Một số tổ chức quốc tế đang tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân đằng sau việc Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ được chính quyền Việt Nam thả khỏi tù và sang Hoa Kỳ 'chữa bệnh'.
Tuy nhiên có ý kiến đặt lại nói là ông Cù Huy Hà Vũ đã bị 'đưa đi lưu vong' (exile) chứ không phải được ra nước ngoài chạy chữa bệnh nặng.
Hôm 08/4/2014, ông Brad Adams, Giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch) bình luận với BBC việc ông TS Hà Vũ được đưa thẳng từ trại giam ra sân bay sang Mỹ.
Ông Adams nói đây là 'tin vui' nhưng lại cũng là một việc 'đáng buồn', không 'công bằng' đối với ông Hà Vũ và sự nghiệp tranh đấu cho cải tổ thể chế, chính trị ôn hòa mà nhà hoạt động này lâu nay theo đuổi.
Ông Adams nói: "Hiện nay, ông Cù Huy Hà Vũ đã có mặt ở Washington DC, chúng tôi hài lòng về điều này, nhưng đồng thời đây là một ngày rất buồn cho Việt Nam, bởi vì đây là một nhà hoạt động chủ chốt của Việt Nam là người đã luôn kêu gọi một cuộc cải tổ chính trị hòa bình cho thể chế ở Việt Nam và bây giờ ông ấy đã bị bắt buộc phải rời khỏi đất nước,
"Việt Nam đang cần những người như ông Hà Vũ, ở Việt Nam ông ấy có thể làm việc để nỗ lực tạo ra một xã hội dựa trên cơ sở tôn trọng quyền con người và nay ông ấy phải sống lưu vong, và điều này không công bằng cho ông ấy và gia đình của ông ấy và cả đất nước, bởi vì ông ấy đã không làm gì sai trái."
'Chữa bệnh hay trục xuất?'
"Việt Nam đang cần những người như ông Hà Vũ, ở Việt Nam ông ấy có thể làm việc để nỗ lực tạo ra một xã hội dựa trên cơ sở tôn trọng quyền con người và nay ông ấy phải sống lưu vong, và điều này không công bằng cho ông ấy và gia đình của ông ấy và cả đất nước."
Brad Adams, Human Right Watch
Trước câu hỏi liệu việc ông Vũ được đưa ra nước ngoài 'chữa bệnh' là lý do thực sự và duy nhất hay đâu là lý do thực, ông Adams bình luận:
"Chúng tôi hiểu rằng ông Cù Huy Hà Vũ có vấn đề về sức khỏe, nhưng đồng thời ông ấy không bao giờ nên bị bỏ tù, và ông ấy lẽ ra phải được trao trả tự do và ra khỏi tù từ sớm hơn để được chạy chữa, thật là một điều đáng hổ thẹn cho chính phủ Việt Nam khi mà ông ấy phải ‘tới Mỹ để chữa bệnh’ ngay khi là một tù nhân chính trị,
"Dù là lý do được đưa ra là ‘chữa bệnh’ đi chăng nữa thì chúng tôi cũng tin rằng đó là lý do không thích hợp, theo quan điểm của chúng tôi, ông Hà Vũ đã bị tống đi lưu vong hơn là vì ly’ do sức khỏe.
Trước câu hỏi liệu trong tình huống ông Vũ có bệnh nan y hoặc suy sụp sức khỏe nguy ngập, đây là một hành động 'nhân đạo' của nhà chức trách hay không, ông Adams nói thêm:
"Chính phủ không muốn ông ấy chết ở trong tù vì đây là điều mà sẽ gây cho họ nhiều khó khăn, thế nên họ đã ‘thả ông ta’ và cho ông ta thẳng lên máy bay.
"Ông ấy có thể có những kháng cự nào đó về điều kiện ra tù, nhưng người ta có thể làm gì được khi đang bị bệnh tật mà lại thiếu các thiết bị chăm sóc và vẫn còn những bốn năm nữa ở trong tù."
'Vẫn cần ông Vũ ở trong nước'

Ông Cù Huy Hà Vũ được đánh giá là một nhà hoạt động có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam.
