Việc giao tiếp dường như đã trở thành chuyện quá khứ. Mọi người dường như không thể thông tiếp với nhau nữa. Ngay cả trong những cuộc trò chuyện dàn dựng trên tivi và trên radio, người ta dường như đang nói với chính họ hơn là nói với nhau. Điều gì làm cho một người trở thành người giao tiếp giỏi?
Sự thiếu vắng giao tiếp tốt xảy ra vì người ta cho rằng năng lực giao tiếp là điều hiển nhiên. Họ nghĩ rằng một người hoặc được trời cho khiếu lém lỉnh hoặc không có khiếu đó. Thực ra giao tiếp là một nghệ thuật. Giống như bất kỳ năng lực nghệ thuật khác, nó đòi hỏi huấn luyện và kỷ luật. Thực hành sẽ cải thiện nó. Việc không ngừng nhận biết ở chỗ nào những lỗi lầm giao tiếp có thể mắc phải cũng giúp nâng cao nghệ thuật giao tiếp. Tôi cho rằng tự hỏi mình những câu hỏi sau đây sẽ rất hữu ích.
(1) Tôi đang nói chuyện về cái gì?
Trò chuyện phải có cơ sở vững chắc. Những người tham gia phải biết chủ đề là gì. Nếu họ không biết, cuộc trò chuyện sẽ lệch lạc. Như bất kỳ công trình xây dựng vội vã nào, chắc chắn nó sẽ rơi vào hỗn độn.
Vì lý do đó những qui tắc sau đây phải được tuân thủ. Khởi đầu bằng cách nêu lên những quan điểm riêng của bạn một cách ngắn gọn nhất, rõ ràng nhất có thể. Hãy để cho người kia diễn đạt lại những quan điểm đó bằng ngôn ngữ riêng của anh ta và đạt tới mức bạn thấy hài lòng. Tiếp đến hãy làm tương tự với những gì người kia muốn nói. Nếu bạn cương quyết như vậy, những gì bạn sắp nói tới sẽ rõ ràng ngay từ đầu. Và nếu sau đó bạn không vội vã bỏ những điểm chính yếu của câu chuyện, chủ đề sẽ không bị lạc mất.
(2) Tôi đang giao tiếp với ai?
Hầu hết mọi người đều quan tâm đến những chủ đề nào đó mà không quan tâm đến những chủ đề khác. Nếu bạn và một ai khác có cùng sự quan tâm, rất tốt. Nếu không, bạn có thể cố gắng thiết lập mối quan tâm đó. Nhưng nếu, sau vài cố gắng đáng kể, bạn thấy rằng người kia không đáp ứng, thì bạn đừng ra sức làm gì. Nếu bạn cứ ra sức, bạn sẽ rất thường thấy rằng mình chỉ phí thì giờ.
(3) Cuộc giao tiếp diễn ra trong những hoàn cảnh nào?
Có những thời điểm và địa điểm để nói chuyện nghiêm túc, những thời điểm và địa điểm để nói chuyện tầm phào, và những thời điểm và địa điểm để không nói gì cả. Nhiều cuộc giao tiếp thân mật bị hỏng ngay từ đầu vì hai bên tham gia không nhận ra được sự khác biệt đó.
Hãy cố luôn luôn cân nhắc những yếu tố ngoại cảnh có thể tác động đến sự giao tiếp. Nếu không có được một số điều kiện thuận lợi, hãy cố đánh giá xem chúng sẽ làm rối tung cuộc trò chuyện như thế nào. Nếu những điều kiện thuận lợi hoàn toàn thiếu, nếu những hoàn cảnh được sắp đặt để chống lại bạn, thì thậm chí đừng cố gắng. Bạn phải ứng biến, nhưng nếu bạn ghi nhớ những hoàn cảnh đó, bạn sẽ không phạm quá nhiều sai lầm.
(4) Tại sao tôi tham gia vào cuộc giao tiếp này?
Không ai bị ghét hơn kẻ tranh cãi chỉ để tranh cãi. Anh ta là kẻ ba hoa cổ vũ cho ý kiến “trò chuyện là vớ vẩn” trong khi, thực ra, nó là một trong những điều quí giá nhất trên đời này.
Chỉ gây gổ thôi không phải là trò chuyện. Khi chúng ta cố gắng cười xòa trước một lý lẽ đanh thép hoặc giễu cợt người kia, khi chúng ta đồng ý hay không đồng ý mà không hiểu gì, khi chúng ta trở nên mỉa mai, và khi chúng ta viện cớ không rõ ràng để đột ngột chấm dứt một cuộc bàn luận, là chúng ta không trò chuyện. Tất cả những gì chúng ta thu nhận là kết quả mà những mưu mẹo không minh bạch của chúng ta xứng đáng nhận lãnh – chiến thắng rẻ mạt chúng mang lại cho chúng ta.
(5) Tôi phải trình bày những gì có trong đầu như thế nào?
