NGHỆ AN (NV) .- “Trong khi nhiều cán bộ đương nhiệm tại Nghệ An dùng bằng giả thì hàng nghìn người có trình độ đại học trở lên tại tỉnh này vẫn đang thất nghiệp”, theo tin tờ Giáo Dục Việt Nam.
Bằng tốt nghiệp THPT giả của bà cán bộ huyện Thanh Chương, Nghệ An. (Hình: GDVN) |
Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam viện dẫn thống kê của Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Nghệ An cho hay tính đến đầu năm 2013, “toàn tỉnh này có hơn 3,000 cử nhân đại học và thạc sĩ vẫn không tìm được việc làm. Trong đó chưa kể đến 4,000 cử nhân cao đẳng và khoảng 5,000 người có trình độ trung cấp”.
Trong khi đó, trước đây, báo GDVN từng tố cáo nhiều cán bộ của tỉnh này dù xài bằng giả để được bổ nhiệm vào các chức vụ trong guồng máy của tỉnh, vẫn không bị mất chức. Không những vậy, họ dùng bằng giả leo lên những chức vụ cao hơn. Các huyện Thanh Chương và Hưng Nguyên được mô tả là những huyện có nhiều ông bà quan chức xài bằng giả “bị phát hiện” nhất của tỉnh Nghệ An.
Cũng như các tỉnh khác, tỉnh Nghệ An tổ chức “thi tuyển công chức” để lựa chọn các người có năng lực tốt để đưa vào phục vụ trong guồng máy công quyền. Tuy nhiên, tin tức cho hay trong số hai lần mở kỳ thi tuyển, có tới 1,097 người nộp đơn dự tuyển nhưng chỉ có 156 người được tuyển chọn. Những người còn lại, đi đâu, về đâu, Sở Nội Vụ Nghệ An “chưa rõ”, theo báo GDVN thuật lời ông quan chức sở này.
Hồi tháng Ba và những tháng trước đó, báo GDVN phanh phui ra những vụ cán bộ tỉnh Nghệ An tuy thi trượt mà vẫn có bằng tốt nghiệp. Có những người dùng bằng cấp có tên người khác, tẩy xóa rồi điền tên mình vào để xài. Nguồn tin thuật trường hợp của bà Cao Thị Mai, chủ tịch Hội Phụ Nữ thị trấn Hưng Nguyên xài bằng tẩy xóa chi tiết cá nhân văn bằng của người khác. Bà nói rằng bà “nhặt được” cái bằng đó.
Có trường hợp như ông Ngô Trí Khoa, phó trưởng công an xã Hạnh Lâm huyện Thanh Chương, nhìn nhận là ông xài bằng giả. Sau khi bị phanh phui, ông cho hay bằng đó có được là nhờ cháu của ông “mua” dùm.
Ngô Trí Khoa - Phó trưởng công an xã Hạnh Lâm không chỉ đương nhiệm mà còn dùng bằng giả đi học cấp cao hơn. (Hình: GDVN) |
Nạn cán bộ đảng viên trong guồng máy đảng và nhà cầm quyền CSVN xài bằng giả phổ biến trên cả nước. Ít thấy trường họp những người này bị trừng phạt hay cách chức. Ngay như ông Vũ Viết Ngoạn, được cắt đặt vào chức chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia từ năm 2011, đã xài bằng dỏm “tiến sĩ tài chính” từ một xưởng sản xuất bằng dỏm tại tiểu bang Louisana, Hoa Kỳ, có tên là “Lasalle University”.
Cái danh xưng này nhập nhèm với tên trường đại học tư La Salle University khá nổi tiếng tại tiểu bang Pennsylvania không hề có ngành và cấp văn bằng “tiến sĩ tài chính”. Nhưng đến nay, ông Vũ Viết Ngoạn vẫn là “chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia”, nhảy lên từ vai trò Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (quốc doanh), và được “cơ cấu” làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. (TN)
Lại động đất tại Thủy điện Sông Tranh 2
QUẢNG NAM (NV) .- Vừa có thêm trận động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). Trận động đất có cường độ 3.4 độ Richter làm dân địa phương thêm sợ thảm họa vỡ đập.
Thân đập chặn nước ở Thủy điện Sông Tranh bị thấm. (Hình: Người Lao Động) |
Viện Vật lý địa cầu ở Hà Nội cho biết, trận động đất này xảy ra ở độ sâu khoảng 5 cây số, gây rung động trên cấp 4 (MSK 64) tại khu vực tâm chấn. Đây là trận động đất được xem là mạnh nhất từ đầu năm đến nay tại khu vực Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam.