Theo Giám đốc châu Á của Human Right Watch, ông Hà Vũ đã thu hút được sự chú ý, theo dõi, ủng hộ của khá đông đảo các tầng lớp trong xã hội và là một nhân vật có ảnh hưởng lớn khi mà ngay sau khi ông bị bắt hàng loạt kiến nghị đòi phóng thích ông đã được các giới như cựu quan chức, nghệ sỹ, nhà giáo, giáo sư đại học, nhà khoa học, nhà báo, giáo sỹ, công nhân, nông dân ký tên.
Ông Adams nói: "Ông ấy đã có sự ủng hộ của đông đảo và rộng rãi trong quần chúng, tôi nghĩ nếu Việt Nam là một quốc gia tự do, người ta có thể tưởng tượng ông ấy có thể trở thành một nhà lãnh đạo hay một ứng viên tranh cử thành công, thay vì là bị ứng xử và bị coi là một tội phạm, chỉ vì ông ấy có một quan điểm chính trị khác biệt,
"Do đó, đó là một ngày tồi tệ cho Việt Nam khi một trong những người có tài năng như vậy đã bị buộc phải rời khỏi đất nước."
Về câu hỏi phải chăng nhà cầm quyền muốn đưa ông Vũ ra khỏi Việt Nam càng xa càng tốt để ông có thể giảm khả năng, phạm vi ảnh hưởng, hoặc thậm chí trở nên 'im lặng' như một số nhà hoạt động Việt Nam trước đây sau khi ra hải ngoại, đại diện Human Right Watch đáp:
"Có một thực tế là nhiều nhà hoạt động sau khi ra nước ngoài đã bị đụng độ và thậm chí bị nhiều nhóm tranh đấu dân chủ khác ở hải ngoại tấn công và đây là điều đáng tiếc.
"Chúng tôi đã nói chuyện với một số các nhà hoạt động Việt Nam bị lưu đầy, trục xuất, là những người đã cố gắng tiếp tục tập trung các nỗ lực của họ tranh đấu cho tự do và nhân quyền ở Việt Nam khi đã ra nước ngoài, nhưng đã gặp các trở ngại như vậy. Hy vọng là ông ấy sẽ tránh được vấn đề như thế.
'Thách thức và cơ hội ở hải ngoại'
"Những năm gần đây, con số các vụ bắt bớ và các vụ xử các nhà hoạt động đã tăng chóng mặt và có thể nhà cầm quyền Việt Nam muốn giảm một số áp lực trong vấn đề này bằng cách thả tự do cho ông Hà Vũ và bằng việc cố tỏ ra rằng họ cũng linh hoạt"
Olof Blomqvist, Ân xá Quốc tế
Khi được hỏi về việc nếu ông Hà Vũ vẫn muốn tiếp tục vận động, hoạt động cho cải cách chính trị, thể chế ở Việt Nam, mà ông không được chính quyền cho về nước, thì liệu ông Vũ có thể làm được gì từ bên ngoài Việt Nam, ông Adams nêu quan điểm:
"Ngày nay mạng Internet có thể cho phép người ta sống ở nước ngoài nhưng vẫn tiếp tục có những tác động, ảnh hưởng ở trong nước, để những điều mà họ viết ra có thể được truyền bá đi, được phát trên truyền thông hay là được người khác đọc và theo dõi."
Thế nhưng, đại diện Human Right Watch từ London cũng cảnh báo một số khó khăn mà ông Vũ có thể đương đầu với tư cách một nhà hoạt động khi đã ra hải ngoại.
Ông Adams nói: "Một vấn đề khác làm cho nhiều người phải lo toan là phải lo liệu cuộc sống, chi phí cuộc sống ở Mỹ cũng có thể là một áp lực.
Do đó, nếu ông ấy có thời gian để cống hiến cho các hoạt động tranh đấu của ông ấy thì tôi nghĩ ông ấy vẫn có thể là một người có ảnh hưởng dù ở trên đất Mỹ.
Về thời điểm thả ông Vũ của chính quyền Việt Nam, ông Adams bình luận:
"Tôi nghĩ là trong những năm gần đây, con số các vụ bắt bớ và các vụ xử các nhà hoạt động đã tăng chóng mặt và có thể nhà cầm quyền Việt Nam muốn giảm một số áp lực trong vấn đề này,
"Bằng cách thả tự do cho ông Hà Vũ và bằng việc cố tỏ ra rằng họ cũng linh hoạt, nó cũng có thể vì sức khỏe của ông ấy, có thể họ thực sự lo lắng rằng sức khỏe của ông ấy có thể giảm sút và ông ấy có thể qua đời trong tù.