Mỗi người giao tiếp giỏi đều có một phong cách. Anh ta càng giỏi, phong cách anh ta càng linh hoạt. Anh ta biết rằng vốn từ vựng, kinh nghiệm, những điểm yếu, mối quan tâm, và sự tin tưởng của các cá nhân rất khác nhau. Do đó, để truyền đạt được điều anh ta muốn nói, anh ta phải không ngừng điều chỉnh lối nói của mình. Anh ta không bao giờ rơi vào những khuôn mẫu cứng nhắc.
(6) Khi nào thì những điều nào đó nên được nói ra?
Cũng quan trọng như phong cách trong giao tiếp là việc tính toán thời điểm. Bạn có thể làm mọi thứ khác một cách chính xác, nhưng nếu bạn nói điều đúng không đúng lúc, bạn đã thất bại. Cảm nhận được giây phút quan trọng trong lúc giao tiếp không phải dễ dàng. Tôi không biết có kỹ năng giao tiếp nào khó thủ đắc hơn nó. Và lý do khiến cho nó quá khó là vì nó đòi hỏi bạn lắng nghe người kia nói.
Không có chuyện một người giao tiếp giỏi một cách tự phát. Người nói chuyện nhanh, không cần nỗ lực, và lưu loát thì không có cảm hứng gì đặc biệt. Họ học hỏi để giao tiếp và lao động cật lực để những thói quen giao tiếp lưu loát trở thành một phần của họ. Nếu bạn hỏi họ, họ sẽ nói cho bạn biết rằng lúc mới bắt đầu rất gay go và họ thường xuyên tự hỏi: Cái gì? Với ai? Trong những hoàn cảnh nào? Tại sao? Như thế nào? Và Lúc nào?
(sưu tầm)
Mời thăm và quảng bá www.giaoducconggiao.net
Chân thành cảm ơn
Tình bất an vì không môn đăng hộ đối
Nguyễn Hòa VNE - Vừa ra trường, Diệp (quê Hà Nam) đã được nhận vào làm ở một kênh truyền hình có tiếng ở Hà Nội. Xinh đẹp lại năng động, Diệp được một số chàng ngỏ lời tán tỉnh nhưng cô đều chối từ vì đã có người yêu ở quê.
Nhưng khi đặt vấn đề lấy người ấy, Diệp gặp phải phản ứng từ gia đình. “Bố mẹ nói cuộc sống của người phố kẻ quê sẽ có nhiều khó khăn. Mình làm báo có thể bay nhảy khắp nơi, còn anh chỉ quanh quẩn làm việc ruộng vườn ở quê. Cứ cho là yêu nhau tha thiết nhưng lấy về rồi lại là chuyện khác. Lấy anh, mình sẽ phải lo toan kinh tế, con cái sau này, anh lại không đi ra ngoài nên khó có thể cảm thông cho nghề nghiệp của mình được”, Diệp kể.
Người bạn trai ấy là mối tình đầu, hơn cô 7 tuổi, đang làm nhân viên ở xã nhưng việc chính vẫn là đồng áng. Gần chục năm yêu nhau, Diệp hạnh phúc vì anh rất mực quan tâm cô. Những ngày cô còn là sinh viên học xa nhà, anh vẫn lên thăm đều đặn hàng tuần như lúc mới yêu. Người ở quê ai cũng biết chuyện tình lãng mạn này. Giờ nếu không cưới anh, cô sợ phải chịu tiếng xấu, có lẽ chẳng bao giờ dám vác mặt về quê. Diệp đau khổ vô cùng. Muốn cùng anh vượt qua tất cả nhưng cô cũng có nhiều lo lắng cho viễn cảnh tương lai.
![]() |
Ảnh minh họa: chinadaily. |
Anh Pháp (32 tuổi, Hà Nội) cũng đang khổ sở khi người anh muốn cưới là một cô gái dân tộc. Lên chức trưởng phòng kinh doanh, lại đẹp trai, ga lăng, xuất thân từ gia đình học thức, giàu có, nghiễm nhiên anh trở thành mơ ước của nhiều cô gái trong công ty.
Ngày cô đến công ty nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí nhân viên bán hàng, anh đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng nên đồng ý ngay. Sự e ấp, dịu dàng cùng gương mặt thánh thiện của cô gái dân tộc khiến anh mê đắm.
Chuyện hẹn hò kéo dài được 2 năm, anh ngỏ lời cưới thì cô bật khóc. Cô thú thật mình là người dân tộc thiểu số, gia đình rất hoàn cảnh, bố đi tù vì gây ra tai nạn chết người, mẹ lại mất sớm, nhà còn 2 em nheo nhóc trông chờ vào chị cả. Bản thân cô mới học hết cấp 2, cũng chỉ lao động chân tay nhẹ nhàng.
Nhưng anh vẫn trấn an người yêu và quyết định thưa chuyện với bố mẹ. Phản ứng giận dữ hiện rõ trên khuôn mặt của mọi người trong gia đình về “đôi đũa lệch” . Mọi người cho rằng anh đã bị cô gái Mông cho uống bùa mê thuốc lú. Nhất là mẹ anh, bà tuyên bố sẽ chết nếu anh vẫn ngoan cố rước “của nợ” về nhà. Anh Pháp đành phải tìm chỗ trú tạm thời cho người yêu.