Chủ tịch xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My kể thêm rằng, trận động đất diễn ra sau khi có những tiếng nổ lớn từ lòng đất. Các căn nhà trong khu vực rung lên bần bật. Thủy điện Sông Tranh 2 bao gồm nhà máy phát điện và hồ chứa nước trên sông Tranh - một nhánh sông thuộc khu vực thượng lưu sông Thu Bồn.
Công trình xây dựng Thủy điện Sông Tranh 2 khởi công vào năm 2006, ngốn hết 5,194 tỉ đồng. Khi Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước hồi đầu năm 2012, người ta phát giác thân đập bị thấm nước. Kết quả khảo sát cho thấy lượng nước thấm qua đập lớn gấp năm lần mức cho phép. Điều đó đe dọa sinh mạng, tài sản của hàng trăm ngàn dân sống ở khu vực hạ lưu nếu đập vỡ.
Ngoài chuyện thân đập bị thấm nước, Thủy điện Sông Tranh 2 còn được xem là tác nhân tạo ra hàng loạt trận động đất từ tháng 9 năm 2012 đến nay. Giới khoa học gọi đây là những trận động đất kích thích do quá trình tích nước của hồ chứa nước. Thủy điện Sông Tranh 2 cùng với hàng loạt vấn nạn khác liên quan đến phát triển thủy điện vô tội vạ đã khiến chế độ Hà Nội bị cả dân chúng, báo giới lẫn Quốc hội chỉ trích kịch liệt.
Hồi tháng 11 năm ngoái, đại diện nhà cầm quyền CSVN loan báo đã loại bỏ 424 dự án thủy điện. Trừ đi các dự án bị loại bỏ, tại Việt Nam vẫn còn 815 dự án, công trình thủy điện, trong đó có 205 dự án đang thi công hoặc dự tính sẽ khai thác cho đến 2017. Việc cho phép thực hiện ồ ạt hàng ngàn dự án thủy điện đã tạo ra một thảm họa mới cả về kinh tế, môi trường lẫn dân sinh.
Chẳng hạn tại khu vực Tây Nguyên, ngoài chuyện nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng rất cẩu thả nên đã xảy ra hàng loạt tai nạn nghiêm trọng như vỡ đập, nứt đập,… khiến người chết, nhà cửa, ruộng vườn bị hư hại, các công trình, dự án thủy điện đã làm Tây Nguyên mất 80,000 héc ta đất, gây xáo trộn sinh hoạt, sinh kế của 26,000 gia đình, phần lớn là người thiểu số.
Những dự án thủy điện được cấp giấy phép để thực hiện tại Tây Nguyên hiện là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng. Chưa kể, chuyện xả lũ vô tội vạ của các công trình thủy điện sau hai trận bão thứ 10 và thứ 11 năm ngoái, còn làm chết thêm hàng chục người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.
Sau khi thẩm tra, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội CSVN cho biết, việc quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa tuân thủ quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Khoảng 30% đập chắn nước của các công trình thủy điện nhỏ chưa được kiểm định. Khoảng 66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ. Khoảng 55% chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.
Ủy ban này cho biết thêm rằng, từ 2006 đến 2012, Việt Nam có 160 dự án thủy điện đã chuyển 19,792 héc ta rừng thành đất xây dựng công trình thủy điện. Đến nay, diện tích rừng được trồng thay thế chỉ chừng 3,7%. Đoàn đại biểu Quốc hội đại diện cho dân chúng Sài Gòn chỉ trích kịch liệt việc phát triển thủy điện theo phong trào. Phong trào này khiến Việt Nam mất thêm hàng chục ngàn héc ta rừng và khiến dân chúng sống ở khu vực hạ lưu của các công trình thủy điện thường xuyên lo âu vì những rủi ro không thể dự báo.
Một viên đại biểu Quốc hội tên là Nguyễn Văn Minh cho rằng phải có người chịu trách nhiệm khi xảy ra tình trạng “thích đưa vào thì đưa vào, không thích thì đưa ra”. Nhiều đại biểu khác đòi phía chính phủ Việt Nam phải truy cứu trách nhiệm cá nhân trong chuyện cho phép thực hiện tràn lan các công trình thủy điện. Từ cuối năm ngoái đến nay, không có nơi nào đáp ứng các đòi hỏi này.(G.Đ)