'Lẽ ra phải thả sớm hơn'

Đại diện Ân xá Quốc tế nói lẽ ra TS Cù Huy Hà Vũ phải được thả sớm hơn.
Hôm thứ Ba, BBC cũng trao đổi với đại diện của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Khu vực Châu Á, Thái Bình Dương để tìm hiểu động cơ và hệ quả của việc ông Hà Vũ được đưa sang Hoa Kỳ.
Từ London, ông Olof Blomqvist, phát ngôn nhân của tổ chức này nói:
"Chúng tôi đang tìm cách tìm hiểu có thỏa thuận gì đằng sau vụ chính quyền Việt Nam thả ông Cù Huy Hà Vũ. Tất nhiên chúng ta luôn luôn vui mừng mỗi khi một tù nhân lương tâm như trường hợp ông Hà Vũ được thả,
"Mặc dù ông đã bị bắt giam, xử tù chẳng vì ly’ do gì ngoài viêc ông đã thực hiện quyền tự do thể hiện quan điểm một cách ôn hòa, môt vụ án đã làm dấy lên sự quan ngại sâu sắc về công ly’ ở Việt Nam, chúng tôi hài lòng vì ông Hà Vũ đã được trao trả tự do.
"Tuy nhiên viêc trao trả tự do này lẽ ra phải được thực hiện từ sớm hơn rất nhiều, và Việt Nam tiếp tục phải thay đổi cơ chế để tiếp tục trao trả tự do sớm hơn nữa cho các tù nhân chính trị và lương tâm ở Việt Nam, trong bối cảnh mà chúng tôi thấy tiếp tục diễn ra các vụ bắt bớ.
'Tiếp tục các áp lực quốc tế'
Khi được vấn ý về việc cộng đồng quốc tế liệu sẽ dừng lại các động thái, áp lực của mình đối với Việt Nam về cải cách chính trị, cải thiện tình trạng nhân quyền và thả tự do vô điều kiện cho ít nhất vài trăm tù nhân chính trị và lương tâm khác còn đang bị giam giữ xét xử hay không, kể cả chịu quản chế, sau khi ông Vũ ra tù, ông Blomqvist nói:
"Cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục làm nhiều hơn nữa, có một số các bước đi hữu hạn đã diễn ra, nhưng giới chức Việt Nam tiếp cục cần phải được nhắc nhở, cảnh báo rằng xâm phạm các quyền tự do ngôn luận và biểu đạt là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế"
Phát ngôn nhân Amnesty International
"Tôi nghĩ việc cộng đồng quốc tế tiếp tục duy trì các áp lực đối với Việt Nam, không để cho việc đàn áp tự do ngôn luận tiếp diễn, là rất quan trọng.
"Nhà cầm quyền Việt Nam cần phải được các chính phủ trên thế giới nói cho biết rằng tự do ngôn luận và biểu đạt là một quyền con người cơ bản, và Việt Nam phải tôn trọng điều này.
"Chúng tôi ghi nhận rằng rất nhiều trường hợp trong đó không chỉ có nhiều các bloggers, các nhà hoạt động chính trị mà cả các nhạc sỹ cũng bị bắt giam, bỏ tù chỉ vì họ đã biểu đạt ôn hòa quan điểm của họ.
"Dựa trên thực tế những gì đã đang diễn ra ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục làm nhiều hơn nữa, có một số các bước đi hữu hạn đã diễn ra, nhưng giới chức Việt Nam tiếp cục cần phải được nhắc nhở, cảnh báo rằng xâm phạm các quyền tự do ngôn luận và biểu đạt là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế," phát ngôn nhân của Ân xá Quốc tế nói với BBC.
Khả năng quay về nước
Hôm 09/4, luật sư Nguyễn Văn Đài từ Hà Nội nói với BBC, ông tin rằng ông Cù Huy Hà Vũ khó có thể quay trở lại Việt Nam trong ngắn hạn, tuy bày tỏ hy vọng ông Vũ có thể có cơ hội trong tương lai.