“Mặc dù yêu em nhưng những lời phân tích cặn kẽ của bố, sự giận dữ đau khổ của mẹ không phải không có lý. Càng ngày mình càng sinh ra chán nản không biết phải giải quyết sao chuyện này? Bỏ em thì sao đành? Nhưng gia đình, bạn bè, mọi người xung quanh phản đối, chê cười suốt đời thì đâu chỉ mình khổ mà em cũng khổ”, anh Pháp tâm sự.
Nhận định về vấn đề này, tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm dư luận truyền thông đại chúng, Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, môn đăng hộ đối là tốt, không có vấn đề gì. Nó là lăng kính để chọn lựa tình yêu, bỏ qua những tình yêu sét đánh, chớp nhoáng.
Tất cả sách báo, tài liệu về tình yêu lâu nay thường quy quan điểm môn đăng hộ đối là ấu trĩ. “Nhưng xét về logic, lý tính, môn đăng hộ đối sẽ trường tồn và có cơ sở thực tế để tồn tại. Nó hứa hẹn cân bằng không chỉ ở xuất phát điểm, kinh tế, văn hóa, đẳng cấp mà còn ở tính cách, nhu cầu giao tiếp… Sự xuất thân tương thích làm họ dễ đồng điệu hơn trong việc nắm bắt được nhau”, tiến sĩ Bình nói.
Tuy nhiên, ông cũng chắc chắn, tất cả người coi môn đăng hộ đối là nguyên tắc, là công thức hóa tuyển chọn bạn đời thì rất dễ phạm sai lầm. Họ sẽ trở thành những cục đá được đặt cạnh nhau, mặc dù tất cả cuộc nghiên cứu từ trước đến nay của xã hội học đều chỉ ra rằng hôn nhân tính toán thường có tính chất bền vững hơn tình yêu bình thường.
“Khi quá mức đến độ duy lý mà không đếm xỉa gì đến cung bậc tình cảm thì sẽ dẫn đến sai lầm. Chúng ta chỉ nên tính toán như một hình thức bổ trợ, tìm kiếm bạn đời”, ông Bình cho biết.
Một điều tra của Viện Gia đình và Giới vào năm 2006 cho thấy, nếu như trước năm 1975, hôn nhân do cha mẹ quyết định chiếm đến 14%, thì đến năm 2006 giảm xuống còn 5,2%. Hình thức con cái quyết định hôn nhân - có hỏi ý kiến bố mẹ - ngày càng tăng. Như vậy, hôn nhân không phải do bố mẹ quyết định nữa mà chủ yếu do con cái. Cũng theo thống kê này, người trẻ tuổi ngày càng ít coi trọng các tiêu chí như cùng quê, gia đình nề nếp, lý lịch trong sạch, mà cân nhắc nhiều hơn đến việc biết cách làm ăn, đạo đức tốt và có thu nhập ổn định. |
Tiến sĩ tâm lý Khuất Thu Hồng (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội) cũng cho rằng, lấy một người thường được soi chiếu qua gia đình để biết tốt, xấu ra sao vì chuyện hôn nhân là vấn đề trọng đại. Do đó môn đăng hộ đối trong trường hợp này là điều rất dễ hiểu, bình thường và không sai trái.
“Môn đăng hộ đối có phải lực cản trong tình yêu hay không lại là chuyện khác bởi cá nhân ngày nay có nhiều quyền hơn trước đây. Nếu quyết tâm thì chẳng ai ngăn cản họ được. Tuy nhiên, lấy người cùng giai tầng thì bao giờ cũng thuận tiện hơn”, nữ tiến sĩ tâm lý cho biết.
Cũng theo bà, môn đăng hộ đối luôn tồn tại nhưng trong những trường hợp trên, nếu cả hai đồng lòng vượt qua tất cả, họ nên giải thích cho mọi người để nhận được sự thông cảm.
“Quan niệm cho rằng lấy người làm công ăn lương nơi thành phố có thứ bậc cao hơn người làm ở quê nhà, địa vị của chồng luôn phải cao hơn vợ đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt Nam. Thực tế là chẳng có công việc nào quan trọng hơn công việc nào nên suy nghĩ ấy hoàn toàn sai lầm. Tương lai không thể đoán trước, do đó suy nghĩ lấy một người phù hợp hơn thì tương lai sẽ tốt hơn là điều không có gì chắc chắn”, bà Hồng cho biết.
Theo bà, các chàng trai cô gái nên quan tâm tới những phẩm chất, tính cách tốt đẹp của đối tác mà không liên quan đến vị thế, lý lịch. “Bản thân người có hoàn cảnh gia đình không tương xứng không có lỗi, mặc dù ở Việt Nam, mối quan hệ gia đình khá gắn bó không chỉ riêng vợ chồng mà còn khăng khít với bố mẹ, họ hàng. Bố mẹ bao giờ cũng thương con, giận dữ, dọa nạt cũng chỉ vì sợ con khổ. Nếu mình sống hạnh phúc thì bố mẹ sẽ hiểu, thông cảm và chấp nhận bỏ qua”, bà Hồng khẳng định..
Nguyễn Hòa