Có người bảo anh là "liều", người khác lại bảo anh có "vấn đề", cũng có người gọi anh là điếc không sợ súng khi dám từ bỏ cái "chức" bác sỹ mà khối người mơ cũng không được ở một bệnh viện có tiếng. Nhưng tất cả những nhận xét đó đều nhanh chóng bị bác bỏ bởi thành công đến khó tin khi anh đã đưa được trái gấc Việt Nam vào thị trường nước Mỹ đầy khó tính.... Người bác sỹ đó có tên là Nguyễn Công Suất, hiện là Giám đốc Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam với thương hiệu VINAGA nổi tiếng được biết đến trên toàn thế giới.
Mười năm “ăn nằm” với trái gấc
Mở đầu câu chuyện, anh Suất kể: "Tôi nguyên là một bác sỹ chuyên về tiêu hóa của Quân y viện 108, thời gian đầu tôi chỉ thuần làm về chuyên môn. Mãi tới năm 1990, tôi được tham gia làm một dự án về gan mật, liên quan đến chất độc da cam dioxin và đây chính là bước ngoặt đầu tiên đưa tôi đến với trái gấc". Lúc đầu, để điều trị bệnh cho các nạn nhân nhiễm dioxin, các bác sỹ đều chọn dùng các sản phẩm hoá dược như vitamin A liều cao, Beta Caroten, nhưng những chất này lại có nguy cơ gây ngộ độc rất cao. Đứng trước khó khăn đó, GS. Đinh Ngọc Lâm (Chủ nhiệm Khoa Dược, Viện 108) và GS. Hà Văn Mạo (chuyên viên về ngành tiêu hoá) đã đề xuất với Ủy ban 10 - 80 (một cơ quan khắc phục hậu quả chất độc da cam dioxin) dùng thử dầu gấc để điều trị bệnh. Chính trong thời gian này, với tư cách là người thu thập thông tin cho nhóm về cây gấc, anh nhận thấy từ trước đến nay đã từng có 20 luận án tiến sỹ nghiên cứu về trái gấc, tất cả đều thừa nhận gấc có nhiều công dụng, tác dụng tốt. Nhưng có một điều lạ là, không ai tiếp tục nghiên cứu và sản xuất ra thành một sản phẩm cụ thể.
Vì lẽ đó, đến năm 1992 anh đã quyết định tự mình lao vào nghiên cứu và sản xuất ra bằng được một sản phẩm nào đó từ trái gấc. "Hồi đó, sau khi nghiên cứu thành công và cho kết quả tốt, tôi đã lập dự án sản xuất thử nghiệm và đi "gõ cửa" các công ty hoá dược mong nhận được sự hợp tác. Song, câu trả lời nhận được chỉ là những sự từ chối lạnh lùng với lý do: gấc chỉ chín vào có 2 tháng cuối năm, nếu bỏ ra đống tiền để đầu tư vào máy móc, thiết bị thì có mà "ăn cám". Anh dường như rơi vào tuyệt vọng.
Toàn bộ số vốn 2 tỉ đồng trên đã được anh dành ra để mua 3 chiếc máy chế biến tinh dầu gấc và xây nhà xưởng gần sân bay Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội). Và chỉ một vài tháng sau đó, những lô sản phẩm tinh dầu gấc đã được sản xuất thành công. Ngay lập tức, một nhóm các nhà khoa học Mỹ, cùng nhóm nghiên cứu với anh trước đây đã mua toàn bộ và đem về tiêu thụ thử tại thị trường Mỹ. Anh Suất nói: "Về thị trường thì không phải lo, vì tất cả các lô hàng sản xuất ra đến đâu đều được các doanh nghiệp từ bên Mỹ sang nhập hết đến đó, lúc ấy tôi chỉ lo nhất là không có đủ nguyên liệu để sản xuất". Sau gần 1 năm sản xuất dầu thô bán cho người Mỹ, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Bộ Y tế, anh đã chuyển sang chế biến gấc thành dạng viên nang tinh dầu gấc và đặt thương hiệu là VINAGA (tức Gấc Việt Nam). Ngay sau khi đưa ra thị trường, VINAGA đã được thị trường đón nhận nhanh chóng, vì VINAGA có rất nhiều công dụng như phòng chữa viêm gan, xơ gan, đại tràng, khô mắt, mỏi mắt, quáng gà, tăng đề kháng cơ thể, chữa khô da, dường da, chống lão hoá, thậm chí có thể dùng làm mỹ phẩm cho chị em phụ nữ... Ngoài ra, sản phẩm này còn có tác dụng làm thực phẩm chức năng cho trẻ em, giúp da trẻ luôn hồng hào, tươi trẻ. Bộ Y tế cũng đã quyết định cấp phép cho sản phẩm này, còn Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn. Từ thành công ban đầu này, anh đã tiếp tục đầu tư thêm một dây chuyền mới, công nghệ cao nhập từ nước ngoài, trị giá 10 tỷ đồng, có công suất sản xuất đạt 1.000 tấn quả/năm. Tuy nhiên, do không có đủ nguyên liệu, nên ban đầu dây chuyền của anh chỉ hoạt động hết 50% công suất và đây cũng lại là một trăn trở nữa của anh.
Hiện tại, công ty của anh đã xây dựng được vùng nguyên liệu gấc ở một số tỉnh, thành phía Bắc như Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên... Song do chưa được trồng tập trung, nên nguồn nguyên liệu để sản xuất vẫn rất thiếu. Theo anh Suất, gấc là cây rất dễ trồng, có thể thích nghi với mọi địa hình, từ bờ ao, bờ mương đến các diện tích đất cạnh bờ tường, chi phí đầu tư thì không lớn, do không cần phải dùng phân bón và thuốc trừ sâu, trồng một lần thu hoạch được tới 10-15 năm. Trung bình mỗi khóm gấc một năm cho thu hoạch từ 200-300 quả (tương đương 300kg), với giá thu mua 2.000-2.500 đồng/kg như hiện nay, một khóm gấc đã đem lại giá trị tới 600-750 nghìn đồng/năm. Anh Suất cho biết tiếp: "Tôi cũng rất muốn lập vùng sản xuất nguyên liệu tập trung với số lượng lớn, nhưng hiện có thể do bà con vẫn còn lo về đầu ra, nên chưa sẵn sàng. Nhưng tôi xin khẳng định, khi xây dựng các vùng nguyên liệu, công ty sẽ ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con bất kể giá cả lên xuống thế nào". Khó khăn chính theo anh đó là, ở mỗi vùng nguyên liệu (có thể quy một 1 huyện) phải có một người đứng lên làm đầu mối thu gom và xây dựng được một nhà máy sơ chế gấc (từ tươi thành khô để dễ vận chuyển, bảo quản).
Theo dự kiến, sắp tới anh còn đầu tư thêm 20 tỷ đồng nữa để mở rộng nhà xưởng và xây dựng một dây chuyền chế biến tinh dầu gấc công suất 5.000 tấn quả/năm. Vì thế, anh khẳng định: “trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu ra ở nhiều tỉnh phía Bắc, thậm chí cả các tỉnh miền Trung, nhất là hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị là những nơi còn nhiều khó khăn do đất đai khô cằn, không trồng được những cây trồng có giá trị khác”.
Ước mơ đưa gấc trở lại Việt Nam