"Khả năng quay trở lại Việt Nam rất khó, gần như là không thể, thế nhưng tình hình chính trị Việt Nam trong vòng một vài năm tới tôi cho rằng có thể thay đổi và khi đó thì tôi tin anh Cù Huy Hà Vũ sẽ có thể có cơ hội quay trở lại Việt Nam với một vị thế khác so với vị thế hiện nay"
LS Nguyễn Văn Đài (thứ ba, hàng đầu, trái sang)
Ông nói: "Theo kinh nghiệm những trường hợp đã được đi theo như vậy chữa bệnh, hoặc đi định cư hẳn, thì khả năng quay trở lại Việt Nam rất khó, gần như là không thể, thế nhưng tình hình chính trị Việt Nam trong vòng một vài năm tới tôi cho rằng có thể thay đổi,
"Và khi đó thì tôi tin anh Cù Huy Hà Vũ sẽ có thể có cơ hội quay trở lại Việt Nam với một vị thế khác so với vị thế hiện nay."
Luật sư Đài cho hay cách đây hơn 1 tháng rưỡi, ông và một số 'bè bạn' của ông đã được luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của TS Hà Vũ, cho biết trước về khả năng ông Vũ sẽ đi Mỹ.
Theo ông Đài, người cũng từng bị là tù nhân chính trị bị kết án và phải ngồi tù trong bốn năm, thì điều kiện chăm sóc sức khỏe ở trong tù không tốt và không phù hợp với sức khỏe của ông Vũ, người bị một số căn bệnh như 'tim bẩm sinh, máu nhiễm mỡ và huyết áp cao."
Tuy nhiên, theo ông Đài, chắc chắn cộng đồng quốc tế và đã có các tác động nhất định trong việc ông Hà Vũ được thả ra tù, trong đó có Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Úc, là các bên đã luôn luôn thúc giục chính quyền Việt Nam.
'Và kỳ vọng trong nước'
Hôm thứ Ba, một số nhà hoạt động ở Việt Nam cũng nói với BBC, họ tin rằng các nỗ lực trong và ngoài nước, khu vực và quốc tế cần tiếp tục được tiến hành và thúc đẩy để gây áp lực cho Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền, đẩy mạnh lộ trình trao trả các tù chính trị và tù nhân lương tâm, cũng như chấm dứt việc bắt bớ các nhà hoạt động ôn hòa.
Từ Sài Gòn, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nêu quan điểm về việc nên hay không tiếp tục các nỗ lực này. Ông nói:
"Quá nên chứ không phải là nên hay không nên, quá nên, và thứ hai, một Cù Huy Hà Vũ được thả, nhưng còn rất nhiều tù nhân lương tâm khác, anh Điếu Cày chẳng hạn, và rất nhiều người khác nữa,
"Một Cù Huy Hà Vũ được thả, nhưng còn rất nhiều tù nhân lương tâm khác, anh Điếu Cày chẳng hạn, và rất nhiều người khác nữa. Và tôi hy vọng sau sự kiện thả Cù Huy Hà Vũ, thì khát vọng của nhân dân là những người tù lương tâm khác cũng sẽ được tự do"
GS Tương Lai
"Và tôi hy vọng sau sự kiện thả Cù Huy Hà Vũ, thì khát vọng của nhân dân là những người tù lương tâm khác cũng sẽ được tự do."
Cũng hôm 08/4, từ Hà Nội, thành viên tổ chức Mạng lưới Blogger Việt Nam, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói với BBC:
"Tôi nghĩ rằng có lẽ nhà nước họ tính toán thả riêng anh Cù Huy Hà Vũ là có sự lựa chọn, thế nhưng về phía những người đấu tranh, những người hoạt động dân chủ, những người đòi hỏi những quyền tự do của con người (như) chúng tôi,
"Chắc chắn việc đấu tranh cho những tù nhân lương tâm, những người vẫn còn trong vòng quản chế, đấu tranh cho họ những quyền dân sự ấy là chúng tối sẽ phải tiếp tục làm," blogger Lân Thắng nêu quan điểm.
Trước đó, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, một nhà báo tự do nói với BBC đã đến lúc quốc tế yêu cầu Việt Nam cung cấp danh sách đầy đủ các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, những người bị xét xử hay không, những người bị quản chế, đóng cửa các trại lao cải dưới hình thức 'phục hồi nhân phẩm'.
