Theo Reuters hôm nay 04/04/2014, công an Trung Quốc đã đàn áp thô bạo để chấm dứt một loạt các cuộc biểu tình trong những ngày gần đây ở Quảng Đông, phản đối một dự án nhà máy hóa chất. Tuy nhiên những cuộc xuống đường khác vào cuối tuần này đã được loan báo.
Cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra vào Chủ nhật tuần trước tại thành phố Mậu Danh (Maoming), nơi chính quyền muốn cho xây dựng một nhà máy sản xuất paraxylène, một hóa chất từ dầu lửa được sử dụng để sản xuất ra các chai nhựa. Hóa chất này độc hại khi xâm nhập vào cơ thể.
Các cuộc xuống đường phản đối những dự án tương tự đã từng diễn ra tại Trung Quốc. Tuy nhiên các vụ biểu tình lần này gây chấn động mạnh mẽ, do các hình ảnh chứng minh sự thô bạo của công an có phổ biến rộng rãi trên internet trong một thời gian, trước khi bị kiểm duyệt xóa mất.
Theo cơ quan quản lý y tế, các cuộc đụng độ đã làm cho 15 người bị thương trong đó có 4 công an. Các nhân chứng cho biết có nhiều người chết và hàng mấy chục người bị thương.
Hôm nay lực lượng an ninh lại ngăn chận khoảng hai chục cuộc biểu tình tại thành phố công nghiệp Thâm Quyến. Những cuộc xuống đường khác đã diễn ra tại Quảng Châu, nơi những người tổ chức hy vọng sẽ tập họp được đông đảo những người phản kháng vào cuối tuần này.
Sau 17 ngày biểu tình liên tục gây sức ép, phong trào sinh viên Đài Loan chống thỏa thuận thương mại với Trung Quốc giành được chiến thắng đầu tiên. Chính phủ Mã Anh Cửu chấp thuận một dự luật « giám sát » mọi hiệp ước hợp tác kinh tế với Bắc Kinh bất lợi cho an ninh và quyền lợi hải đảo.
Theo AsiaNews, dưới sức ép của phong trào phản kháng kéo dài 17 ngày qua do sinh viên Đài Loan dẫn đầu, sáng nay 04/04/2014 chính phủ Đài Bắc chấp thuận một dự luật đòi hỏi hành pháp phải theo dõi chặt chẽ các hiệp ước hợp tác kinh tế và thương mại với Hoa lục trong tương lai.
Các biện pháp giám sát này, gồm thủ tục tham khảo ý kiến dân chúng và một cơ cấu bảo vệ an ninh quốc gia, đã được đưa ra nghị viện Đài Loan xem xét và biểu quyết.
Sau khi ký với Bắc Kinh thỏa thuận khung hợp tác kinh tế vào năm 2010 ECFA để mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc, Đài Bắc quyết định tiến thêm bước thứ hai mở rộng dịch vụ cho doanh nhân Trung Quốc qua hiệp ước gọi là « Thỏa thuận Dịch vụ giữa hai bờ eo biển » nhưng đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của sinh viên và đối lập.
Phong trào phản kháng, nay mang tên là Hoa hướng dương, huy động hàng chục ngàn người biểu tình và chiếm đóng quốc hội để chống thỏa thuận mà nếu được thi hành thì Hoa lục sẽ mở 80 lãnh vực dịch vụ cho doanh nhân Đài Loan và ngược lại hải đảo phải mở 64 lãnh vực kinh tế cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên,giới trẻ và công nhân Đài Loan lo ngại Trung Quốc sẽ đưa nhân công của họ sang làm việc tại hải đảo, các công ty vừa và nhỏ sẽ bị đóng cửa trước sự cạnh tranh của Hoa lục và công nhân Trung Quốc, chấp nhận lương thấp, sẽ chiếm việc làm của công nhân Đài Loan.
Dự luật mới buộc chính phủ Đài Bắc mỗi khi đàm phán một hiệp ước thương mại với Trung Quốc phải dựa trên nguyên tắc « bình đẳng, tương kính, tôn trọng quyền lợi lẫn nhau và nhất là bảo vệ an ninh quốc gia ».
Hôm qua, 03/04/2014, phát biểu trước Tiểu ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Daniel Russel, phụ trách khu vực Đông Á, cho rằng phản ứng của cộng đồng quốc tế về vụ Nga sáp nhập Crimée mang tính răn đe cao, buộc Trung Quốc phải suy nghĩ, không nên có những hành động giống như Nga.
Bên cạnh lời cảnh báo này, Washington khẳng định là Bắc Kinh không nên nghi ngờ quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các đồng minh Châu Á.
Việc Matxcơva thôn tính Crimée đã dấy lên nhiều lo ngại là Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực để khẳng định các yêu sách của họ trong các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nhận định, việc Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ có tác dụng răn đe đối với bất kỳ ai tại Trung Quốc coi việc sáp nhập Crimée như một mô hình » để noi theo.
Theo ông Daniel Russel, « Trung Quốc cần chứng tỏ nhiều hơn nữa là họ ủng hộ một giải pháp hòa bình cho các vấn đề này ».
Lãnh đạo ngoại giao Mỹ nhấn mạnh : « Tổng thống Hoa Kỳ và chính quyền Obama kiên quyết thực hiện các thỏa thuận quốc phòng ký với các đồng minh », như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines.
Tổng thống Barack Obama coi việc « xoay trục » sang Châu Á là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Trong vòng công du Châu Á, bắt đầu từ ngày 22/04, nguyên thủ Mỹ tới thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Malaysia.