Ông cũng nói Việt Nam cần cho quốc tế biết lộ trình thả hết tù nhân và những người bị giam giữ vì đã lên tiếng, đấu tranh ôn hòa vì tự do và nhân quyền ở nước này.
Tổ chức EDLC và BPSOS ra thông cáo chung về Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ
VOA - Tổ chức Cứu Người Vượt Biển BPSOS và Trung tâm Luật Bảo vệ Môi Trường (EDLC) ra thông cáo chung về Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.
Cuối ngày 8 tháng Tư giờ Washington, Tổ chức EDLC và Tổ chức Cứu Người Vượt Biển BPSOS đã ra tuyên bố chung về việc Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ được trả tự do và tới Hoa Kỳ cùng với vợ, luật sư Nguyễn thị Dương Hà.
Theo thông cáo này, hai tổ chức vừa kể đã hợp tác trong nhiều năm qua và phối hợp với một số tổ chức nhân quyền quốc tế để vận động Hà Nội trả tự do cho Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.
EDLC là một tổ chức quan tâm tới các vụ kiện có liên quan tới môi trường sinh thái, tổ chức này chú ý tới trường hợp của Tiến sĩ Hà Vũ vì vụ kiện do ông tiến hành chống Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2009 về dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên.
Trong thông cáo chung bằng tiếng Anh, EDLC và BPSOS cho biết 'Chúng tôi hân hoan loan báo rằng Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, 56 tuổi, một luật sư và một nhà tranh đấu cho môi sinh, cũng là một nhà hoạt động tích cực cổ vũ cho dân chủ, đã được phóng thích khỏi một nhà tù ở Việt Nam và đã tới Washington hôm 7 tháng Tư'.
Thông báo này cho biết Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ sẽ làm việc tại Trung tâm Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ trong tư cách là một nhà nghiên cứu và một học giả. EDLC cho hay tổ chức này đã kiên trì làm việc để vận động trả tự do cho Tiến sĩ Vũ trong suốt 3 năm rưỡi qua.
Thông cáo chung nhắc lại những quan điểm ủng hộ dân chủ của Tiến sĩ Vũ, và ngoài vụ kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tiến sĩ Vũ còn thách thức một dự án xây một khu du lịch nghỉ mát tại một địa điểm được công nhận là di sản văn hóa cần được bảo tồn.
Trường hợp của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trở thành vụ án nổi bật nhất trong thời cận đại. Ông được sự ủng hộ rộng rãi ở trong nước, và ở hải ngoại, trường hợp của ông được sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế bênh vực nhân quyền.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đã công bố một phúc trình dài về trường hợp của ông mang tựa đề 'Việt Nam: Đảng Cộng Sản Việt Nam chống Nhà hoạt động và Luật gia Cù Huy Hà Vũ'.
Tiến sĩ Vũ bị tuyên án tù 7 năm cộng với 3 năm quản chế sau một phiên tòa kéo dài chưa đầy 6 giờ đồng hồ. Ông bị kết tội về những cáo trạng “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam” dựa trên điều khoản 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Năm 2011, EDLC đệ nạp hồ sơ cho cả tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm ở Việt Nam, và đã đưa hồ sơ của Tiến sĩ Vũ ra Tổ Công tác về Giam giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc. Tổ Công tác này kết luận rằng việc Tiến sĩ Vũ bị tước bỏ quyền tự do vi phạm các công ước về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết, và kêu gọi Hà nội hãy trả tự do cho ông.
Độc giả phản ứng việc thả ông Hà Vũ
BBC - Ông Cù Huy Hà Vũ, một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng của Việt Nam, được chính quyền Việt Nam phóng thích và đã sang Hoa Kỳ chữa bệnh.
Ông bị án tù bảy năm vì tội Tuyên truyền chống nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự trước khi được trả tự do. Bị bắt hồi 2010, ông ra tòa và bị kết án năm 2011.

Phiên tòa hồi tháng 4/2011 kết án ông Cù Huy Hà Vũ bảy năm tù với tội danh tuyên truyền chống nhà nước
Ông đã được ra tù cuối tuần qua và được chuyển từ trại giam ở Thanh Hóa ra sân bay Nội Bài, Hà Nội, và đã cùng vợ là bà Nguyễn Thị Dương Hà tới Washington DC vào thứ Hai, 7/4.
Việc một nhà bất đồng chính kiến có tên tuổi ra tù trước thời hạn được độc giả trên trang BấmFacebook BBC Tiếng Việt bình luận sôi nổi.
Nhiều người cho rằng hành động này cho thấy việc bỏ tù ông Vũ vì tội chống phá nhà nước là “vô lý.”
“Tự nhiên kết tội chống phá nhà nước xong bắt người ta tù 7 năm, giờ lại thả. Nếu mà có tội thì sao lại thả, mà đã thả là không có tội thì phải công khai xin lỗi,” độc giả Nguyễn Trường Giang bình luận.
“Đây là một bước đi trên đường lối đoàn kết, hòa giải dân tộc. Chỉ có điều luật pháp thì vẫn phải nghiêm minh. Điều 88 hay 258 Bộ luật Hình sự chẳng lẽ viết ra để chơi?” một độc giả khác nói.
So sánh
Nhân sự kiện trên, nhiều độc giả truy vấn về việc tại sao ông Hà Vũ được thả trong khi các nhà bất đồng chính kiến khác như blogger Điếu Cày và bà Bùi Thị Minh Hằng vẫn phải chịu án tù.
Có độc giả cho rằng ông Vũ chỉ là “vật thế chấp” khi Việt Nam đang có những cuộc đàm phán kinh tế quan trọng với Mỹ và châu Âu.
Ông Đinh Đăng Định, cũng bị tù với tội danh tuyên truyền chống nhà nước, được thả hồi tháng Hai nhưng đã sớm qua đời ít hôm sau khi về nhà
“Đây chỉ là chiêu bài lấy lòng Mỹ và các nước phương tây. Còn chừng nào bỏ hết mấy cái luật '' lợi dụng quyền tự do dân chủ chống phá nhà nước'' như điều luật 258 thì tôi mới tin có chút thay đổi,” độc giả Nguyễn Văn Trí nói.
Ở một khía cạnh khác, nhiều người lo rằng trường hợp của ông Vũ cũng tương tự như một tù nhân lương tâm khác là ông Đinh Đăng Định, “sắp chết mới được thả.”
Ông Định được tự do vào tháng Hai cũng với lý do chữa bệnh nhưng qua đời vào tháng Ba vừa qua.
“Hi vọng ông Vũ không phải là một Đinh Đăng Định thứ hai,” độc giả Dua Le viết.
Nhiều độc giả thông cảm với hoàn cảnh của ông Vũ và mong ông sớm hồi phục sức khỏe. Ông Vũ có mang bệnh về huyết áp.

Ông Đinh Đăng Định, cũng bị tù với tội danh tuyên truyền chống nhà nước, được thả hồi tháng Hai nhưng đã sớm qua đời ít hôm sau khi về nhà
‘Không đường trở lại’
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hành động của chính quyền thể hiện tính “nhân đạo” và “truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam” trong việc đối xử với tù nhân lương tâm.
“Đây là chỉ dấu cho thấy nhà nước có sự mềm mỏng tuyệt vời trong vấn đề nhạy cảm này rồi, tín hiệu tích cực,” độc giả Nguyễn Quang Huy bình luận.
"Bất đồng chính kiến thì nên đối thoại để từ từ giải quyết, không nên chỉ trích lẫn nhau làm gì... Tổ quốc là trên hết, đoàn kết dân tộc là trên hết," một độc giả khác viết.
“Anh là người chiến thắng. Thôi thì không bẻ họe việc dùng từ "phóng thích" làm chi nữa. Nhưng cả thế giới này ai cũng rõ anh vô tội. "Tổ quốc" này không dành cho anh. Anh cứ sống bên đó và đừng quên đấu tranh cho tự do và cho nhân quyền,” độc giả Lưu Quang Hoạt viết.
“Ông Vũ là người có tầm nhìn xa, biết đau xót trước nỗi đau của dân đen, biết vượt qua sự an bài để dấn thân cho một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn. Chúc ông luôn mạnh khỏe và bản lĩnh để góp phần làm Việt Nam dân chủ hơn,” độc giả Vương Lê viết.
Một số độc giả thấy tiếc cho ông Vũ vì cho rằng việc được cho ra nước ngoài đồng nghĩa là không còn đường trở lại.
"Người tài Việt Nam có hai chỗ là nhà tù và nước ngoài để sống," độc giả Dương Minh bình luận.